Độc giả Nguyễn Trung Thiên chia sẻ cũng đã từng là nạn nhân của việc không nghe lời sếp: Khi đó tôi được giao phụ trách quản lý khai thác kinh doanh khu nhà ba tầng mặt tiền của công ty. Nhưng sếp lại muốn cho một đối tác mà sếp quen biết thuê để kinh doanh. Khổ nỗi sếp bắt tôi ký hợp đồng với họ.
Sau khi kiểm tra, phía đối tác thực sự có nhiều vấn đề không ổn nên tôi không đồng ý ký. Vậy là sếp họp các phòng ban ...để bắt tôi phải ký. Không biết lúc đó sao tôi lại nghĩ ra được một cách là viết một văn bản nói rõ lý do.... và nhờ phòng Thanh tra công ty ký xác nhận, sau đó thì tôi mới ký.
Sau phi vụ đó, tôi đã bị "hành quyết" bằng việc cho đi làm những việc khó khăn nhất. Đúng là vất vả nhưng cũng may nhờ vậy nên sau đó hợp đồng kinh doanh với đối tác vỡ trận, tôi không bị dính đòn.
Độc giả có nickname minphanthi395 chia sẻ: Tôi nghĩ nếu mình muốn có một cuộc sống ổn định thì phải nghe lời sếp. Nếu sếp dùng lệnh bằng lời truyền đạt thì tôi vẫn nghe để sếp yên tâm (có thể đây là cái bẫy hoặc cũng có thể đây là cách tránh đòn pháp luật khi cần thiết) nhưng tôi đã âm thầm ghi nhật ký giờ, phút, ngày, lời truyền đạt, địa điểm, thời tiết...
Thế là sau ba năm, việc làm này của tôi có hiệu quả. Lúc sự cố, tôi phản đòn thẳng mặt sếp trước toàn thể cơ quan bằng "quyển sổ Nam Tào" ngày ấy, ai cũng sợ vã mồ hôi. Còn tôi viết đơn xin nghỉ việc ngay, sếp hỏi cậu nghỉ việc thì làm gì. Tôi trả lời làm xe ôm đứng tại cổng cơ quan và nhận lương của vợ sếp, nghe thế sếp xé luôn tờ đơn vứt vào sọt rác và cuộc sống của tôi lại sóng yên biển lặng.
Độc giả Trịnh Hải cho rằng nhân viên có quyền từ chối yêu cầu sai trái của sếp: Tôi nhớ trong Luật lao động có ghi "người lao động có quyền từ chối những công việc nguy hiểm mà khả năng của mình không đáp ứng được". Vậy nếu sếp yêu cầu bạn làm công việc thấy không an toàn thì hãy giải thích ngay cho sếp biết để sếp cân nhắc lại, nếu sau khi giải thích cho sếp biết đó là sai lầm mà sếp vẫn yêu cầu làm thì bạn có quyền từ chối.
Nếu bạn vẫn làm theo sếp, kể cả sếp bút phê vào yêu cầu thì khi xảy ra vi phạm pháp luật, bạn vẫn bị khởi tố.
>> Sếp luôn ép nhân viên 'vượt qua chính mình'
>> 'Không có nhân viên kém, chỉ có quản lý tồi'
Độc giả kanon có lời khuyên nhân viên phải chủ động bảo vệ mình: Chính vì cơ chế pháp lý có đầy nên các sếp mới sợ vòng lao lý, bắt nhân viên mình phải ký thay để có gì còn ôm đầu lãnh đạn. Ngoài việc nhân viên tự bảo vệ mình bằng máy ghi âm hay ghi lại cuộc điện thoại ra, tất cả chỉ còn biết trông chờ vào đạo đức và lương tâm của người lãnh đạo thôi. Khi họ muốn làm điều bậy thì họ có đủ cách để làm.
Độc giả Brave Tran không đồng ý với lý do sợ bị đuổi việc nên biết làm sai vẫn ký: Phải có văn bản xác nhận về việc sếp chỉ đạo bằng miệng, chứ không là rủi ro đối với mình rất cao. Hưởng lợi cho việc ký sai là sếp, nhưng rủi ro xảy ra thì mình gánh hết. Tôi thật sự dị ứng với những người nói rằng biết rõ là sai nhưng vẫn phải ký dù chẳng được tí lợi lộc gì với lý do sợ đuổi việc, thế thì đừng trách ai khi vụ việc vỡ lở và mình là người chịu hết.
Độc giả trieuyen1977 cho rằng nhân viên cần mạnh dạn chống lại những lệnh miệng của sếp: Thay vì góp ý để cùng nhau bàn bạc đưa ra một quy định mang tính pháp lý để các sếp không có lý do đưa ra những mệnh lệnh miệng vô tội vạ, thì chúng ta đang cân nhắc có nên nghe theo hay nghe theo đến đâu. Hoặc là nghỉ việc để gia đình, vợ con lâm vào cảnh khó khăn, đó là một thái độ cam chịu, nô bộc, sống mòn, không dũng khí.
Vẫn biết rằng khi việc này được mang ra bàn thì mọi người đã thấy bức xúc rồi, ta hãy cùng nhau bàn cách triệt tiêu nó chứ không nên để từng cá nhân đơn độc đối đầu với nó. Chẳng có cái gì tốt mà làm một ngày đã xong, vậy ta hãy bắt đầu đi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.