Đánh giá về lối chơi của các đội tuyển dưới thời HLV Park Hang-seo, nhiều độc giả VnExpress cho rằng chiến thuật "phòng ngự phản công" mà vị chiến lược gia Hàn Quốc xây dựng suốt hai năm qua là hoàn toàn phù hợp với bóng đá Việt Nam:
Tôi thích lối đá khôn ngoan, mưu mẹo, bản lĩnh của những người đàn ông chứ không thích lối đá tấn công ào ạt ngây thơ của những đứa trẻ. Chelsea thời Mourinho, đội tuyển Italia thời trước cũng đều là những đội bóng lớn, những nhà vô địch và họ chơi phòng ngự. Trong khi đó, những Hà Lan, Tây Ban Nha thời đó lại tấn công ào ạt, kiểm soát bóng nhiều mà cũng chỉ là "vua vòng loại" mà thôi.
Đúng là lối đá Việt Nam có phần xù xì. Nhưng chính cái xù xì đó mới đem lại thành công trong những năm gần đây. Nếu quy Việt Nam vào đội mạnh là một sai lầm. Sức mạnh của Việt Nam nằm ở bản lĩnh, sự tự tin và lối đá phòng ngự phản công của ông Park, chứ thực tế đẳng cấp chưa hẳn hơn ai. Đá tấn công dồn dập khác nào đâm đầu vào rọ. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Dù sao cũng nên ủng hộ đội tuyển thay vì chỉ trích.
Lối đá mà thầy Park áp dụng cho bóng đá Việt Nam là phù hợp với thể trạng của người Việt khi kém đối thủ về thể hình lẫn thể lực, nếu đá tổng lực thì thể lực cầu thủ Việt Nam chắc chắn hụt hơi dần về cuối trận, áp dụng phòng ngự chặt phản công nhanh là đúng bài rồi.
Mỗi HLV có một triết lý khác nhau, không phải cứ đá banh là vô trận phải ào ào tấn công, đá bằng cái đầu chứ không phải đá bằng sức. Còn nếu nói tuyển Việt Nam thời HLV Park đá kiểu chờ may mắn thì không ai may mắn mãi được cả. Nhiều người chê Việt Nam chỉ biết thủ mà không biết công thì sao chúng ta lại chiến thắng biết bao nhiêu giải kể kể từ khi ông Park về dẫn dắt? Không để đối thủ ghi bàn, chúng ta sẽ đoạt cúp, còn cố ghi bàn vào lưới đối thủ chỉ giúp ta thắng trận mà thôi.
"Vua thủ" thì có sao? Thực lực chúng ta có bao nhiêu thì đá bấy nhiêu. Chỉ cần không đá xấu, không bạo lực, không cố tình đưa cầu thủ đội bạn lên cáng thì tôi chẳng thấy có vấn đề gì với lối chơi thắng bằng phòng thủ cả. Tôi còn tiếc vì trận Thái Lan, ông Park đã chọn chơi nhanh mà không chơi thủ toàn diện như trận UAE. Tôi xin nhắc lại, phòng thủ hay tấn công chẳng có vấn đề gì nếu đội chúng ta vẫn chơi bóng fairplay và giành chiến thắng.
Bóng đá là quả bóng tròn. Từ ngày có thầy Park thì tôi mới biết "chiến thuật" là như thế nào? Xây dựng lối chơi của Việt Nam là "phòng ngự phản công" đã thành thương hiệu. Hiện tại, chúng ta vẫn đang phát huy bản sắc đó. Đã phòng thủ thì chấp nhận nhường khu trung tuyến (có bao giờ mà tỉ lệ kiểm soát bóng của chúng ta hơn đối thủ đâu?). Còn đã gọi là phản công thì sẽ có khi thành và khi bại. Nhưng cũng có vũ khí "phản công nhanh" là thanh gươm để chúng ta kết liễu đối thủ.
Tùy từng thời điểm mà chúng ta sẽ rút gươm "kết liễu" đối thủ. Ít nhất, đội tuyển của chúng ta có "tuyệt chiêu" để so kè với các đội bóng tầm châu Á (điều mà trước kia chúng ta không có). Về mặt cầu thủ, chúng ta không thể nào so sánh hơn các đối thủ lớn được. Chúng ta đầu tư chưa chắc đã bằng các đối thủ (kém Thái Lan và chỉ bằng một góc của UAE...). Vì vậy, thành công của đội tuyển và cái "sướng" của NHM như ngày hôm nay đã là rất tuyệt vời. Muốn phát triển nữa chúng ta phải đồng bộ nhiều thứ từ gốc như thể thao học đường, CLB, Giải VĐQG, VFF... và đặc biệt vấn đề kinh tế. Bởi vậy, cổ động viên chúng ta hãy cứ tận hưởng niềm vui này, nhất là khi cả châu Á cũng dần xác nhận "vượt qua hàng phòng ngự của Việt Nam là điều không hề đơn giản".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.