Sau trận đối đầu tại Mỹ Đình, có thể thấy Việt Nam không mạnh hơn Thái Lan. Bằng chứng là họ cầm bóng nhiều hơn chúng ta. Để cầm bóng nhiều hơn, họ phải di chuyển nhiều hơn, nhanh hơn, bịt chặt mọi khoảng trống trên phần sân của họ. Người Thái không thể ghi bàn vào lưới Việt Nam vì họ thiếu một mẫu tiền đạo có khả năng đột phá như Kiatisuk. Tương tự, chúng ta cũng thiếu một mẫu tiền đạo như vậy.
Các khoảng trống đều bị bịt chặt, khả năng ghi bàn từ những pha dàn xếp là rất khó khăn, phụ thuộc nhiều vào tình huống cố định. Bàn thắng không được công nhận của chúng ta cũng là một tình huống cố định (phạt góc). Không có mẫu tiền đạo này, dù lọt vào vòng trong chúng ta cũng khó có khả năng đi xa hơn. Vòng loại thứ ba sẽ gồm toàn những đội trình độ thấp nhất cũng cỡ Thái Lan trở lên. Trận hòa với Thái Lan nhất định sẽ bị các đối thủ nghiên cứu kỹ. Những đội tầm cỡ như vậy không xem chúng ta có đẳng cấp ngang hàng. Họ chỉ cần thủ như Thái Lan và tung mọi nỗ lực ra để tấn công.
Việt Nam lọt vào vòng 1/8 Asian Cup phần nhiều là do may mắn và do các đối thủ "không biết" gì về chúng ta. Phần lớn các trận đấu bao gồm cả những trận thắng, đội bóng của HLV Park đều đá dưới cơ đối thủ.
>> 'Việt Nam không thắng được Thái Lan vì tiền đạo kỹ thuật kém'
Hàng thủ của chúng ta được coi là chắc chắn vì Thái Lan chỉ cầm bóng nhiều hơn chúng ta một chút. Những đội mạnh khác ở tầm châu lục chắc chắn sẽ cầm bóng tốt hơn thế rất nhiều. Khi hàng thủ bị dồn ép, sự tỉnh táo sẽ mất dần đi và dối phương sẽ tìm thấy cơ hội. Muốn đấu với họ, chúng ta phải cầm bóng ngang ngửa. Tỷ lệ cầm bóng nhiều hơn có nghĩa là tính chủ động cao hơn. Điều đó đòi hỏi cầu thủ của ta phải di chuyển nhanh hơn với những đường chuyền ban bật chính xác hơn. Tỷ lệ cầm bóng nhiều hơn cũng sẽ giúp ta tạo khoảng trống trên phần sân đối phương, cơ hội tấn công nhiều hơn và một trong số các cơ hội ấy sẽ chuyển hóa thành bàn thắng.
Việt Nam có ưu điểm là mọi cầu thủ đều có khả năng ghi bàn. Nhưng ưu điểm đó cũng đồng thời cũng là khuyết điểm bởi nó cũng đồng nghĩa với tính đột phá không cao, đòi hỏi khả năng dàn xếp phối hợp chiến thuật phải thật tốt. Để vô hiệu hóa lối chơi này, đối phương sẽ chỉ cần kèm người khu vực, bịt chặt mọi khoảng trống, cắt đứt mọi đường chuyền. Để nâng cao ưu điểm thì chúng ta phải nhanh hơn họ, chính xác trong mọi đường chuyền. Trừ phi chúng ta hơn hẳn họ về thể lực (hoặc chí ít cũng ngang bằng về thể lực), bằng không sẽ không có cơ hội.
Trong trận đấu với Thái Lan, mọi đường chuyền cuối cùng của chúng ta đều bị cắt đứt dễ dàng. Khi ta có bóng trên phần sân của họ, người Thái dồn gần như toàn bộ đội hình về sân nhà. Nhưng khi có bóng, họ triển khai tấn công rất nhanh. Để làm được điều này đối thủ phải tốn nhiều sức hơn ta. 15 phút cuối trận Thái Lan dồn ép chúng ta, điều đó cho thấy thể lực của họ vẫn nhỉnh hơn Việt Nam. Vậy thì những đội bóng mạnh hơn Thái Lan ở vòng trong sẽ còn khỏe hơn nữa. Khi ấy chúng ta hoàn toàn có nguy cơ bị dồn ép suốt cả 90 phút.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Tôi 'tán gẫu' vẫn tuyển dụng được nhân viên chất lượng cao
>> Tôi không học môn Công nghệ vẫn vẽ kỹ thuật tốt
>> Tôi 'đơ người' với bài tập Toán của học sinh lớp 8
Thi đấu thể thao nói cho cùng là đua tranh thể lực rồi mới đến các loại kỹ thuật khác. Sức mạnh, tốc độ càng cao càng khống chế bóng dễ dàng. Đó là lý do chúng ta ngang bằng với cầu thủ Brazil khi đứng một chỗ tâng bóng, nhưng vừa chạy vừa tâng bóng thì chúng ta kém một trời một vực. Hoặc, chúng ta có thể hoàn thành các bài tập chiến thuật ở đẳng cấp thế giới trong điều kiện không tốn hao thể lực. Còn khi thể lực giảm sút, đẳng cấp của chúng ta sẽ hiện rõ. Cho nên, đã thua kém về thể lực thì mọi chiến thuật, kỹ thuật đều không có chỗ (không có cơ hội) để xài.
Người ta không thể biết được em bé nào sau này sẽ trở thành cầu thủ hay vận động viên chuyên nghiệp. Do vậy, họ sẽ tạo điều kiện nâng cao thể lực cho mọi em bé. Đó chính là nền thể thao toàn dân. Còn ta, chỉ chăm chú vào những em bé có năng khiếu, có ít nhất 50% khả năng trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Những em bé này chỉ bộc lộ khả năng khi đã 15–16 tuổi trong khi nền thể thao toàn dân bắt đầu nâng cao thể lực cho các em bé từ rất, rất sớm (khi mới 5–6 tuổi). Đặc biệt, vấn đề dinh dưỡng luôn đi trước một bước, ngay từ khi còn là trẻ sơ sinh. 15–16 tuổi mới bắt đầu quan tâm có lẽ đã quá trễ.
Chúng ta sẽ còn loay hoay đối đầu với Thái Lan một thời gian rất dài nữa, cho đến khi nào thể lực của ta ngang bằng với họ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.