Có nhiều yếu tố để hình thành nên tình yêu và cũng cần nhiều yếu tố để giữ gìn và vun đắp nên một tình yêu chân thành và bền vững. Dưới đây là một vài yếu tố được ghi nhận trong một nghiên cứu của nhóm sinh viên chúng tôi về những giá trị ảnh hưởng đến tình yêu đôi lứa.
Những yếu tố trên bao gồm:
Tôn trọng- Theo sách Giáo dục công dân lớp 8, bài số 3: Tôn trọng người khác được hiểu là xem trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của người khác. Người biết tôn trọng người khác là người sống tự trọng, biết được và xem trọng những giá trị những của bản thân và những người xung quanh; không xúc phạm hay làm mất danh dự của người khác. Mọi người tôn trọng lẫn nhau là cơ sở để xã hội trở nên trong sáng, lành mạnh và tốt đẹp hơn.
Bên cạnh đó, theo Đại từ điển tiếng Việt thì Tôn trọng được định nghĩa như sau: "Tôn" có nghĩa là đưa ai đó lên một địa vị cao quý, "Trọng" có nghĩa là chú ý, đánh giá cao. Kết hợp hai khái niệm này, "tôn trọng" nghĩa là bạn luôn đặt đối phương lên trên mình. Những suy nghĩ, hành động và cảm xúc của đối phương luôn được bạn quan tâm.
Từ những quan điểm trên về sự tôn trọng, chúng tôi rút ra những kết luận đối với vấn đề tôn trọng trong tình yêu như sau:
Thứ nhất, tôn trọng là xem trọng danh dự, phẩm giá và những đặc điểm khác biệt của người mình yêu.
Thứ hai, tôn trọng thể hiện ở việc nhìn nhận rằng người mình yêu có cá tính riêng, quan điểm riêng... Mặc dù rằng khi yêu nhau, hai người đều tự điều chỉnh bản thân để xích lại gần, để đồng cảm với nhau nhưng chúng ta không thể và không có quyền "nhào nặn" người yêu theo ý của mình.
Nếu như chúng ta luôn không đồng tình, thậm chí phản bác với những ước vọng của người yêu; nếu cứ cho rằng mình có quyền không cho phép người yêu làm việc này, việc khác, bạn hãy cẩn thận và tự nhìn lại mình.
>> Bài viết cùng tác giả: Con hư - cha mẹ có lỗi trước khi trách nhà trường
Chính thái độ này có thể làm mờ đi hoặc có thể phá vỡ đi tình yêu. Bạn hãy nghĩ đến việc học cách tôn trọng cá tính, quan điểm của người ấy, điều này sẽ giúp nuôi dưỡng tình yêu của chính bạn.
Trung thực - Trung thực được định nghĩa trong bài 2 môn Giáo dục công dân lớp 7 như sau: "Trung thực là luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý, lẽ phải, sống ngay thẳng thật thà, dám nhận lỗi khi mắc khuyết điểm". Còn theo Cố Giáo sư Tiến sĩ Dương Thiệu Tống thì con người có hai đức tính căn bản, đó là Trung thực và Lòng can đảm. Ông cho rằng đây chính là hai đức tính căn bản cho mọi thứ đạo và đức.
GS Tống nhận định rằng: "Tính trung thực là đức tính lớn nhất của ý chí. Thật ra hai đức tính này không khác nhau bao nhiêu vì xét cho cùng tính trung thực là sự can đảm của trí tuệ, và lòng can đảm cũng là sự trung thực của ý chí. Tính trung thực là đức tính cần thiết nhất ở con người vì nếu người ta không trung thực với chính bản thân mình thì không thể nào trung thực được với xã hội".
Như vậy, có thể hiểu trung thực là không gian dối, là thành thật với người khác và cả với chính mình, luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức và chân thật trong từng lời nói và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính.
Trong cuộc sống, Tính trung thực giúp con người trở nên đáng tin cậy trong mọi mối quan hệ, đó là sức mạnh lớn nhất giúp con người thuyết phục người khác. Sự trung thực góp phần nên nhân cách con người.
>> Bài viết cùng tác giả: Nhiều người bất mãn công việc và sếp nhưng không chịu bỏ việc
Vậy còn với tình yêu, tính trung thực được thể hiện như thế nào? Qua những nội dung vừa tìm hiểu trên đây, chúng ta có thể hiểu trung thực trong tình yêu là Luôn tôn trọng sự thật, không che giấu hay lừa dối người mình yêu, có vấn đề gì cũng cùng chia sẻ với nhau và tìm ra hướng giải quyết hợp lý nhất.
Trách nhiệm - Từ điển tiếng Việt định nghĩa: "Trách nhiệm là phần việc mà cá nhân hay tổ chức được giao cho hoặc coi như được giao cho, các cá nhân hay tổ chức này phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả".
Từ định nghĩa trên, có thể nói trách nhiệm trong tình yêu được thể hiện trong việc người trong cuộc cần phải thực hiện những điều mà cả hai cùng cam kết, có thể kể đến như: đến đúng giờ hẹn nhau, không chậm quá 15 phút... Thực hiện được lời hứa của mình, dám hứa dám làm. Dám nhận lỗi và nói lời xin lỗi khi mắc sai lầm, không đổ thừa cho hoàn cảnh, các yếu tố khác gây ra. Gắn bó với gia đình.
Khi yêu, cả nam lẫn nữ cần chú ý xem người bạn của mình có cách ứng xử như thế nào với những người thân yêu của họ, bởi chính những thái độ của họ giúp ta nhận ra họ là người như thế nào. Khi họ đối xử với người thân của họ một cách hời hợt, lạnh nhạt thì sau khi trở thành người thân thiết, rất có thể họ sẽ đối xử với chúng ta như thế. Trong bất cứ dạng tình cảm nào thì yếu tố trách nhiệm vẫn vô cùng quan trọng, nó giúp tình yêu trở nên vững chắc hơn, bền chặt hơn.
Chung thuỷ - Theo từ điển Hán Việt, chung thuỷ được phân tích như sau: "Thủy" là khởi nguồn, bắt đầu, "Chung" là cuối, kết thúc. Người ta dùng từ chung thủy để nói lên khái niệm không thay đổi, trước sau như một, không thay đổi và đặc biệt dùng để miêu tả tính chất đẹp đẽ của mối quan hệ, sự gắn kết yêu đương, vợ chồng. Chung thuỷ còn được hiểu là sự gắn bó lâu dài giữa đôi lứa đang yêu, không san sẻ tình cảm của mình cho người khác.
>> Bài viết cùng tác giả: Bạo lực, đổ máu khiến lễ hội mất cảm xúc vui vẻ, hào hứng
Tùy theo quan niệm, phong tục hay định kiến của từng dân tộc, từng quốc gia qua từng thời kỳ mà quan niệm về sự chung thủy hay nhiều yếu tố khác trong xã hội cũng có nhiều khác biệt. Luôn đem lại hạnh phúc cho nhau "Tình yêu và hạnh phúc cũng giống như một cây hoa. Muốn cho cây sống tươi tốt, ra hoa đẹp thì phải không ngừng vun bón, tưới tắm cho cây, chăm sóc cây hằng ngày." (khuyết danh) Theo một chuyên viên tâm lý: "Tình yêu vẫn thường được ca ngợi là chỗ dựa và nguồn nhựa sống của con người. Chính vì vậy mà việc vun đắp, xây dựng tình yêu là vô cùng quan trọng và cần thiết". Vị này gợi ý : "Giữa cuộc sống vất vả, hai bạn hãy tìm những giờ khắc để tạo cho nhau niềm vui đặc biệt: một món quà nhỏ, buổi xem phim, đi dạo, ôn kỷ niệm buổi gặp gỡ đầu tiên,... Hãy nâng niu tình cảm của mình và giữ cho tình yêu luôn luôn tươi trẻ".
Niềm tin - Dựa vào Giáo trình Tâm lý đại cương của tác giả Nguyễn Quang Uẩn, Nhà xuất bản Đại học sư phạm thì niềm tin là thế giới quan đã được kiểm nghiệm, thể nghiệm. Niềm tin là một sản phẩm của thế giới quan, là kết tinh các quan điểm, tri thức, rung cảm, ý chí được con người thể nghiệm, trở thành chân lý bền vững trong mỗi cá nhân.
Niềm tin tạo cho con người nghị lực, ý chí để hành động theo quan điểm của mình, niềm tin là lẽ sống của con người. Hay nói cách khác niềm tin chính là sự tin tưởng vào một ai đó, một điều gì đó. Trong tình yêu, một trong những yếu tố quan trọng nhất là sự tin tưởng. Chỉ khi tin vào người mình yêu chúng ta mới có một tình yêu trọn vẹn, bởi sẽ thật là khó chịu và căng thẳng nếu hai người yêu nhau mà luôn nghi ngờ nhau.
Tin không có nghĩa là chỉ tin vào những lời nói mà cũng cần tin vào tình cảm của chính người mình yêu, tin vào những cố gắng xây đắp tình yêu của đối phương, tin vào tương lai phía trước sẽ tốt đẹp... Niềm tin sẽ tạo động lực mạnh mẽ để tình yêu phát triển và bền vững; ngược lại, yêu mà không có niềm tin thì tình yêu có thể bỏ ta đi vào bất cứ lúc nào.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.