Đạo đức trong nhà trường xuống cấp: Ai chịu trách nhiệm? Tôi còn nhớ trong phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, những vấn đề bức xúc bậc nhất trong ngành giáo dục đã được đặt ra, và câu hỏi ấy như một nút thắt quá khó khăn mà hầu như năm nào người ta cũng nghĩ đến. Nhưng để trả lời câu hỏi ấy, quả thật không dễ dàng.
Cách đây nhiều năm, khi tôi còn là một học sinh trung học, có những lần đi học trễ, vì ngủ quên chứ không phải lý do gì khác, nhưng tôi và một số bạn bè đều tự tìm ra những lý do để hợp lý hóa lý do đến muộn:
- Em thưa cô, sáng nay em bị đau bụng ạ.
- Thưa thầy, xe em bị hư ạ.
- Nhà em xa mà còn chở em của em đi học ạ...
Dĩ nhiên, nhà trường luôn dạy học trò thật thà, ngay thẳng và chúng tôi làm sao quên được bài học ấy. Tuy vậy, chúng tôi vẫn không thể luôn luôn thành thật. Bởi nhận trách nhiệm về mình bao giờ cũng khó khăn. Và thật dễ dàng để chúng ta tìm lý do để thoái thác, để đổ lỗi và lảng tránh việc tự giáo dục bản thân mình.
Còn nhớ khi học cấp hai, có lần đến phiên tôi trực nhật, tôi đã đổ rác không đúng nơi quy định. Khi bị một cô giáo phát hiện, tôi đã chống chế: "Dạ, vì em thấy nhiều bạn đã đổ rác ở đây ạ". Thật ra đúng là có nhiều bạn đổ rác ở đó thật, chỉ là họ không bị phát hiện như tôi mà thôi.
Cô giáo dạy môn Địa lý thở dài nhìn tôi và hỏi: "Cứ người khác làm là em cũng làm theo sao? Không lẽ giờ họ làm sai em cũng sai theo họ...". Đó là một câu hỏi hàm ý, bản thân nó đã mang câu trả lời. Tôi đã sai.
Cô giảng giải cho tôi một hồi rồi cũng tha cho tôi, không bắt tôi hốt lại đống rác đó. Một kỷ niệm tôi còn nhớ đến bây giờ.
>> Sinh viên, bạn trẻ sẽ không định hướng được tương lai nếu chạy xe ôm công nghệ
>> Cha mẹ Việt nên đẩy con 'ra đường' làm thêm từ lúc còn đi học
Đôi lúc, có những bài học rất giản dị, gần gũi nhưng bản thân ta không ứng dụng được. Ta vẫn làm sai khi thấy người khác sai. Giống như tôi, tôi được giáo dục nhưng chưa biết cách tự giáo dục. Ngày nay xã hội phát triển, cuộc sống bận rộn. Nhiều bậc cha mẹ không có thời gian quan tâm chăm sóc con, chia sẻ cùng con. Họ phó thác con cho nhà trường và thầy cô giáo.
Phải chăng đã tồn tại một ý niệm: Cứ đến trường là phải được dạy bảo, là phải trở thành người tử tế, là con ngoan trò giỏi hay một tương lai nhiều hứa hẹn? Tiền học phí bỏ ra là phải đổi lại sự nên người? Để rồi khi con trẻ làm sai, vi phạm, nhiều phụ huynh trách móc nhà trường đã làm gì?
"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", lời người xưa dạy quả là có lý.
Nhưng để tự trách mình, không phải là dễ dàng. Một đứa trẻ chỉ được phát triển tốt khi được học trong môi trường giáo dục toàn diện, bao gồm sự kết hợp chặt chẽ từ các môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Khi đến tuổi có thể nhận thức bản thân, có một yếu tố quan trọng nữa là tự giáo dục.
Tôi từng chứng kiến nhiều em học sinh cấp ba chửi thề, đánh nhau và đua đòi tụ tập... Những thứ ấy không nhà trường nào dạy và nó cũng chỉ xảy ra ngoài giờ học, ngoài khuôn viên nhà trường.
Có thể có nhiều nguyên nhân để các em trở nên "hư hỏng" và có những lý do khiến người lớn không thể không buồn lòng: "Con bị ba mẹ la mắng kết quả học nên con thả cho con học tệ luôn", "Con muốn phản ứng, con muốn được quan tâm"...
>> Thấy khó hiểu khi phụ huynh so sánh giáo dục hiện nay với 'thời chúng tôi'
Với một số gia đình, bảng điểm đẹp của con là niềm vui của bố mẹ khi đi khoe họ hàng, làng xóm, bảng điểm đẹp, là yếu tố để được thương yêu... Và đã rất nhiều lần các chuyên gia về giáo dục đã phải lên tiếng để các phụ huynh thôi yêu thương con vì điểm số. Thôi tạo áp lực trước khi chịu hậu quả nặng nề.
Để trở thành một con người trưởng thành đúng nghĩa, cần nhiều yếu tố kết hợp và một quá trình học tập đến trọn đời. Trong đó gia đình và tự bản thân nỗ lực phải là nền tảng chính. Đâu đó trong ngành giáo dục còn nhiều bất cập nhưng không lẽ cứ dựa vào đó để tìm lý do mà quên đi trách nhiệm của bản thân mình?
Vậy thì cho dù ai đứng ra chịu trách nhiệm lúc này đi chăng nữa, thì mỗi người trưởng thành cứ chịu trách nhiệm với chính mình đi đã. Suy cho cùng, cuộc sống của mình phải do mình giữ lấy.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Hoàng Thị Linh Chi