Trong truyện cổ "Trí khôn của ta đây", con cọp vì tò mò về sức mạnh của con người nên bị lừa trói vào gốc cây, thiêu lửa đốt. Thành ra dòng họ cọp sau này đều có những vằn đen ở trên thân thể, dấu tích của sự thất bại trước trí khôn của con người.
Đó là thời kỳ tổ tiên ta khai sơn lập địa, chưa văn minh và hiện đại như bây giờ. Muốn tránh thú dữ họ phải dùng lửa để xua đi, hay dùng sức mạnh cơ bắp, thậm chí phải dùng mưu mẹo (như với hổ) để thống trị, tránh sự nguy hại cho chính mình.
Thời ấy, có lẽ việc dùng sức người để hạ gục một con vật to xác là chuyện khó tin, ai làm được việc ấy thì quá tài ba, được người ta tôn là anh hùng trong xã hội. Cũng chính vì thế nên mới có những lễ hội đâm trâu đẫm máu như chúng ta còn được thấy ngày nay.
>> Bài viết cùng tác giả: Con hư - cha mẹ có lỗi trước khi trách nhà trường
Dẫu biết rằng mỗi lễ hội đều là những nét văn hóa cần được trân trọng và gìn giữ, nhưng trong bối cảnh mới, thời đại mới, những lễ hội mang tính chất bạo lực như chọi trâu, đâm trâu cần được nghiên cứu và xem xét có nên tiếp tục tổ chức hay không.
Lễ hội bạo lực, đổ máu thì đâu thể còn những cảm xúc vui vẻ, hào hứng; con người đâu có thể an nhiên trước những sự kiện đau thương. Con trâu vốn được xem là bạn của nhà nông, người bạn hiền lành qua bao năm tháng dầm mưa dãi nắng, cùng đồng cam cộng khổ với nhà nông trong năm tháng "Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Chúng thân thương đến nỗi ông bà ta ngày xưa có hẳn câu ca: "Trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ăn no cỏ trâu cày với ta, cấy cày vốn nghiệp nông gia, ta đây trâu đấy ai mà quản công". Vậy thì con người và con trâu, đáng lẽ là một "đôi bạn" thân thiết từ bao đời. Trâu mang ơn người nuôi dưỡng, người cũng biết quý trâu vì cần mẫn không ngừng. Vậy thì chúng ta sẽ trả lời những em nhỏ ra sao khi chúng kinh ngạc về những gì chúng thấy: "Sao người ta tệ bạc với "đầu cơ nghiệp" thế ba?".
>> Bài viết cùng tác giả: Nhiều người bất mãn công việc và sếp nhưng không chịu bỏ việc
Đâm trâu, chọi trâu là những lễ hội tồn tại từ bao đời nay với mục đích là tạ lễ thần linh, cầu mong an lành và mùa màng bội thu. Nhưng rõ ràng nó đã không còn phù hợp trong bối cảnh ngày nay, khi mà đất nước đã văn minh hơn, người người sống trong thời hiện đại, tôn trọng thiên nhiên như tôn trọng chính mình.
Mà cũng chẳng hãnh diện gì khi ai kia đâm chém được con trâu đang bị trói, chẳng vui vẻ gì trong bối cảnh hỗn loạn, đầy máu và bạo lực. Một đám hò reo trong ánh mắt hoang mang của các em thơ. Ngày nay đã khác xưa. Sức mạnh của con người đã không nằm ở "vai u thịt bắp", mà là trí tuệ, đạo đức và văn hóa trong mỗi người.
Đã đến lúc chúng ta không thể vui khi đọc "Trí khôn của ta đây", bởi con cọp chẳng có gì xấu xa mà chịu tội. Con cọp chỉ muốn biết trí khôn của loài người, lẽ nào trí khôn đó chỉ là xảo quyệt mưu mô? Là hả hê khi dung sức hạ gục một con vật đang rơi vào thế yếu?
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Hoàng Thị Linh Chi