Chắc mỗi người chúng ta ai cũng đã từng nghe thấy những lời than vãn rằng: làm giáo viên vất vả, nghề giáo là một trong những nghề chịu áp lực nhất...
Thực tế có phải như vậy không? Liệu có giải pháp nào để giúp người giáo viên giảm bớt những áp lực đó không?
Xin chia sẻ một vài ý kiến của người đã làm công việc dạy học để phần nào trả lời những câu hỏi trên.
Thứ nhất, nghề giáo có vất vả không? Để nhìn nhận vấn đề này, chúng ta thử cùng xem xét công việc cụ thể của một giáo viên. Một giáo viên trung học cơ sở trong biên chế, một tuần phải dạy 18 tiết (45 phút/tiết). Riêng giáo viên chủ nhiệm một tuần dạy 14 tiết, 4 tiết chủ nhiệm.
Một tiết dạy sẽ được kéo theo hai tiết chuẩn bị: soạn bài, chấm điểm, làm sổ sách... Để mọi người hình dung rõ hơn, tôi xin lấy ví dụ lịch làm việc cụ thể của một giáo viên để minh họa: Với 18 tiết dạy đó (nếu không phải giáo viên chủ nhiệm), thời khóa biểu phân công 2 - 4 tiết/ buổi sáng, thì người dạy đó chỉ phải lên lớp các buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Sáu hoặc thứ Bảy sẽ hết 18 tiết.
Các buổi chiều được dành cho soạn bài, chấm bài, làm sổ sách, họp hành... Trừ những buổi phải họp hành (thường là một buổi họp hội đồng/ tuần), thì giáo viên có thể ở nhà làm các công việc trên.
Thế việc soạn bài, chấm bài, làm sổ sách... có khó khăn lắm không? Theo nguyên tắc thì người dạy phải soạn bài trước khi lên lớp, soạn trên giấy hoặc dùng giáo án điện tử.
Việc này sẽ khá khó khăn với những người mới vào nghề. Nhưng khi đã dạy được một vài năm, giáo viên sẽ quen dần. Việc soạn giáo án, chấm bài... sẽ đơn giản vì đã gần như thuộc bài giảng.
Nếu chương trình có cải cách thì những điều cơ bản vẫn giữ nguyên công việc không mất nhiều thời gian.
>> 'Nên sa thải giáo viên yếu kém dù đã vào biên chế'
Soạn giáo án một lúc có khi dạy cả tuần. Công việc chỉ mất thời gian khi có đoàn kiểm tra hoặc dạy lớp chuyên, lớp chọn.
Bởi vậy thời gian rảnh của giáo viên nói chung là khá nhiều. Khi thời gian rảnh nhiều nếu người giáo viên không đọc để nâng cao trình độ, không làm thêm thì với cô giáo sẽ chăm lo gia đình, còn thầy giáo nghỉ ngơi, ăn nhậu. Tóm lại là công việc của người giáo viên nói chung cũng không vất vả lắm.
Thứ hai, nghề giáo có quá nhiều áp lực? Để trả lời câu hỏi này tôi xin đưa ra một vài so sánh giữa ngành giáo dục với một ngành mà cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội, đó là y tế. Một giáo viên trình độ đại học mới ra trường, công tác ở vùng đồng bằng, lương được khoảng 3,7 triệu đồng vì được cộng thêm 30% lương cơ bản – gọi là phụ cấp đứng lớp. Còn với một bác sĩ mới ra trường lương chỉ được khoảng 2,5 triệu đồng.
Một bác sĩ trưởng khoa của một bệnh viện lớn ở Hà Nội có khoảng hơn 20 năm công tác, lương chỉ được khoảng chục triệu đồng. Bác sĩ trưởng khoa trực ngày thường (từ 7h30 sáng hôm trước đến 7h30 sáng hôm sau) được 150.000 đồng, bệnh viện hỗ trợ 30.000 đồng tiền ăn là được 180.000 đồng. Bác sĩ mới ra trường một ca trực thì được trả thấp hơn.
Giáo viên với tầm ấy năm công tác thì lương sẽ cao hơn vị bác sĩ này vì được cộng thêm 30% lương cơ bản. Bác sĩ có thâm niên có thể mở phòng khám để tăng thu nhập, nhà giáo không cần thâm niên chỉ cần giỏi thì có thể dạy thêm.
Ngoài ra trách nhiệm của bác sĩ cao hơn nhiều (vì liên quan đến tính mạng con người). Bác sĩ phải trực đêm, giáo viên thì không. Bên cạnh đó nhà trường cũng đã tìm mọi cách để tăng thêm thu nhập cho giáo viên như tổ chức dạy phụ đạo – thực chất là dạy thêm. Phụ huynh cũng biết điều này nhưng cũng đồng ý. Như vậy, so với ngành y thì ngành giáo dục cũng không đến nỗi nào về mức thu nhập, sự vất vả, áp lực công việc.
So với các ngành khác trong xã hội cũng vậy, thậm chí với cường độ làm việc như đã nói ở trên thì nghề giáo viên thuộc diện nhàn nhã trong xã hội. Bởi vậy nên vừa rồi Ủy ban thường vụ Quốc hội không đưa ra quy định về bảng lương và mức phụ cấp riêng đối ngành giáo dục là hoàn toàn hợp lý.
>> 'Không thể xem giáo viên là thợ dạy'
Tuy nhiên đặc thù của Việt Nam là một đất nước hiếu học, tôn sư trọng đạo. Điều này làm cho giáo dục nước nhà phát triển (dù sự phát triển đó chưa đạt như kỳ vọng của xã hội). Chính truyền thống này mà nền giáo dục nước nhà luôn được coi trọng, yêu cầu đặt ra luôn ở mức cao nhất. Nhiều thầy cô giáo than nghề giáo là áp lực nhất là do vậy. Nhưng được xã hội quan tâm, tôn trọng thì giáo viên phải chịu nhiều áp lực (nếu có) cũng hợp lý.
Vấn đề ở đây là liệu thực chất người giáo viên có chịu quá nhiều áp lực không? Nếu có thì người giáo viên phải đối mặt, xử lý thế nào với những áp lực đó? Bản thân tôi đã trải qua nhiều công việc, từ xe ôm, bốc vác, công nhân, tiếp thị, giáo viên... thì nghề giáo là nhẹ nhàng nhất.
Ngoài những thầy cô giáo hàng ngày âm thầm cõng con chữ lên bản; những thầy cô phải đứng lớp học đông tới 40, 50 học sinh, những thầy cô dạy đội tuyển thi quốc gia thì theo tôi, người dạy nên nhìn sang những nghề khác để thấy rằng nghề của mình không quá vất vả.
Thay vì phàn nàn, hãy tập trung làm tốt công việc của mình. Hàng ngày tôi đi dạy chẳng mấy khi cảm thấy áp lực, căng thẳng. Với tôi việc đi dạy đúng như đi...làm thơ vậy.
Khi chuyên môn tốt, tôi luôn tự tin trong công việc của mình và được học sinh, phụ huynh tôn trọng.
Ngoài ra những tình huống sư phạm gặp phải thì có thể do xuất phát từ cái tâm tốt đẹp luôn mong học sinh của mình trưởng thành, cộng với vốn hiểu biết do đọc sách thường xuyên, nên tôi luôn có những cách giải quyết hợp lý, nhiều năm đi dạy mà tôi chưa gặp phải điều tiếng xấu gì.
Tôi xin kể một cách xử lý tình huống sư phạm rất hóc búa mà tôi từng gặp: khi có thời gian ngắn công tác tại một trường trong công lập. Năm đó lớp tôi dạy có một học sinh chậm phát triển về trí tuệ do bố em bị nhiễm chất độc da cam. Cho em nghỉ không được vì như vậy là vi phạm Luật phổ cập giáo dục. Em này khác người là có khả năng...viết ngược, muốn chấm bài của em là phải...soi gương.
Với tôi thì em thật bất hạnh. Việc em đến trường vui chơi với bạn bè dù không học được chút kiến thức nào thì cũng là điều tốt. Khi chấm bài của em dù biết em chẳng làm được nhiều nhưng tôi luôn cho điểm 10...ngược – nghĩa là phải soi gương mới đọc được như chữ viết của em. Cho điểm như thế không gì khác là ghi nhận sự nỗ lực của em. Có thể do thấu hiểu nên tôi được em quý trọng, nghe lời.
Cùng dạy em năm đó với tôi có một thầy dạy Vật lý. Thầy khá nghiêm khắc, tâm huyết. Trong một bài kiểm tra thầy đã cho em 0 điểm. Về lý thì thầy cho điểm như thế là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên về tình thì có vẻ chưa ổn, cứng nhắc. Thầy không hiểu là việc em đến trường hàng ngày đã là một sự cố gắng lớn lao. Và đúng là chưa ổn thật. Một hôm em đã đợi thầy trên đường thầy đi về và đánh thầy.
Ai nói em cũng không nghe, cuối cùng thầy hiệu trưởng cho gọi tôi đến. Tôi nói chuyện với em một hồi, cuối cùng mọi việc lại đâu vào đấy. Rồi em bỏ học giữa chừng. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp em. Em và gia đình vẫn quý mến tôi bởi tôi là người thầy đầu tiên xem em là người bình thường, như lời phụ huynh của em.
Nếu cứ kiến thức chuyên môn không tốt, cứng nhắc, không linh hoạt, không thương yêu học sinh của mình thì các thày cô sẽ rất khó trong việc xử lý tình huống sư phạm, thầy giáo Vật lý trên đây là một ví dụ.
>> Phạt đến 30 triệu đồng - có dẹp được nạn giáo viên bạo hành học trò?
Thời gian vừa qua dư luận xã hội có nhiều bức xúc với một số sự việc của ngành giáo dục như cô giáo cho các bạn tát bạn khác vì nói tục, hay cô giáo quỳ gối trước mặt phụ huynh và học sinh của mình...
Vấn đề đặt ra ở đây là sao thầy cô giáo lại dễ dàng đánh mất lòng tự trọng của mình như vậy, sao lại xử lý tình huống sư phạm kém như vậy? Rộng hơn nữa là sao thầy cô bây giờ ít được tôn trọng như xưa?
Để ý chúng ta sẽ thấy, những vụ việc gây bức xúc dư luận của ngành giáo dục thường rơi vào những giáo viên có nghiệp vụ kém: kém về tri thức, kém về kỹ năng sư phạm.
Với những giáo viên kiến thức rộng, chuyên môn giỏi, tâm huyết thì ít bị tai tiếng vì những việc phản sư phạm (người ta hay nói "Ông giáo già, con hát trẻ" là vì vậy). Trong khi giáo viên trẻ gặp sự cố nhiều? Về điều này thì không cần nói nhiều thì chúng ta cũng hiểu. Đó chính là tình trạng "khủng hoảng nhân lực ngành giáo dục" trong nhiều năm vừa qua.
Tình trạng khủng hoảng này làm ngành giáo dục tuyển vào những giáo viên kém cả tri thức lại không tâm huyết như đã nói ở trên. Hậu quả của việc này sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa nếu ngành giáo dục không thay máu hàng ngày
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.