Dạo gần đây ông đọc sách gì? - Đây là câu hỏi của một phóng viên đối với ông Barack Obama (lúc ông đương nhiệm tổng thống Mỹ). Phóng viên không hỏi: dạo này ông có đọc sách không? Bởi một thực tế là ngày nào ông Obama cũng đọc sách.
Chính vì ngày nào cũng đọc, ngày nào cũng học nên Obama đã góp phần tạo nên "Giấc mơ Mỹ": Ai cũng có cơ hội để trở thành người mà mình muốn. Minh chứng cho "Giấc mơ Mỹ" ở đây là người da màu như ông Obama cũng có thể trở thành tổng thống Mỹ.
Đối với chúng ta, để có Giấc mơ Việt (kiểu như Giấc mơ Mỹ) rồi hiện thực hóa giấc mơ đó thì con đường còn rất dài và còn phải trải qua nhiều chông gai.
Cần phải nâng cao dân trí nếu muốn hiện thực hóa Giấc mơ Việt. Để nâng cao dân trí thì việc khuyến khích đọc sách cho mọi người, quyết liệt thực hiện việc nâng cao văn hóa đọc là giải pháp hữu hiệu bậc nhất.
Để khuyến khích mọi người đọc sách thì giải pháp tổng thể nên bắt đầu từ trường học với sự tiên phong là đội ngũ giáo viên rồi đến học sinh. Thực tế hiện nay nhiều giáo viên rất lười đọc, có những giáo viên Văn mà cả năm ngoài sách giáo khoa ra thì không đọc một cuốn sách nào khác thì kiến thức, cảm hứng đâu để khơi dậy niềm yêu thích văn học, cuộc sống cho học sinh đây?
>> Môn Văn cũ kỹ khiến nhiều người thấy sách trăm trang là nhức đầu
Đối với học sinh thì tình trạng còn bi đát gấp vạn lần. Mà thật ngạc nhiên là vấn đề nghiêm trọng như vậy đã kéo dài hàng bao nhiêu năm mà không ai có giải pháp gì. Lạ thật.
Cần phải sớm ban hành quy định: mỗi năm học hoặc mỗi kì nghỉ hè, mỗi giáo viên cần phải đọc bao nhiêu cuốn sách chuyên môn, bao nhiêu cuốn sách văn học, đời sống hoặc tự chọn.
Những cuốn sách này có thể được lựa chọn qua sự đóng góp ý kiến của nhiều người hoặc qua những hội đồng chuyên môn uy tín. Những cuốn sách tự chọn thì có thể do sự yêu thích hay do cảm thấy cần phải đọc của người giáo viên đó.
Quan trọng là khi đọc xong, cần phải viết tóm tắt hay ghi cảm nhận về cuốn sách đó trước hội đồng. Hoặc có thể làm bài kiểm tra theo nội dung cuốn sách người giáo viên đó đã đọc.
Việc tổ chức các kỳ thi sát hạch giáo viên hoàn toàn có thể làm theo cách này. Thậm chí có thể bỏ các kỳ thi giáo viên giỏi hình thức để thay bằng cách làm thực chất này.
Đối với học sinh, có thể học theo Anh hoặc Bỉ. Đầu mỗi năm học, các thầy cô sẽ chọn những cuốn sách để yêu cầu học sinh phải đọc. Học sinh trung học ở Anh mỗi tuần phải đọc một cuốn, nghĩa là một năm phải đọc ít nhất 52 cuốn (hè cũng phải đọc). Đọc xong phải ghi tóm tắt hoặc cảm nghĩ về cuốn sách.
>> Làm quản lý, tôi vẫn chăm chỉ đọc sách
Trong đề thi tốt nghiệp môn Triết học của học sinh trung học Pháp mấy năm trước có câu: "Viết bài nghị luận: "Suis-je ce que mon passé a fait de moi? - Có phải tôi là cái mà quá khứ đã làm ra tôi?
Nếu không đọc sách nhiều thì học sinh (ngay cả người lớn chúng ta), có thể viết được bài luận này không?
Cụ thể với học sinh lớp 12 của chúng ta hiện nay, có mấy em làm được câu này?
Từ sự bắt buộc đọc sách đối với thầy cô và học sinh, sẽ có lúc tạo ra những thế hệ mê đọc sách, dần dần sẽ tạo ra một xã hội học tập vì có những công dân ham đọc.
Điều này sẽ góp phần quan trọng để nâng cao dân trí. Viết đến đây tôi liên tưởng đến vị tiền nhân Phan Chu Trinh với tư tưởng đi trước thời đại nhiều nhiều năm: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
Qua dòng chảy của lịch sử, chúng ta đã nhận ra tầm quan trọng của tư tưởng mà Phan Chu Trinh đưa ra, từ đó cần phải quyết liệt thực thi tư tưởng này. Trong gia đình, để khuyến khích con em mình đọc sách thường xuyên, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm từ bản thân mà tôi cảm thấy là khá hữu hiệu. Khi các con tôi còn nhỏ, vợ chồng tôi hay kể truyện cổ tích cho con. Theo thời gian, khi các cháu lớn dần thì mua truyện tranh, rồi truyện dài cho các con đọc.
Khuyến khích (đôi khi bắt buộc), các con đọc sách một cách rất thực dụng. Nếu con đọc hết một cuốn sách nào đó thì tùy theo mức độ khó, dễ, dầy mỏng của cuốn sách có thể được thưởng tiền, hoặc chuyến đi chơi chẳng hạn.
Đọc xong thì cần phải tóm tắt lại hay ghi cảm nhận về cuốn sách mình vừa đọc. Với cách này thì các cháu nhà tôi bây giờ rất ham mê đọc sách. Cháu nhỏ dù đang là học sinh lớp 4 nhưng có thể say sưa đọc những cuốn sách dày vài trăm trang – điều mà ngay cả người lớn bây giờ cũng hiếm người làm được.
>> Xã hội mất thói quen đọc sách, hành vi vô văn hóa tăng dần
Khi các cháu say mê đọc sách như vậy thì chúng tôi nhận thấy chúng có khả năng tự học rất tốt, kết quả học tập cũng khá hơn rất nhiều. Cháu lớn nhà tôi đang học lớp 9. Dù là năm học phải thi chuyển cấp rất quan trọng nhưng cháu không phải đi học thêm nhiều vì khả năng tự học rất tốt.
Bản thân tôi cũng có nhược điểm là thích đọc sách quá. Có thời điểm tôi làm ở một nơi có chế độ đãi ngộ khá tốt. Tuy nhiên công việc chiếm quá nhiều thời gian, không có lúc nào cho việc đọc sách thật xa xỉ. Nhiều lúc tôi như...bị điên vì không có thời gian đọc sách.
Cuối cùng tôi đành phải xin nghỉ công việc đó - kể ra cũng hơi ảo tưởng. Nhưng biết làm sao được. Vì trót yêu sách quá mất rồi. Viết đến đây chợt nhớ đến một câu văn thú vị trong bộ ba tự thuật nổi tiếng của Maxim Gorki, đại ý: Nhiều lúc đọc sách nhiều quá tôi thấy mọi khó khăn vất vả là bình thường, chỉ như là...sách vậy.
Còn với gia đình mình, nhiều lúc thấy các con đọc sách say mê quá cũng muốn cản nhưng vợ chồng tôi lại chặc lưỡi rằng: thà nghiện đọc sách còn hơn nghiện game, thuốc... Điều này đồng cảm với một bình luận trên một diễn đàn có viết thế này: nên để cho mọi người say sưa đọc sách còn hơn để mọi người bài bạc, rượu chè...
Với kinh nghiệm của mình, qua thời gian tôi nhận thấy rằng việc tạo ra niềm yêu thích, say mê với sách đối với con mình theo cách như vậy là rất hiệu quả, xin chia sẻ với mọi người.
>> 'Đọc nhiều sách, không làm việc và không chịu sống, sẽ rất nghèo'
Lẽ ra chuyện đọc sách phải là chuyện bình thường. Tiếc rằng đọc sách ở Việt Nam bây giờ là không bình thường. Ở nhà ga, bến xe hay trên tàu, ôtô... thay vì đọc sách thì mọi người lướt web, chơi game...
Cách đây mấy tháng, có một bức ảnh chộp được giây phút một cô gái thu mua ve chai đang say sưa đọc sách làm nhiều người chú ý. Nếu một xã hội mà ai cũng thích đọc sách, coi việc đọc sách vừa là thú vui, vừa là cách thức để bổ sung kiến thức thì chắc bức ảnh đó sẽ không đến mức được chú ý nhiều như vậy.
Mong sao đất nước sẽ sớm có những thói quen tích cực như người Nauy, Thụy Điển, vô địch về đọc sách. Mỗi ngày mỗi người dành ra 1-2 tiếng đồng hồ chìm đắm trong thế giới riêng của sách.
Hay có hình ảnh đẹp mà nếu ai đã đọc Chiến Tranh và Hòa Bình thì thấy rằng: dù rất bận rộn khi là Tổng chỉ huy quân đội nhưng Nguyên soái Mikhail Kutuzop vẫn luôn mang theo mình một cuốn tiểu thuyết văn học.
Hoặc sớm có ngày tủ rượu người Việt Nam nhỏ hơn tủ sách người Do Thái (chứ không như hiện nay mà có người liên tưởng khá thú vị: tủ sách của người Do Thái nhỏ hơn tủ rượu của người Việt Nam).
>> 'Chí Phèo ăn vạ, chị Dậu vùng lên' có còn phù hợp?
Mỗi người có một thú vui, thú vui của tôi là ngắm nhìn ai đó đang say sưa đọc sách mọi lúc, mọi nơi. "Những cuốn sách dường như chỉ là mấy dòng chữ đen trên giấy trắng, nhưng đó là sự tích lũy trí tuệ của những người đi trước.
Nhiều nội dung đã được khảo chứng hàng trăm năm để trở thành sự thật, được ghi ra và truyền lại. Con người ngày nay chỉ cần mất vài ngày đã có thể lĩnh hội toàn bộ nội dung cuốn sách thành trí tuệ của mình và lưu trữ nó.
Nhiều người thành đạt là vì đang đứng trên vai những người có ảnh hưởng lớn và tiếp thu trí tuệ tuyệt vời của những người đi trước" - có người đã viết rất đúng như vậy. Còn Maxim Gorki đã viết cách đây cả trăm năm: "Mỗi quyển sách hay như là một nấc thang nhỏ giúp chúng ta tránh xa con thú, tiến dần con người"; "Đất nước sẽ mạnh hơn nếu nhiều văn hóa hơn" -. Và ông cũng viết điều này cho cả hôm nay và mai sau.
>> Bài viết cùng tác giả: 'Thay vì tổ chức thi dạy giỏi, hãy bắt buộc giáo viên đọc sách thường xuyên'
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.