Có nhiều người đọc sách chỉ để lấy nội dung, đọc xong thì quên luôn thậm chí cả cái tựa cũng không nhớ. Đọc sách như vậy chỉ lãng phí thời gian của chính mình. Đọc sách là học làm người chứ không phải là học làm giàu.
Học làm người có thể không giàu có thành đạt nhưng tỷ lệ trở thành tội phạm xã hội là rất thấp. Đó là lý do mà xã hội văn minh khuyến khích đọc sách. Đọc sách như thế nào? Lượt đầu tiên là đọc thật nhanh để lấy nội dung xem truyện có hay có ý nghĩa không, có đáng để đọc lại không.
Lượt thứ hai là đọc kỹ từng câu chữ và suy luận xem kết cấu truyện như thế đã logic (hợp lý) chưa, có chỗ nào mâu thuẫn không.
Lượt thứ ba là tự đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật chính, trải qua từng giai đoạn có tính bước ngoặt và suy nghĩ xem mình sẽ lựa chọn giống như nhân vật hay lựa chọn khác đi (vẫn dựa vào hoàn cảnh điều kiện trong sách).
Nếu bạn đọc nhiều truyện với cách đọc như thế, tôi tin rằng một ngày đẹp giời nào đó sẽ xảy ra tình huống thực tế gần giống như trong sách tác động lên chính bạn. Bạn dễ dàng đưa ra được quyết định nhanh và chính xác mà không cần suy nghĩ quá lâu.
>> Làm quản lý, tôi vẫn chăm chỉ đọc sách
Nếu tình huống xảy ra với một người khác mà bạn đọc nghe xem được trên báo đài, bạn dễ dàng bình luận được người đó đã hành động đúng hay sai. Tóm lại, đọc sách có suy luận là rèn luyện tư duy độc lập.
Xã hội mà ai cũng có tư duy độc lập thì một sự kiện thường được bình luận với nhiều góc độ khác nhau và người xem những bình luận ấy cũng học hỏi được ít nhiều. Sẽ rất chán nếu mọi người cùng nhau đồng thanh ca cùng một bè phải không ạ?
Phải có người ý này, người ý nọ, thậm chí mâu thuẫn nhau 180 độ thì mới học hỏi lẫn nhau được. Nghề viết sách có giàu hay không? Ờ, ít ra ta cũng biết có hai vị nhà văn rất giàu có. Một vị là Kim Dung với 15 bộ tiểu thuyết kiếm hiệp. Vị kia là J.K. Rowling với một bộ truyện duy nhất, Harry Potter đồng thời cũng là nhà biên kịch cho bộ phim cùng tên.
Người thứ ba tuy không phải nhà văn nhưng là nhà biên kịch phim nổi tiếng với 2 series phim Star Wars và Indiana Jones, George Lucas.
Ai nói nghề viết sách không giàu, đặc biệt là nghề này không có tính cạnh tranh. Giàu hay không là do tác phẩm của vị nhà văn ấy có được nhiều người ưa thích hay không.
>> 'Chí Phèo ăn vạ, chị Dậu vùng lên' có còn phù hợp
Nếu nghề in ấn và phát hành ở ngày xưa cũng hiện đại như ngày nay, chắc hẳn Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Du sẽ giàu nứt. Có ai đọc sách mà trở thành tỷ phú không ạ? Tôi biết ít nhất một người, Warren Buffet.
Nếu không đọc sách, làm sao ông ấy viết được nhiều sách dạy làm giàu như thế. Nghề của ông này không phải là viết sách mà là nhà đầu tư chứng khoán, mua lại những công ty sắp sập tiệm, làm lành mạnh hóa tài chính rồi bán lại.
Còn những người đọc sách mà nghèo? Đó là những người hay mơ mộng hão huyền, làm việc thiếu tập trung. Ta đọc sách là để học được gì đó từ sách chứ không phải để "ước gì mình cũng được như anh ấy".
Thời phong kiến "trọng chữ khinh tiền" (sĩ nông công thương) vì thời đó họ học cái chữ không đến nơi đến chốn. Ngày xưa cần học nhiều chữ, ngày nay cần học nhiều tình huống và đặc biệt là cách giải quyết những tình huống ấy một cách tối ưu nhất. Không có ai sinh ra cái gì cũng biết nhưng đọc nhiều sách thì sẽ biết được nhiều hơn người không đọc sách, theo cách nói của ai đó – "đứng trên vai người khổng lồ".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm