Đó là chia sẻ của độc giả Phamthinga2116 sau khi đọc bài viết 'Uống thuốc chưa?'. Bên cạnh đó, nhiều độc giả Vnexpress chia sẻ những thực tế xảy ra hàng ngày về việc lạm dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh tại Việt Nam:
Nhà tôi giống như một cửa hàng dược vậy. Các loại thuốc, chai lọ được chất đầy từ tủ phòng ngủ đến tủ phòng khách, trên tủ lạnh, trong kho chứa đồ. Tôi đọc đâu đó lời khuyên là 80% các bệnh thông thường sẽ tự khỏi khi cơ thể ta có đủ sức đề kháng, chứ không nên lạm dụng thuốc vì có thể xảy ra tình trạng nhờn thuốc.
Gia đình chị tôi sống bên Pháp. Khi trẻ con ốm đi bác sĩ thì hầu như họ chẳng cho uống thuốc gì cả, cùng lắm là nhỏ mấy giọt gì đó hỗ trợ, hay cho uống bột hạ sốt, rồi cho các cháu nghỉ ngơi tự khỏi bệnh. Dần dần cơ thể sẽ mạnh mẽ hơn và không phụ thuộc vào thuốc nữa. Cơ thể con người là một cỗ máy khá hoàn hảo, tự là bác sĩ của chính mình là hay nhất.
Uống thuốc thì còn đỡ. Chứ như quê tôi, một huyện ở Nam Định, giờ về vẫn thấy tiêm phát sợ. Bất kể đau gì, từ đau đầu, chóng mặt, buồn nôn cũng thấy đè ra tiêm. Thậm chí, nhiều y sĩ còn lạm dụng kháng sinh liều cao, để người dân nghĩ rằng tay nghề họ giỏi hơn, trị bệnh nhanh khỏi hơn mà không hiểu hậu quả về sau.
Ngày trước còn khó khăn, đa phần ở quê đau là uống thuốc. Kháng sinh làm trẻ lớn lên răng xỉn màu thấy mà tội. Người Việt có thói quen uống thuốc theo tivi và bà bán thuốc. Nay có con nhỏ, vào bệnh viện nổi tiếng, những bác sĩ khả kính vẫn kê đầy thuốc. Họ là bác sĩ nghĩa là dư sức hiểu dùng kháng sinh cho con trẻ là sai mà vẫn làm. Trong kê đơn kháng sinh lúc nào cũng có men tiêu hoá để giảm thiểu phản ứng phụ. Đành rằng, phòng mạch tư vì nhiều lý do mà phải làm vậy, chứ bệnh viện lớn sao lại làm việc nguy hại con trẻ như thế?
Tôi cũng tự hỏi ngày xưa khi chưa có thuốc Tây đa dạng như bây giờ, sao ông bà ta sống thọ và khoẻ mạnh đến vậy? Ông nội tôi năm nay đã tròn trăm tuổi nhưng đầu óc vẫn minh vẫn, chỉ là không đi lại được. Giờ được coi là thời đại 4.0, phát triển theo cấp số nhân từng ngày, nhưng phải đánh đổi lại rất nhiều thứ: môi trường ô nhiễm, bệnh tật tràn lan, cứ vào bất cứ bệnh viện công nào sẽ đầu thấy một cảnh tượng ngổn ngang như trong các trại tập trung, bệnh viện còn đông hơn trường học. Liệu rằng bao nhiêu tấn thuốc chi trong một ngày để đủ cho số bệnh nhân đó? Riết rồi người ta hay có câu "sợ mùi bệnh viện" cũng là có lý do cả.
Liệu rằng các bác sĩ có biết thuốc mình kê cho bệnh nhân là thiệt hay giả hay chỉ làm theo một quy trình "cài đặt" như cỗ máy chết để phục vụ cho người sống? Việc bán thuốc giả giống như một tội ác giết người hàng loạt chỉ có điều bệnh nhân không chết ngay mà đã được "hẹn giờ" cho các hệ lụy về sau, tiền chảy vào túi cơ quan bán thuốc giả, đau đớn vẫn cứ chảy về người bệnh, lương tâm y đức chảy về đâu?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.