Tôi khóc dữ dội lắm, bố mẹ cuống cuồng chở đi cấp cứu. Nhà lại xa bệnh viện, bố lái xe gần trăm cây số mới tới. Đến nơi, bác sĩ chỉ nhỏ dung dịch gì đó vào tai là tôi thấy hết đau liền. Tôi chỉ bị bệnh như vậy một lần, ngoài ra chỉ có cảm sốt hay những loại bệnh thông thường, chúng tôi không dùng thuốc mà sinh hoạt điều độ để bệnh tự khỏi.
Tuổi thơ của tôi hay bị đau, sốt, nhưng đều nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước cho đến khi khoẻ hơn. Tôi quen dần với phương pháp này. Ở Canada, luật pháp khá nghiêm khắc, muốn mua thuốc khi bị bệnh khó lắm, phải gặp bác sĩ và được kê đơn thuốc, lại còn phải đi tìm cửa hàng bán thuốc. Canada rất ít cửa hàng được cấp phép bán thuốc chứ không tràn lan như Việt Nam. Nhà tôi ở Việt Nam có tới mấy cửa hàng thuốc tây xung quanh. Có vẻ như mọi người chỉ cần cảm thấy không khoẻ là đi mua thuốc uống liền.
Giờ đây, tôi nếu bị cảm sẽ không dám cho hàng xóm biết. Tôi nhớ lần đầu bị bệnh, mấy cô hàng xóm người Việt cứ ép tôi phải đi mua thuốc uống ngay. "Cái này là do đi mưa về nên cảm đây này, mua thuốc uống chưa?". "Dạ chưa, em không cần đâu chị ơi", tôi đáp. Tôi bảo cô, đi đường mắc mưa không liên quan gì tới cảm lạnh đâu. Cô nhất định không chịu. Cũng là lỗi của tôi vì không đủ kiên nhẫn giải thích: "Mua đi. Thôi mệt thì để chị mua cho", rất khó từ chối. Đấy, tôi chỉ là người nước ngoài, chứ tôi mà là họ hàng với cô ấy, chắc phải uống cả đống thuốc to.
Tôi không giải thích với cô hàng xóm về y học nữa. Có điều tôi vẫn suy nghĩ về chuyện này. Tôi lo lắng những thông tin sai lệch về sức khoẻ và y học hiện nay ở Việt Nam khiến người dân rất dễ bị lợi dụng bởi các công ty lớn, đặc biệt là ngành tối quan trọng với sức khỏe và tính mạng con người như dược phẩm. Tất cả mọi người ở Canada đều biết nhiều công ty dược chỉ lợi dụng bệnh nhân vì lợi nhuận. Nhưng ở Việt Nam, mọi thứ không được rõ ràng như vậy, nhất là những người hay hỏi tôi: "Jess uống thuốc chưa?". Bán thật nhiều thuốc không phải lúc nào cũng tốt cho bệnh nhân. Tôi biết rất nhiều người ở đây "ăn" thuốc từ bác sĩ thay vì cố gắng ăn uống lành mạnh.
Tôi thấy toà án vừa xử một công ty bán thuốc giả ở Việt Nam. Tôi thực sự ngạc nhiên và kinh sợ. Ung thư là một loại bệnh hầu như không có thuốc chữa. Mẹ tôi sống sót sau căn bệnh ung thư vú, nhưng điều đó vẫn thật tồi tệ với bà.
Rất nhiều người mắc ung thư là những người nghèo, nếu các bạn có đi qua các bệnh viện lớn ở khắp Việt Nam sẽ thấy. Để chống lại ung thư cần rất nhiều hy vọng, sức mạnh từ bên trong, và cộng đồng hỗ trợ. Nhưng với những người nghèo, không đủ điều kiện cho những phác đồ điều trị đắt tiền, tốn tiền mua thuốc mà còn là thuốc giả, khiến cuộc chiến của họ khó hơn nhiều. Bán thuốc giả cho những người kém may mắn thực sự là một tội ác tàn bạo.
Cái lần cô hàng xóm mua thuốc cho tôi, họ bán cho cô rất nhiều loại thuốc viên. Tôi kiểm tra tên thuốc thì thấy hầu như chúng không liên quan đến bệnh của tôi. Chẳng hạn, có một viên thuốc dị ứng khi tôi chỉ bị cảm, hay có viên chống nôn. Tôi lo ngại về uy tín của hệ thống dược Việt Nam.
Những việc xấu này đi ngược lại "Lời thề Hippocrates" - lời thề mà những sinh viên Y khoa đọc và nguyện làm theo trong lễ tốt nghiệp. Nghề Y từ cổ đại đã hiểu được tầm quan trọng của đạo đức Y khoa nên mới có khẩu hiệu này. Tôi tự hỏi, tại sao một người có thể nảy sinh ra suy nghĩ: "sẽ bán thuốc giả". Tôi không biết ý tưởng này đến từ đâu.
Vậy nhà nước có thể làm gì? Ở Châu Phi, nơi gặp rất nhiều vấn đề y tế, đang dùng một cái máy để kiểm tra chất lượng thuốc. Một khi xác định được thuốc viên này là giả, một lực lượng đặc nhiệm sẽ theo dõi nhà cung cấp, khởi tố và ngăn chặn họ. Ở Việt Nam, tôi chưa thấy cái máy nào giống thế. Tất nhiên ai xui xẻo gặp thuốc giả thì vô phương cứu chữa.
Còn với những người dám bán một sản phẩm liên quan trực tiếp đến sinh mạng như thuốc ung thư mà lại là hàng giả - thứ mọi người đều rất cần nó để cứu mạng họ - là điều tệ không tả nổi. Trong khi đợi nhiều người làm nghề Y thuộc "Lời thề Hippocrates" hơn, người dân Việt Nam phải tự nghiên cứu và cẩn thận với thuốc.
Uống thuốc nhiều thực sự không giúp ích gì đâu. Có vài người từng gặp tôi nói: "Thôi Jess không uống thuốc cảm thì uống mấy viên vitamin C tốt cho sức khoẻ". Tôi thấy chúng chỉ là những viên sủi chứa đường. Muốn chống lại bệnh tật thì nên bắt đầu bằng việc có sức khoẻ trước đã, phải tập thể dục, ăn uống lành mạnh, dừng các thói quen có hại như hút thuốc, uống rượu bia, thức khuya...
Hãy tự trở thành bác sĩ của mình trước khi uống mọi thứ thuốc được khuyên.
Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)