Một ngày chủ nhật không đắm chìm trong Covid-19, tôi có dịp nhìn lại những gì mà chúng ta đang đối mặt và cẩn trọng liệt kê ra những gì chúng ta cần chuẩn bị cho thời gian tới.
Trường học đã nghỉ từ Tết, đến nay sắp tròn hai tháng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đầu tiên bị bắt buộc đóng cửa đến nay là hai tuần, và các chính sách vận động đóng cửa cả các cơ sở y tế tại các một số tỉnh thành trong cả nước từ 0h ngày 29/03... tất cả đang trong một trận chiến chưa xác định được đâu là cao trào và đâu là thời điểm kết thúc.
Cách đây một tuần, tôi vẫn còn tự tin nghĩ rằng, chỉ cần Trung Quốc ổn định, công xưởng sản xuất lớn nhất của thế giới hoạt động trở lại thì việc sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ trong y tế sẽ không còn trong tình trạng thiếu thốn, các quốc gia châu Âu, Mỹ sẽ có được một hậu thuẫn vững vàng về vật tư y tế để chống dịch... Nhưng hiện tại, Mỹ đã vượt Trung Quốc về số người nhiễm, số người chết ở Ý và các quốc gia khác không ngừng tăng, niềm tin ban đầu của tôi vẫn như thế, chỉ có điều các con số khiến tôi nghĩ nhiều hơn về thực tế tại Việt Nam, nơi tôi sinh sống và làm việc.
Ngay tại TP HCM, khi có rất nhiều người lao động quyết định rời bỏ thành phố để về quê "tránh dịch", thì vẫn còn không ít người cầm cự tại đây dù cho kinh doanh ế ẩm. Bởi vì họ còn có nhân viên cần trả lương, họ biết nhân viên họ còn có gia đình cần phải chăm sóc, họ biết rằng tiền thuê trọ, từng bữa cơm có thể đều là gánh nặng khi một ngày nhân viên họ không có việc làm. Và bởi vì còn khách hàng, dù chỉ một khách hàng còn hoạt động thì vẫn phải có người túc trực để phục vụ.
Để chuẩn bị cho trận chiến lâu dài này, nhiều doanh nghiệp buộc phải thỏa thuận với người lao động về việc giảm giờ làm hoặc nghỉ không lương. Công ty chúng tôi cũng vậy. Qua việc tìm hiểu cách ứng phó của nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi bắt đầu áp dụng chính sách giảm giờ làm, giảm lương để cắt giảm chi phí, hạn chế tất cả các chi tiêu không cần thiết trong công ty. Mỗi một quyết định chi tiêu đều có thể ảnh hưởng đến việc có thể phát lương hay không cho một hay nhiều nhân viên trong công ty, đặt những người trong ban lãnh đạo một công ty vào thế chưa bao giờ khó khăn hơn thế.
Sau khi đạt đến thỏa thuận giảm giờ làm giữa hai bên, có bạn nhân viên của công ty tôi bắt đầu làm tài xế công nghệ trong thời gian được nghỉ. Nhìn những bạn đó chạy vội vào công ty để lấy đồ, chúng tôi cảm thấy có lỗi hơn bao giờ hết khi chưa làm tròn trách nhiệm của những người lãnh đạo, chưa giữ được lời hứa khi tuyển nhân viên vào công ty: lời hứa tạo ra một môi trường làm việc tốt, nơi mỗi ngày nhân viên đều học được những cái mới, được làm việc vui vẻ và được thoải mái về tài chính.
Dẫu biết rằng trong thời buổi khó khăn, đây là tình hình chung của tất cả các doanh nghiệp và tất cả các cá nhân. Trong thời "chiến tranh" mới nhìn rõ: cơ hội sẽ đến với những người đã được chuẩn bị, và những người vẫn giữ vững ý chí sinh tồn trong giai đoạn khó khăn nhất
- Nếu ngày thường chúng ta đã có sự chuẩn bị về tài chính, thì có lẽ sẽ yên tâm hơn trong giai đoạn kinh tế bị ngưng trệ thế này (cả cá nhân và công ty).
- Nếu ngày thường bản thân mỗi người lao động tự nâng cao năng lực của bản thân, thì có thể thoát khỏi danh sách bị cắt giảm nhân lực trong thời điểm kinh doanh không tốt.
- Nếu ngày thường có tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, thì cơ hội hồi phục khi nhiễm bệnh sẽ cao hơn.
Và còn rất nhiều cái "nếu" ở đây nữa... nhưng đã quá muộn để chúng ta nói "nếu biết trước có dịch xảy ra, tôi đã chuẩn bị tốt hơn rồi". Dịch đã xảy ra, mỗi người chúng ta hãy là một người lính bản lĩnh để vượt qua nó. Bản lĩnh nhìn nhận độ nghiêm trọng của dịch. Bản lĩnh làm đúng theo yêu cầu của chính phủ, bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Bản lĩnh tận dụng nguy cơ biến thành cơ hội để khám phá và rèn luyện bản thân, chuẩn bị cho một chuyến bay cao và xa hơn nữa. Bản lĩnh để giữ tinh thần lạc quan nhưng không lơ là để chiến đấu cho đến phút sau cùng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.
Phạm Ngọc Thuận