(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Nhà nước và người dân đang cùng chung tay ra sức dập dịch - trừ số ít những thành phần không nghiêm chỉnh chấp hành..
Rất nhiều người lao động, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh bùng phát. Không chỉ vậy, người lao động tự do, buôn bán nhỏ lẻ cũng khó khăn không kém. Các đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp đang được sự quan tâm và tìm hướng hỗ trợ. Người lao động nhiều nơi được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy những điều đó không thể giải tỏa hoàn toàn gánh nặng kinh tế của họ nhưng vẫn giải quyết tạm thời phần nào. Nhưng còn những người lao động tự do lại đang chơi vơi không biết phải làm sao.
Tôi xin nói về những khó khăn, lo lắng mà chính những người đang lao động tự do phải đối mặt. Mặc dù các vấn đề này đều là nỗi lo chung của mọi người.
Với những người lao động tự do, không có hợp đồng lao động, khi thất nghiệp, họ sẽ không được hưởng bất kỳ chế độ nào. Thường ngày, họ làm việc với mong muốn sẽ kiếm được chi phí ăn uống qua ngày cho cả gia đình. Làm bữa nào lo bữa đấy. Trong số họ có rất nhiều người thu nhập rất thấp, dù chi tiêu tiết kiệm cỡ nào cũng chỉ đủ chi phí trong ngày. Nay vì dịch bệnh, công việc ít hoặc không còn, đồng nghĩa ảnh hưởng nặng tới thu nhập của họ.
Mặc dù dịch bệnh ngày càng phức tạp, thu nhập ngày càng ảnh hưởng, nhưng những chi phí cố định hàng tháng mà ai cũng phải chi ra: tiền nhà, tiền điện, tiền nước... vẫn không thay đổi. Thậm chí, có những người phải vay mượn để làm vốn kinh doanh thì nay cũng phải đối mặt với việc làm sao có để trả nợ?
Tiền thuê nhà, nếu gặp chủ nhà tốt bụng, cảm thông thì sẽ được giảm hoặc miễn tiền nhà. Nhưng có những chủ nhà nhất quyết không giảm, hoặc còn đòi tăng tiền nhà. Vì vậy, có nhiều người đã phải trả nhà để về quê, nhưng cũng có người không thể về vì ở quê cũng chẳng có nhà để ở.
Ai cũng hiểu điện là thứ mà bất kỳ nhà nào cũng phải sử dụng. Trong thời kỳ dịch bệnh, mọi người kêu gọi nhau sử dụng tiết kiệm. Tuy nhiên, việc tiết kiệm cỡ nào thì khi ở nhà thường xuyên thì việc sử dụng điện cũng nhiều hơn bình thường. Chưa kể nhiều thiết bị phải hoạt động nhiều hơn so với lúc chưa có dịch bệnh. Dù xài nhiều hay ít nhưng tới ngày vẫn phải thanh toán. Những ai thanh toán trực tiếp cho điện lực thì còn có thể trễ 1-2 tháng nhưng những nơi sử dụng điện thông qua chủ nhà trọ thì không thể chậm một ngày. Tiền nước cũng như tiền internet hàng tháng cũng vậy.
Các ngân hàng đã giảm lãi suất của tiền gửi. Nhưng tiền vay thì chưa thấy động tĩnh. Các ngân hàng cũng biết tình hình dịch bệnh nhưng tới ngày người vay vẫn phải trả nợ đúng hạn. Chưa kể các tổ chức cho vay tư nhân còn căng thẳng hơn. Còn những ai đang trót vay nặng lãi thì không cần nói tới.
Thu nhập người dân ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng ngày càng đắt đỏ. Đã có nhiều giải đáp thắc mắc về việc hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp. Nhưng gần như chưa có ai bàn và nói về những người lao động tự do. Dường như họ có đang bị quên lãng. Tôi cho rằng, ngoài việc đề nghị người dân chung tay nghiêm chỉnh chấp hành các qui định để ngăn chặn dịch bệnh, ngoài việc quan tâm hỗ trợ tới các doanh nghiệp và người lao động có hợp động thì cũng mong các cấp lãnh đạo để ý tới những thành phần lao động tự do để họ được phần nào yên tâm cùng chung tay chống dịch.
Nhân bài viết này, tôi mạo muội mong được giải đáp vài câu hỏi liên quan tới người lao động tự do:
- Khi nghi ngờ hoặc muốn xác định bản thân có bị nhiễm nCoV hay không thì người dân cần liên hệ hoặc tới đâu? Chi phí như thế nào? Vì chi phí là điều mà những người nghèo (thu nhập thấp) rất quan tâm.
- Giả sử khi bị nhiễm và đi điều trị, đa phần họ là những người không có BHYT thì chi phí điều trị như thế nào?
- Với những người lao động không có hợp đồng nhưng khi bị mất việc (giả sử là phục vụ quán cơm nhưng quán bị đóng cửa) thì họ có được hỗ trợ không và hỗ trợ ra sao?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.
Nguyễn Như Thông