Cô nói cả đêm qua không ngủ được vì lo lắng. Tin giả lan truyền nội dung chiều hôm trước, "bệnh nhân 17" đi dự một lễ khai trương... Tôi nhìn vào các tin nhắn, rồi các đoạn tin có cả ảnh chụp trên Facebook. Với tốc độ và khả năng lây lan khủng khiếp của Covid 19 như thế, lại cùng ở trong đám đông đó thì ai mà chẳng sợ.
Tôi lẳng lặng mở Google. Sau giây lát, hàng loạt thông tin liên quan hiện ra. Tôi chọn một bài từ nguồn uy tín với tiêu đề "bác bỏ thông tin bệnh nhân 17 đi dự khai trương". Cô bạn chăm chú đọc, nét mặt dần dần giãn ra: "Ôi may quá, bài báo viết có logic và đầy đủ thông tin. Lúc cửa hàng khai trương thì cô này đang trong bệnh viện cơ mà, làm sao tham dự được. Cẳng hiểu làm sao mà em lại đi tin vào mấy đoạn thông tin trên Facebook rồi lo lắng cả đêm như vậy".
Nhiều khi trên mạng xã hội, trên các diễn đàn, tin tức lại lan nhanh hơn các trang thông tin chính thống. Có người thận trọng kiểm tra, đối chiếu nhiều nguồn rồi mới tin. Nhưng cũng có không ít người chỉ nghe qua là đã vội tin tưởng, mà không ngờ một điều: Tác giả của những thông tin đó có khi chỉ là một bà bán rau, bán cá, một cậu bé, cô bé tóc nửa xanh nửa đỏ hay cũng có thể chỉ là một tay chuyên buôn hàng online mà thôi.
Có vô số lý do để họ tạo ra và lan truyền những thông tin không đúng sự thật trên không gian mạng. Có thể là để được làm người nổi tiếng vì biết tin trước người khác. Hoặc cũng có thể là để câu like, câu view cho trang mạng bán hàng của mình. Và thậm chí là có khi cũng chẳng vì mục đích gì cả, chỉ xuất phát từ sự non nớt của bản thân mà tạo tin giả, hoặc share các tin không được kiểm chứng cho... vui.
Vậy nhưng, chính những hành động tưởng như vô thưởng vô phạt trên thế giới ảo ấy nhiều khi lại mang đến những thiệt hại lớn cho xã hội, cho cuộc sống thật. Thậm chí có nhiều người đã phải trả giá bằng cả mạng sống của mình cho sự cả tin đó.
Mở Facebook mỗi ngày, người ta có thể thấy rất nhiều quảng cáo bán hàng, các quảng cáo đó có đúng sự thật không thì có lẽ bản thân Facebook cũng không thể kiểm chứng hết được, chỉ chờ vào phản ánh của người dùng là chủ yếu.
>> Nỗi sợ của những người Mỹ không bảo hiểm y tế
Mới tuần trước đây thôi, một cậu em hí hửng cho tôi xem đoạn quảng cáo trên Facebook của một loại thiết bị có thể tiết kiệm đến 45% hóa đơn tiền điện hàng tháng. Thậm chí kèm theo đó là cả xác nhận và con dấu (tất nhiên là giả) của một viện nghiên cứu khoa học tên tuổi, với chút ít kiến thức về kỹ thuật có được.
Tôi khuyên cậu ta đừng có tin vì không có cách nào và không có thiết bị nào mà chỉ cần cắm vào ổ điện lại có thể làm cho công - tơ quay chậm đi nhiều như vậy được. Vậy nhưng cậu ta vẫn có vẻ không "tâm phục khẩu phục" khi nhìn thấy cái chứng nhận có con dấu đỏ kia.
Thôi đành vậy, có lẽ đành phải để cậu ta trả chút ít học phí cho cái lòng tin đặt không đúng chỗ của mình thì mới làm cho cậu ấy tỉnh ra được. Ở vào cái thời đại bây giờ, người ta có thể tạo ra các tấm ảnh, các đoạn video, thậm chí các văn bản có con dấu và chữ ký giả mạo trông như thật rồi đưa lên mạng một cách không quá khó khăn.
Cái mặt trái của công nghệ đó đang ngày càng góp phần làm cho các đoạn tin câu view, tin giả lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng và thu hút được không ít người nhẹ dạ cả tin. Thậm chí cả với các thông tin đúng thì khi bị bóp méo và cường điệu hóa một cách thái quá qua lăng kính của các mạng xã hội, nó cũng sẽ tạo ra sự cộng hưởng và giao thoa trong cộng đồng và theo đó là những hệ lụy đi kèm khó kiểm soát.
>> Người Nhật gặp khó mùa dịch Covid-19 vì 'quá chăm làm'
Với sự tiếp tay của tâm lý bầy đàn sẵn có, nhiều người có cùng lòng tin và sự kích động sẽ cùng nhau ào ào khuấy cho mặt nước đang yên tĩnh trở nên đục ngầu và dậy sóng. Lúc này thì câu thành ngữ "đục nước béo cò" sẽ phát huy tác dụng tối đa và các con "cò" sẽ thi nhau thu hoạch. Chỉ khổ cho đàn cá đang cuống cuồng kia, bỗng chốc tự nhiên trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ trục lợi chỉ vì những cơn sóng do chính mình góp phần tạo ra.
Sự việc dân tình đổ xô đi mua vét hàng hóa ở các chợ, các siêu thị hôm 7/3 vừa qua khi nghe tin Hà Nội có bệnh nhân Covid-19 đầu tiên là một ví dụ như vậy. Cho đến giờ chắc rằng không ít gia đình đang ngồi cười trước đống mì tôm cao ngất ngưởng trong nhà, khi mà sau gần một tuần, ở các siêu thị vẫn chẳng hề thiếu thứ gì để bán.
Vậy cho nên, bên cạnh sự quản lý của Nhà nước và hệ thống pháp luật về thông tin và truyền thông, mỗi công dân mạng cũng cần phải là một người dùng mạng xã hội thông thái và chín chắn. Có những cân nhắc thấu đáo khi chia sẻ thông tin, đặc biệt là những thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng.
Vì những thông tin sai lệch ấy một khi được chia sẻ, sẽ tác động lan nhanh như những vết dầu loang, tạo ra những thiệt hại thực sự cho cộng đồng và cho xã hội, khi mà và cuộc sống ảo đang ngày càng đan xen và có ảnh hưởng lớn hơn đến cuộc sống thật của mỗi con người.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.