Bức xúc trước tình trạng "Các gia đình tích trữ thực phẩm trong mùa dịch viêm phổi", nhiều độc giả VnExpress khẳng định đây là hành động ích kỷ, khiến tình hình chống dịch càng thêm phức tạp:
Rồi lại như câu chuyện khẩu trang. Mua tích trữ cho nhiều rồi sau đấy lại bỏ đi, hoang phí và ích kỷ. Hôm qua, tôi đọc được một bài viết nói về tinh thần chia sẻ cùng nhau lúc khó khăn. Đến hôm nay đọc được tin này mà thấy buồn. Năng lực sản xuất trong nước về khẩu trang, thực phẩm không thiếu, nhất là khi hàng nông sản không thể xuất được sang Trung Quốc, sắp tới sẽ thừa. Nhưng việc mua nhiều hàng hóa tích trữ dẫn đến tình trạng người thì không có để mua, người lại thừa thãi rồi vứt đi. Rất mong mọi người bình tĩnh, mua đủ dùng trong vài ngày hoặc một tuần là nhiều. Vừa để dành cho người khác có cơ hội mua hàng, vừa để hàng hóa được sử dụng trong hạn sử dụng và các nhà sản xuất có thời gian để làm thêm hàng hóa.
Ai cũng mua thế thì người khác mua sao được nữa? Mỗi người giảm đi một nửa thì người khác cũng có một nửa để dùng rồi. Đây là thói ích kỷ chỉ biết mình, coi lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng. Chúng ta không thể giàu mạnh lên được khi sự ích kỷ vẫn len lỏi trong từng người, từng gia đình.
Ai cũng lo lắng quá đáng theo cách như vậy, nên mới xảy ra trình trạng như sốt khẩu trang, thực phẩm... Tự chúng ta tạo cơn sốt ảo, rồi tự gây kham hiếm hàng hóa. Biết rằng ai cũng lo cho gia đình mình, nhưng không cần phải ích kỷ như vậy, còn phải dành cho cộng đồng nữa.
Nên nhớ thực phẩm trên toàn thế giới chỉ đủ cho toàn nhân loại ăn trong một tháng thôi. Nhà nào cũng mua tích trữ đồ ăn cho cả tháng thì lấy đâu ra hàng cho những người còn lại?
Mọi người sao hoảng loạn vậy? Tôi vừa ở siêu thị về, mọi thứ đều đầy đủ, chẳng thiếu thứ gì, thịt bò, lợn đầy các tủ, giá vẫn như trước Tết. Thực sự, tôi không hiểu tại sao mọi người phải tích trữ nhiều để làm gì?
Mua cho đầy tủ lạnh rồi không ăn hết, người khác lại không có mà mua. Tại sao phải làm như vậy? Dịch tả lợn châu Phi, dịch SARS, H5N1... có phải mua trữ thế đâu? Không nên lo lắng quá, không nên ích kỷ để phát sinh khan hiếm giả tạo, gây rối thị trường, xáo trộn xã hội vào lúc này, tạo cơ hội "đục nước béo cò" cho những kẻ cơ hội.
Chính những người này góp phần làm hỗn loạn thị trường. Mua về tích trữ làm hàng hóa khan hiếm, rồi lại dùng không hết, để bị hỏng hoặc quá hạn lại bỏ đi, gây lãng phí cực lớn, trong khi người khác không có mà dùng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.