Trước thông tin "CSGT dùng ống thổi một lần khi đo nồng độ cồn", nhiều độc giả VnExpress bày tỏ sự hoài nghi và lo lắng cho sự an toàn của người dân thổi nồng độ cồn và bản thân các CSGT làm nhiệm vụ khi phải đối mặt nguy cơ lây nhiễm virus corona rất cao:
Trong tình hình bệnh dịch đang nguy cấp như bây giờ, không hiểu sao vẫn phải cố để kiểm tra nồng độ cồn làm gì? Tạm dừng một thời gian đâu có gì là quá đáng lo ngại, việc phòng dịch mới là điều đáng quan tâm nhất. Không thể phó thác tất cả cho mỗi cái ống thổi dùng một lần, còn bao nhiêu thứ liên quan nữa?
Ai dám chắc dùng ống thổi một lần đảm bảo an toàn, virus có thể sống ngoài không khí bao nhiêu thời gian? Khi thổi luồng khí vào ống và tác động lên máy như vậy vệ sinh máy bằng cách nào sau một lần thổi?
Ai thay ống thổi, quy trình thay có đảm bảo vệ sinh không (cùng bàn tay đó, vừa tháo ống thổi của người trước ra, lại bàn tay đó nắp ống mới vào thì chẳng có ý nghĩa gì)? Cảnh sát không có chuyên môn về y tế phòng dịch nên không thể đảm bảo.
Rất ủng hộ Nghị định 100 về vấn đề xử lý triệt để việc sử dụng bia, rượu khi lái xe. Nhưng cũng phải thừa nhận một điều, cảnh sát nào cầm máy đo nồng độ cồn để kiểm tra cũng phải rất gan dạ vì một ngày không biết phải tiếp xúc với bao nhiêu người? Tôi thấy nên có thêm kiến nghị nữa rằng mỗi lần tài xế cầm máy để đo thì cũng nên xịt khử trùng qua cái máy đấy luôn chứ không phải mình cái ống thổi. Nghiên cứu cho biết chủng mới của virus corona vẫn có nguy cơ truyền nhiễm qua đường phân - miệng nhất định, ngoài việc lây nhiễm qua đường hô hấp và tiếp xúc.
Vấn đề ở đây không phải thay ống thổi là xong mà nó còn lây lan qua tuyến nước bọt khi người vi phạm thổi nồng độ cồn. Dù thay đổi ống thổi nhưng nếu người sau cầm máy để thổi vô tình chạm phải nước bọt của người trước đã thổi trước đó rồi lỡ tay chạm lên mặt cũng sẽ bị dính virus corona.
Tôi vẫn nghi ngờ, chưa thấy thí nghiệm nào chắc chắn là không lây, thấy nguy hiểm cho chính các anh CSGT. Với tình hình như hiện tại tôi nghĩ nên dừng thổi một thời gian, chờ thí nghiệm kiểm chứng chính xác đã.
Chính những CSGT, tiếp xúc với máy thổi nồng độ cồn lại không đeo khẩu trang, vừa có nguy cơ nhiễm bệnh và nguy cơ lây nhiễm rất cao, cần có biện pháp hợp lý.
>> Quan điểm của bạn về kiến nghị dừng thổi nồng độ cồn phòng tránh virus corona thế nào? Chia sẻ cho trang Ý kiến tại đây.