(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Không chỉ Vũ Hán, Trung Quốc, giờ đây, đại dịch Covid-19 đã đi hết nửa vòng trái đất, từ Đông sang Tây, trải khắp Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc châu trong vòng chưa đầy 3 tháng kể từ ngày ca bệnh đầu tiên được ghi nhận. Ngay cả quốc đảo Reunion xa xôi trong lòng Ấn Độ Dương tưởng chừng vô nhiễm với Covid-19 cũng nằm trong bản đồ dịch bệnh mà cả thế giới đang gồng mình chống đỡ này.
Cả năm châu ngỡ ngàng khi một loạt các nước châu Âu, rồi Mỹ, Nhật, Hàn - những quốc gia có nền y học tiên tiến và một nền văn minh rất hiện đại lại gục ngã rất nhanh trước đại dịch. Người chết - đã đành, nhưng chính các quốc gia này cũng đã có những lúc chao đảo, khủng hoảng, niềm tin lung lay trước khi kịp lấy lại bình tĩnh để sẵn sàng nhập cuộc vào một cuộc chiến với dịch bệnh mà có lẽ đã từ rất lâu trong quá khứ họ từng đối mặt.
Vũ Hán cách Hà Nội 841 dặm (khoảng 1354 km). Chuyến bay thẳng từ sân bay Quốc tế Vũ Hán đến sân bay quốc tế Hà Nội có thời lượng 2 giờ 09 phút. Nào có xa xôi gì về không gian, thời gian?
Càng gần hơn, khi Vũ Hán trong tâm thức của nhiều người Việt yêu Đường thi, biết đến thành phố này với hình ảnh lầu Hoàng Hạc qua bài thơ kiệt tác "Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng" của Thi tiên Lý Bạch. Mấy ai không biết về con sông Dương Tử - dòng Trường Giang trong thơ họ Lý, với hai câu thơ tầm cao cổ điển "Cô phàm viễn ảnh bích không tận/Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu"?
Những ngày này, những bản tin thời sự vào bất kỳ thời điểm nào cũng hầm hập sức nóng tỏa ra từ cuộc chiến chống dịch bệnh. Từ thành phố đến miền quê, từ miền xuôi cho chí miền ngược, không ai và không bao giờ ngớt những lời nói lo lắng về dịch bệnh. Chống dịch như chống giặc, thậm chí tiếng nhạc nền của bản tin thời sự hàng đêm cũng vang lên cái âm hưởng ra trận, mà ngay cả những đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới cũng cảm nhận được. Mà đúng là còn hơn cả ra trận chống giặc, nói như nhiều người dân rằng, giặc tới còn thấy để mà chạy, mà tránh, còn virus corona thì chẳng biết tránh đường nào, bởi chẳng ai thấy mặt mũi chúng ra làm sao.
Những ngày này, hai từ "dịch giã" là từ khóa quen thuộc trên môi mỗi người, trên không gian mạng, trên báo, đài...Ngày xưa "giặc giã", còn ngày nay là "dịch giã". Thành quả của cả một mùa dài kiên trì chống dịch chỉ còn cách 4 ngày tới thời điểm công bố hết dịch trên toàn đất nước, thì tất cả bỗng dưng sụp đổ, để bây giờ toàn dân ta lại cùng nhau bước vào một trận chiến ngày càng cam go và nguy hiểm hơn...
Nhưng đây không phải là những ngày đen tối. Hãy nhìn xem, những bộ đội thời bình nhường doanh trại cho dân. Hãy xem, những anh hùng áo trắng đối mặt đêm ngày với hiểm nguy, hy sinh cả hạnh phúc gia đình mình để chăm lo cho người bệnh, để rồi họ đành nhẫn nại cách ly mình khỏi thế giới hạnh phúc riêng tư mà mình đang có. Hãy xem, những ánh mắt trẻ thơ nơi vườn trẻ; những đôi chân nghịch ngợm nhảy múa trên sân trường tiểu học; những mộng mơ bay bổng của những cô cậu học trò trung học; những khát khao cháy bỏng về một tương lai vào đời phía trước của những anh chị sinh viên...tất cả đang đành lòng gác lại sau những ô cửa buồn tênh nơi ngôi nhà của em những ngày em không đến lớp.
Hãy xem, những thầy cô, thay vì trên bục giảng, giờ đứng trước ống kính truyền hình làm một diễn viên không chuyên tải truyền bài giảng cho học sinh những ngày dịch giã học sinh không đến lớp.
Gần trăm triệu người dân Việt Nam đang ở trong những ngày đặc biệt. Gần trăm triệu người đang hướng về phía trước, chạy đua với thời gian, tận dụng "thời gian vàng", quyết không bỏ lỡ "cơ hội vàng" trong cuộc chiến chống Covid-19.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Hoàng Đức Diễn