Sài Gòn có phải là nơi đáng sống không? Tôi đã sống ở Sài Gòn 40 năm và tôi dám nói, Sài Gòn là nơi không đáng để sống mà là nơi để học tập và kiếm tiền.
Vậy, nơi nào mới là nơi đáng để sống? Về mặt lý thuyết, nơi đáng sống chính là quê hương của mình, nơi mình sinh ra và lớn lên. Về mặt thực tế, quê hương lại là nơi nghèo nàn, thưa thớt dân cư, điều kiện học tập thiếu thốn và đặc biệt là chỗ làm khá hiếm hoi.
Tôi từng 10 ngày du lịch nước Pháp, tuy chỉ là xem lướt qua nhưng vẫn học hỏi được nhiều cái hay. Đại học của họ vừa phân tán, vừa tập trung. Mọi nơi đều có chi nhánh đại học, vừa để tuyển sinh vừa để sàng lọc đầu vào.
Tốt nghiệp PTTH đương nhiên được vào đại học nên số lượng sinh viên năm đầu là rất lớn. Số lượng này không tập trung về Viện Đại học gần thành phố mà học ngay tại chi nhánh.
Càng học lên cao càng khó, thi cử rất nghiêm ngặt, loại bỏ không ít người (thi không đậu phải học lại). Chỉ những người suôn sẻ vượt qua 2 năm đầu mới đến Viện Đại học để học.
Sinh viên 2 năm đầu học ở Viện phần lớn là du học sinh và học sinh cư ngụ trong thành phố. Về việc làm, nông sản tại chỗ sau khi thu hoạch sẽ được chế biến từ A đến Z, mang lên thành phố là chỉ bỏ vào siêu thị, không phải chế biến thêm.
Một cụm công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến các loại nông sản mọc lên tại một đầu mối giao thông nào đó, hàng hóa của chúng tỏa ra các vùng lân cận và lao động cũng lấy từ các vùng lân cận.
Đó là lý do người ta phải lái xe hơi, đi xe buýt hoặc xe lửa xa cả trăm km để đi làm.
Thành phố nói chung (thành phố lớn 5 triệu dân trở lên) là nơi tập trung người giàu, người có bằng cấp cao đòi hỏi mức sinh hoạt cao, tiện nghi vật chất cao, văn hóa tinh thần cao và tất nhiên, công việc thu nhập cao.
Ví như nhà hát opera, nhạc vũ kịch là chỉ có thể được xây dựng ở thành phố, ở quê không mấy người xem. Rạp chiếu phim, sàn diễn ca nhạc, tóm lại là nghệ thuật phổ thông thì nơi nào có 10 nghìn dân đều có ít nhất một cái.
Vậy, thành phố của họ có người nghèo không ? Có, nhưng đa phần không phải là dân tại chỗ mà là dân nhập cư, đặc biệt là dân nhập cư từ nước khác đến. Vì sao những người này tập trung vào thành phố?
Vì thành phố còn là trung tâm hành chính, trung tâm pháp lý có chức năng giải quyết cái chuyện nhập cư của họ. Paris hoa lệ vẫn có "khu ổ chuột" là như thế. Vùng quê của họ đẹp như tranh vẽ với những khu ruộng chỉn chu ngay ngắn trồng một giống nông sản nào đó mà chỉ nơi đó cho năng suất chất lượng cao nhất.
Các chuồng trại chăn nuôi đặt xa khu dân cư để tránh ô nhiễm, tránh dịch bệnh và khép kín toàn bộ (từ lai tạo giống cho đến giết mổ). Sản phẩm ra khỏi nơi chăn nuôi là chỉ có thịt đã qua sơ chế, không có chuyện vận chuyển cả con heo hay con gà còn sống ra khỏi trại.
So sánh với Sài Gòn, thôi thì mọi thứ "thượng vàng hạ cám" đều đổ về Sài Gòn hết. Nói không ngoa, Sài Gòn lấy hết công ăn việc làm của người ở quê. Đến giết mổ heo gà cũng phải ở đây thì người quê làm gì?
Đi học, chữa bệnh, xem nghệ thuật phổ thông toàn bộ tập trung về Sài Gòn. Chúng ta đang sống giống như tây thời ....trước thế chiến II, thời mà dân Tây còn sống theo kiểu bon chen chộp giật.
Thế nhưng, thời ấy của họ không có những cao ốc chung cư cao hàng chục tầng, không có đường cao tốc, không có máy tính và internet, thậm chí xe hơi chỉ có người giàu mới có. Sự văn minh của họ là do kinh tế phát triển, điều kiện sống thay đổi buộc họ phải sống khác đi.
Còn ta, vì đi sau nên mới cũ trộn lẫn vào nhau, thô sơ xen lẫn hiện đại, xô bồ bát nháo gấp họ nhiều lần (nếu tính theo thời điểm cùng trình độ văn minh và phát triển kinh tế).
Chúng ta đang "nông thôn hóa thành phố" hay là đang "đô thị hóa nông thôn" ? Có vẻ như là cái trước chứ không phải cái sau. Chỉ riêng về bằng cấp học thuật thôi, chúng ta đã thua đứt họ cả trăm năm.
Người ta sẽ không đổ dồn vào thành phố nữa trừ phi công việc của họ cần có nhiều người có cùng trình độ tương ứng để phối hợp. Tức là ở thành phố chỉ cần những công việc phức tạp có tính hợp tác cao độ ngoài một số ngành nghề dịch vụ cần thiết cho sinh hoạt tại chỗ (hớt tóc, cà phê, ăn sáng, rửa xe, ....).
Thay vào đó người ta sẽ dồn vào các khu đô thị xung quanh thành phố (ta hay gọi là "đô thị vệ tinh") và trở thành cầu nối, nơi trung chuyển sàng lọc hàng hóa giữa trung tâm thành phố và khu vực sản xuất. Trả lời cho câu hỏi "anh làm nghề gì" người ta biết anh có bằng cấp gì.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.