Ngày 21/5/2000, cầu Mỹ Thuận nối đôi bờ Tiền Giang- Vĩnh Long được khánh thành. Đây là cây cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam được xây dựng với số tiền khoảng 2.000 tỷ đồng (giá tiền ở những năm 2000).
Thời gian sau đó, một loạt cây cầu trị giá hàng nghìn tỷ đồng được xây dựng khắp vùng đất chín rồng: cầu Cần Thơ nối Vĩnh Long- TP Cần Thơ là cây cầu dây văng hiện đại, có nhịp chính dài nhất Việt Nam và Đông Nam Á ở thời điểm tháng 4/2010, cầu Rạch Miễu nối Tiền Giang- Bến Tre có vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng được khánh thành vào năm 2009, chưa kể các cây cầu vừa hoàn thành và đang được thi công như cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống... những cây cầu này được đưa vào sử dụng đã góp phần làm cho đường về miền Tây gần hơn, nhanh hơn, bớt chịu cảnh qua sông lụy phà.
Cho đến khoảng chục năm trở lại đây, cũng chính tại những cây cầu này, kẹt xe khủng khiếp thường xuyên xảy ra, nhất là sau mỗi kỳ nghỉ lễ, Tết dài ngày.
Ngày 10/2, tức mùng 6 Tết hôm qua, người dân miền Tây ùn ùn trở lại Sài Gòn làm việc sau Tết Kỷ Hợi khiến quốc lộ 1A kẹt cứng, thậm chí các con đường khác như quốc lộ N1, N2, 50 ken đặc người và xe. Nhìn hàng nghìn người lỉnh kỉnh đồ đạc, chen chúc nhau nhích từng mét một, dưới nền nhiệt hơn 30 độ, ai cũng hết sức thông cảm với bà con miền Tây.
Từ thông cảm, nhiều người chuyển sang bức xúc với hàng loạt câu hỏi: Tại sao bao nhiêu năm rồi mà vẫn chưa chịu làm đường sắt về miền Tây? Tại sao quốc lộ 1A- con đường độc đạo Sài Gòn- miền Tây bao năm rồi vẫn nhỏ hẹp? Tại sao cao tốc về miền Tây chỉ làm tới Trung Lương (Tiền Giang) rồi giậm chân tại chỗ bao nhiêu năm...
>> Dải phân cách di động sẽ giúp đường miền Tây - Sài Gòn bớt kẹt cứng
>> Kẹt xe miền Tây, cần phá thế độc đạo của quốc lộ 1A
Nói khách quan, làm một km đường ở miền Tây tốn kém hơn những vùng khác rất nhiều, do yếu tố địa hình có quá nhiều sông rạch cắt ngang, phải tốn tiền làm cầu...rồi do đất yếu, tốn nhiều nguyên vật liệu làm nền, móng...
Nhưng theo như tôi vừa kể ở đoạn đầu, với việc xây dựng hàng loạt cây cầu, đường sá được mở, giao thông ở miền Tây cũng được quan tâm đầu tư xây dựng đó chứ? Nếu xây đường sắt, có ai bảo đảm lượng hành khách luôn dồi dào ở những thời điểm khác trong năm không?
Vậy việc kẹt xe khủng khiếp trước và sau mỗi kỳ nghỉ mang tính cục bộ và nhất thời. Theo tôi, lỗi không phải do đường sá, nguyên nhân chính là do dân cư phân bố không đều. Điều gì đã khiến hàng chục ngàn người miền Tây phải dịch chuyển về Sài Gòn làm việc? Hỏi là đã trả lời: do ở quê không có việc làm.
Như vậy, kẹt xe chỉ là bề nổi cho việc người dân đồng bằng ngày càng khó khăn trong việc mưu sinh trên chính quê hương của mình. Nên vấn đề mấu chốt không phải là thiếu đường và cách giải quyết không phải là xây thêm đường. Mà là làm sao cho người miền Tây có thể kiếm được việc làm tại nơi mình sinh sống, hoặc các tỉnh lân cận. Bằng cách kêu gọi nhà đầu tư, mở khu công nghiệp, nhà máy, phát triển nông nghiệp bền vững...
Dĩ nhiên đường sá miền Tây kém phát triển là thật, cần được quan tâm đầu tư, xây dựng nhiều hơn nữa. Nhưng nếu bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng xây thêm đường, mở rộng làn đường để chống kẹt xe sau mấy ngày nghỉ Tết không phải là gốc rễ của vấn đề. Vả lại, hàng chục nghìn người cùng đổ ra đường trong một ngày, đường rộng bao nhiêu cho đủ?
>> Chia sẻ ý kiến của bạn tại đây.
Phan Vĩnh Long