Nhiều ý kiến cho rằng CSGT chặn xe vi phạm là hại bản thân và người tham gia giao thông. Xét cho cùng hãy nghĩ đến trách nhiệm và nghĩa vụ mỗi người tham gia giao thông trước khi chỉ trích những cán bộ CSGT đang làm nhiệm vụ.
Việc CSGT chặn xe vi phạm bị tông chính diện khi đang làm nhiệm vụ của mình, phải khẳng định anh không sai. Đừng phản bác về vấn đề nghiệp vụ, vì khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT, bất cứ phương tiện nào cũng phải tuân theo. Cũng đừng lý sự rằng với tốc độ như vậy, khi bất ngờ có người nhảy ra chặn đầu xe sẽ không tránh kịp. Thượng tôn pháp luật: nếu không sai, anh không việc gì phải làm trái hiệu lệnh; ngay cả trong trường hợp CSGT bắt lỗi sai, hãy gắn camera hành trình để chứng minh vô tội.
Trong trường hợp cụ thể, nam thanh niên 16 tuổi đã vi phạm rất nhiều quy định: bất tuân hiệu lệnh, và tông trực diện CSGT. Chính người cảnh sát đó đã thế thân cho một nạn nhân khác (có thể là bất kỳ ai). Hãy biết ơn thay vì chỉ trích những người làm đang làm đúng trách nhiệm của mình.
>> 'CSGT không lao ra chặn xe, người vi phạm sẽ không dừng lại'
Vấn đề phạt nguội đã được nhiều người đề cập đến, tôi xin lấy ví dụ về đất nước Singapore - nơi đang thực hiện hình thức này. Ở đó, họ phải đảm bảo rất nhiều tiêu chí, trong đó: Thứ nhất, phương tiện giao thông chính chủ, người điểu khiển phương tiện nếu không chính chủ phải có ủy quyền. Thứ hai, chủ phương tiện tham gia giao thông trong hồ sơ luôn đính kèm giấy phép lao động, công ty chủ quản. Khi giấy báo phạt nguội chuyển về công ty, lệnh phạt áp dụng trừ ngay vào lương, thu nhập. Ở đó không có cơ hội cho các lý sự cùn để trốn tránh. Thứ ba, các hành vi vi phạm bị bắt quả tang, phạt nóng đều đã đạt mức phạt và răn đe rất cao chứ không chỉ ở mức phạt hành chính.
Việt Nam chưa đạt được bất cứ tiêu chí nào kể trên để hiện thực hóa việc phạt nguội. Khi mà phạt nóng còn không nổi thì đừng bàn tới phạt nguội.
Nguyên nhân chính ở đây là sự "nhờn luật" của người dân. Câu hỏi đặt ra là "vì sao có sự coi thường pháp luật đến như vậy của nhiều người tham gia giao thông?". Câu trả lời là một quá trình dài của sự yếu kém của cả cấp quản lý, của CSGT và của chính người tham gia giao thông.
Xin liệt kê các lỗi vi phạm giao thông phổ biến ở Việt Nam như: vượt đèn đỏ; leo vỉa hè; lấn chiếm vỉa hè; xe chở quá khổ quá tải, xe tự chế, xe độ đèn, độ còi, độ ống pô; chạy quá tốc độ quy định; lấn làn, vượt ẩu; người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định; chạy xe máy, lái xe ôtô trong tình trạng say xỉn...
>> 'CSGT nên đứng cách nhau 50 mét khi dừng xe người vi phạm'
Hãy bắt đầu từ tấm bằng lái xe. Thử hỏi giá trị của tấm bằng lái hiện nay là gì? Lấy được tấm bằng đó có khó không? Đầu tiên, về việc khám sức khỏe, không khó để có một bộ hồ sơ đủ tiêu chuẩn sức khỏe. Về phần thi lý thuyết, nhiều người không thuộc thì có người thi hộ, nhiều người thậm chí đánh giá thấp giá trị của việc thi lý thuyết nhưng quên rằng đó là một phần liên quan đến thái độ của mỗi người khi lái xe. Không thuộc luật đến khi vi phạm lại dễ lý sự với cơ quan chức năng. Về bài thi thực hành, đối với ôtô có thể sát sao một chút, còn với xe máy thì dễ như trở bàn tay.
Tóm lại giá trị của bằng lái xe ở Việt Nam rất mơ hồ, chỉ một phần nhỏ khá nghiêm túc đối với bằng lái ôtô, còn với xe máy thì coi như thả nổi, thậm chí không có bằng lái, không đủ tuổi cũng có thể chạy xe bình thường. Trách nhiệm này thuộc về rất nhiều các cấp cơ quan quản lý: từ việc khám sức khỏe tới việc thi, cấp bằng lái xe liệu đã nghiêm túc và đúng với thực tế Việt Nam chưa?
Không phủ nhận những công sức của CSGT, nhưng việc hình ảnh của nhiều chiến sĩ trở nên méo mó trong mắt người dân có lỗi từ một bộ phận không nhỏ các anh. Có thể kể ra: Xử lý các vi phạm chưa làm người vi phạm tâm phục khẩu phục, thủ tục rườm rà, phức tạp, vẫn bị ảnh hưởng bởi tâm lý: xe to đền xe nhỏ; Vẫn có những "vùng cấm" trong xử lý vi phạm giao thông như đối với các thanh niên xăm trổ ngang nhiên đèo 3 đèo 5, các xe biển xanh, biển đỏ, các trường hợp "gọi điện thoại cho người thân"; Lập chốt tại những khúc cua, bắt vi phạm không rõ ràng, sử dụng lời nói không chuẩn mực với nhân dân; Có các hành vi nhận mãi lộ, bảo kê... Luật giao thông của Việt Nam đã quy định khá đầy đủ và chi tiết, chỉ mong các chiến sĩ CSGT làm đúng chức năng vào nhiệm vụ của mình, giữ hình ảnh tốt đẹp trong lòng người dân.
>> Cảnh sát GT phải làm gì nếu không lao ra chặn xe vi phạm?
Quy hoạch và quản lý yếu kém, các thành phố lớn có tốc độ đô thị hóa, phát triển nóng không đi kèm phát triển cơ sở hạ tầng. Nhiều quyết sách không thực tế, triển khai tốn kém và không hiệu quả: chung cư cao tầng mọc như nấm khiến mật độ tham gia giao thông tăng cao, xe buýt nhanh BRT không hiệu quả như mong đợi, các tuyến đường sắt trên cao ì ạch chưa biết bao giờ đưa vào sử dụng, vỉa hè dành cho người đi bộ vẫn chỉ là khẩu hiệu...
Cuối cùng là trách nhiệm của mỗi người dân. Mỗi cá nhân đều phải nắm rõ quyền và nghĩa vụ khi tham gia giao thông. Liệu có bao nhiêu người tham gia giao thông dám tự tin rằng mình chưa từng vi phạm bất cứ một lỗi nhỏ nào? Hãy cùng nhau bắt đầu từ những việc nhỏ nhất: hiểu luật, làm đúng luật, đi đúng phần đường, tốc độ của mình, tuân theo hiệu lệnh của CSGT & đèn tín hiệu, chính là làm gương cho con em của chúng ta.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây, hoặc về bandoc@vnexpress.net.