Nơi tôi làm việc gần với một dãy các nhà hàng ăn uống, giải khát. Đã thành lệ, cứ khoảng từ 11h30 đến gần 2h chiều, và từ 6h tối đến khuya, cả dãy phố nhỏ tự nhiên nhộn nhịp, náo nhiệt hẳn lên. Từ các nhà hàng, quán xá cứ thấy rộ lên những tiếng hô "zô...zô", "một, hai, ba...uống".
Có nhiều nhóm cử hẳn một người "cầm cái", cuộc vui cứ thế kéo dài không giới hạn. Thói đời, cái gì đã có sự tham gia của nhiều người thì cũng tạo không khí vui vẻ, hứng khởi. Và hiệu ứng ấy lan truyền đến cả những người sống điềm đạm, rụt rè và giữ gìn nhất.
Không biết từ bao giờ, những cuộc gặp gỡ của các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, đối tác...đã mặc định: "Chén rượu... là đầu câu chuyện", "mọi việc đều được giải quyết trên bàn nhậu".
Thậm chí nhiều doanh nghiệp, khi cần "lobby" cho các dự án của mình, đã chọn giải pháp: "Phải mời bằng được ông ấy đi ăn một bữa". Và "đi ăn", nghĩa là sau vài chén rượu, sẽ chẳng phải giữ ý giữ tứ gì nữa, sẽ có thể thổ lộ, trao đổi, ngã ngũ...
Chén rượu lại có thêm một vai trò mới, trở thành "cứu tinh" trong nhiều trường hợp, giải quyết, khai thông được nhiều bế tắc trong cuộc sống, trong công việc. Rồi có một thời, giới trẻ rộ lên mốt "sống ảo" với hình ảnh, một chàng hoặc một nàng nào đó, vẻ mặt u buồn, xa xăm hoặc bất cần đời, tay cầm li rượu sóng sánh. Bức ảnh nhìn khá "ngầu" đó ngay lập tức trở thành "trend", và các quán rượu lại được đón thêm những vị khách trẻ đến chỉ để trải nghiệm và bắt chước cái cảm giác đó.
Và mạng xã hội lại tràn ngập những hình ảnh dễ gây nghiện cho các nam thanh, nữ tú. Ở nhiều quốc gia nơi tôi từng đến, nhất là ở các nước châu Âu, hầu như không có cảnh ồn áo, náo nhiệt tại các nhà hàng, quán xá. Đó không chỉ là câu chuyện văn hoá.
Luật pháp nhiều nước khá nghiêm ngặt đối với những vấn đề liên quan đến những loại đồ uống có cồn. Tôi từng chứng kiến cảnh ông chủ quán cương quyết từ chối bán rượu cho một chàng thanh niên, khi cậu ta chưa chứng minh được là đã đến tuổi được phép uống rượu. Tại các siêu thị lớn, nếu muốn mua rượu, chỉ có thể tìm được những loại rượu nhẹ dùng cho tiệc khai vị.
Còn rượu mạnh thì duy nhất được bán ở các tiệm rượu hoặc nhà hàng đã được cấp giấy phép, cùng với đó là việc quy định đối tượng khách hàng sử dụng loại đồ uống này. Nếu người bán hàng vi phạm, khung hình phạt sẽ rất nặng. Tôi có nhiều người bạn sống và làm việc tại một số điểm du lịch trong cả nước. Là quan chức, họ có khá nhiều mối quan hệ thân có, sơ có và "bất đắc dĩ" có.
>> Lái xe sau khi uống rượu bia bao lâu thì không phạm luật?
Công việc ở các địa phương lúc nào cũng như có con mọn. Suốt ngày phải đối mặt và giải quyết hàng loạt vấn đề phát sinh, lúc nào cũng trong trạng thái áp lực, căng thẳng...Nhưng cái mà những người bạn tôi sợ nhất lại là việc "uống rượu tiếp khách". Thậm chí có cô bạn gái, từ chỗ không uống được rượu, sau một thời gian được thăng chức, trình độ uống rượu đã nâng lên đến vài "level". Có ông bạn, vừa đi bệnh viện làm xét nghiệm, mỡ máu tăng gấp 10 lần so với mức bình thường. Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm, nhưng vẫn phải uống rượu khi tiếp khách, vì "nếu không uống, người ta lại bảo mình không nhiệt tình". Không hiếm gặp những bộ mặt đỏ phừng phừng xuất hiện trong ca làm việc. Mặc dù đã có quy định "cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc", nhưng thường nội bộ "xí xoá, bỏ qua cho nhau", "có vui thì mới uống", và "có uống thì mới vui"...
Từ ngày 1/1, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia quy định, người điều khiển phương tiện giao thông không được uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông đã làm thay đổi hoàn toàn không khí ở các nhà hàng, quán rượu gần cơ quan tôi. Không còn thấy những tiếng hô đồng thanh như hiệu lệnh của các tiệc rượu nữa. Anh bạn tôi thở phào vì đã có cớ để khước từ những lời mời mọc. Các bà vợ thì nhẹ nhõm vì yên tâm hơn đối với các ông chồng khi họ về nhà trong bộ dạng tỉnh táo. Những cung đường giao thông sẽ an toàn hơn khi hạn chế được các ma men dẫn lối, đưa đường.
Nhưng tại sao việc cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông dù đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ ban hành từ năm 2008, mà tình trạng vi phạm vẫn tràn lan. Mãi đến giờ, khi Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia có hiệu lực, lại có thể làm thay đổi nhanh chóng và khá triệt để những hành vi liên quan đến thứ đồ uống có cồn này. Nguyên nhân, có lẽ là những quy định pháp luật này đã đánh đúng vào điểm trọng yếu: Túi tiền của người vi phạm.
>> 'Thuốc giải rượu' 35 triệu đồng
Một vài tình huống xử phạt được công khai rộng rãi đã có tác động tích cực. Người sử dụng các phương tiện ôtô, xe máy trở nên thận trọng hơn khi lái xe. Và người tham gia giao thông sẽ cảm thấy an toàn hơn khi không phải đề phòng những tay lái lạc đi vì rượu bia.
Nhưng không chỉ có vậy. Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia còn tạo nên những ngoại ứng tích cực. Trước hết, nó sẽ làm thay đổi những thói quen, mà nếu để thêm chút nữa có nguy cơ trở thành tập quán văn hoá. Đó là người ta thường đánh giá sự chân tình, hữu hảo thông qua chén rượu, cốc bia. Các mối quan hệ sẽ được nhìn nhận ở những giá trị thực chất hơn.
Thứ nữa, nó sẽ làm gia tăng sự gắn kết, bồi đắp cho cuộc sống các gia đình khi tiệc rượu bên ngoài không còn là sức hút với các thành viên. Tiếp đó, hi vọng những quy định liên quan đến sử dụng rượu bia trong điều Luật sẽ giảm thiểu được những chuyện đau lòng do ngộ độc rượu, do rượu giả gây ra. Bởi lẽ rượu, bia không còn là thứ đồ uống được lựa chọn, ưu tiên thì tình trạng sản xuất rượu tuỳ tiện sẽ được giảm thiểu. Đặc biệt, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia sẽ giúp cho đội ngũ công bộc trở nên "ngay ngắn" hơn, góp phần đảm bảo hiệu lực và hiệu quả của việc triển khai đề án Văn hoá công vụ.
>> Lái xe sau khi uống rượu bia bao lâu thì không phạm luật?
Ý nghĩa là thế, nhưng Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia với những quy định nghiêm ngặt suýt chút nữa đã không được thông qua. Và cho dù Luật đã có hiệu lực, người ta vẫn băn khoăn về nguy cơ bị lợi dụng khi thực thi pháp luật. Rõ ràng, để ra được một bộ luật, điều luật đúng đòi hỏi phải có sự phân tích tác động kĩ càng, thấu đáo. Đồng thời phải có sự công tâm của người hoạch định, ban hành và bấm nút khi thông qua bộ Luật. Còn người thực thi cũng như người chịu sự tác động của Luật phải có ý thức thượng tôn pháp luật thì mới tránh được tình trạng " rộ lên rồi trở về như cũ".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
TS Nguyễn Thị Hường
(Học viện Hành chính Quốc gia)