Từ ngày 1/1, Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực. Lần đầu tiên người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt cao nhất tới 600.000 đồng. Với tài xế ôtô, mức phạt tối đa 40 triệu đồng; tài xế xe máy 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.
Đồng tình với mức phạt tăng nặng, nhưng nhiều người băn khoăn về cách thức thực hiện để đảm bảo minh bạch, tránh oan sai. VnExpress tổ chức phỏng vấn trực tuyến với sự tham dự của thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an và thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội, đại diện cho các cơ quan tham mưu ban hành và thực thi Nghị định 100.
Vì sao xử phạt chỉ sau 2 ngày ban hành Nghị định 100/2019?
- Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, thời điểm có hiệu lực của Nghị định không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành. Tại sao Nghị định 100 ban hành ngày 30/12/2019, nhưng đến 1/1/2020 cảnh sát giao thông các địa phương đã xử phạt? (Nguyễn Quang Đức, 30 tuổi, Hà Nội)
- Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định tùy trường hợp văn bản có thể áp dụng ngay. Rượu bia là văn hóa, truyền thống, giúp chữa bệnh..., song chúng ta cần uống có trách nhiệm và phải nhìn nhận mặt tích cực của Luật phòng, chống tác hại rượu, bia, Nghị định 100. Quy định mới không phải tăng thu ngân sách, quan trọng là răn đe, giúp người tham gia giao thông điều khiển phương tiện an toàn.
- Lần đầu xử phạt tài xế vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100, ông đánh giá thái độ hợp tác và sự hiểu biết của tài xế thế nào? (Song Long, 22 tuổi, Hà Nội)
- Thiếu tá Đào Việt Long: Khi thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm liên quan tới rượu, bia, chúng tôi gặp không ít trường hợp không hợp tác. Lúc đó, chúng tôi bám chặt vào hướng dẫn của Bộ Công an. Theo nội dung tập huấn, CSGT phải giữ khoảng cách an toàn, ra tín hiệu còi gậy để dừng xe.
1. Nếu xe đó không giảm tốc độ, quay đầu hoặc cố tình đâm thẳng, chúng tôi sẽ ghi lại đặc điểm phương tiện, thông báo cho chốt liền kề, tổ chức dừng xe ở chốt khác.
2. Phòng CSGT có hệ thống camera có thể phạt nguội đối với các vi phạm.
3. Với những trường hợp không mở cửa xe, chúng tôi sẽ vận động, tìm cách tiếp cận lái xe và dùng công cụ hỗ trợ loa. Ngoài ra, chúng tôi tổ chức xác minh nóng với người không chấp hành, nắm thông tin cơ bản của họ và phối hợp với cơ quan địa phương, liên hệ với người thân để liên lạc với người trong xe.
- Trước khi ban hành Nghị định 100, Cục CSGT và cơ quan tham mưu có tham khảo luật các nước về nồng độ cồn? Tại sao Việt Nam lại yêu cầu nồng độ cồn không được quá mức 0? (Tô Tuấn, 37 tuổi, Kien Giang)
- Ông Nhật: Luật pháp mỗi quốc gia khác nhau, phụ thuộc mặt bằng dân cư, ý thức người dân. Việc soạn thảo Luật phòng, chống tác hại rượu, bia thuộc Bộ Y tế, khi trình đã có báo cáo tác động xã hội và có nghiên cứu khoa học để phù hợp với Việt Nam. Chúng ta thấy nỗi đau do tai nạn giao thông vì sử dụng rượu, bia là quá lớn. Những vụ tai nạn ở Long An, Vĩnh Phúc, Hà Nội... khiến dư luận hết sức bức xúc, rượu, bia gây tổn tại sức khỏe cộng đồng.
- Cục Cảnh sát giao thông đã bao giờ thống kê các vụ tai nạn nghiêm trọng thì nồng độ cồn phổ biến của tài xế là bao nhiêu? (Son, 60 tuổi, số 9 Trần Hưng Đạo, Hà Nội)
- Ông Nhật: Chúng tôi có thống kê về nồng độ cồn qua các vụ tai nạn giao thông hàng năm, hầu hết rất thảm khốc, thương tật người dân mang theo suốt đời, ám ảnh chúng tôi trong quá trình làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, hiện có những bất cập trong thống kê. Tai nạn xảy ra, việc kiểm soát nồng độ cồn trong máu, khí thở phụ thuộc vào sự hợp tác của người vi phạm, trong khi có thời điểm người gây tai nạn có thể được rời khỏi hiện trường.
- Kết quả xử phạt vi phạm nồng độ cồn sau 6 ngày áp dụng Nghị định 100 như thế nào? (Dương Quốc Trung, 26 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nhật: Trong 6 ngày, CSGT toàn quốc đã kiểm tra 25.345 trường hợp lái xe vi phạm an toàn giao thông, phạt hơn 23 tỷ đồng, tước 3.590 giấy phép lái xe; riêng xử lý vi phạm nồng độ cồn là 2.673 trường hợp. Đây là quyết tâm lớn của CSGT vì nghị định có hiệu lực từ 1/1, lực lượng CSGT đã nhanh chóng triển khai trên toàn quốc một cách thống nhất.
Ăn hoa quả, uống siro ho có bị phạt?
- Theo quy định, chỉ cần trong hơi thở có nồng độ cồn rất nhỏ cũng bị phạt. Vậy tôi phải làm sao khi uống siro ho, ăn hoa quả, những thứ có thể tạo ra nồng độ cồn trong khí thở? (Phạm Hùng Sơn, 44 tuổi, 52 Nguyễn Đổng Chi)
- Ông Long: Từ khi Nghị định 100 ra đời, nhiều người thắc mắc về tình huống này. Thực tế, máy đã cấp cho các địa phương thì sẽ đạt kiểm định và có thể phát hiện tài xế có chất ethanol hay không. Khi ethanol trong cơ thể ở ngưỡng nào đó sẽ tác động tới hệ thần kinh, có thể dẫn tới tai nạn giao thông.
Điều này có thể gây hoang mang và tranh cãi vì nhiều người sợ ăn vải bị phạt, nhưng để xử lý vi phạm, ngoài lập biên bản chúng tôi sẽ mời người vi phạm về trụ sở để làm rõ. Với những người phản hồi, chúng tôi sẽ nhờ lực lượng chuyên môn khác để làm rõ và chứng minh. Chúng tôi sẽ tạo thuận lợi cho người dân, với tinh thần trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông.
Hiện, 84 người bị xử lý trong đợt ra quân vừa qua, biên bản đều thể hiện rất rõ. Có 14 trường hợp bị phạt kịch khung vì nồng độ cồn cao, chưa trường hợp nào khiếu nại việc bị phạt vì uống siro, ăn hoa quả.
- Ông Nhật: Qua theo dõi 6 tháng cuối năm 2019, chúng tôi ghi nhận chỉ 640 trường hợp vi phạm nồng độ cồn từ 0 đến 0,25 mg/lít khí thở, tất cả không khiếu nại gì. Chúng tôi luôn theo dõi các vi phạm để đảm bảo xử lý đúng người.
- Tôi uống rượu thuốc sáng, trưa, chiều để trị bệnh đau lưng, nhức mỏi thì có bị phạt khi lái xe hay không? (Bạch Hùng, 53 tuổi)
- Ông Long: Tất cả người dân khi tham gia giao thông không được phép sử dụng chất cồn vì nó làm ta không kiểm soát được hành vi. Vì vậy, nếu phải sử dụng biệt dược có chứa rượu, tôi khuyến cáo mọi người sử dụng phương tiện giao thông khác như Grab, xe bus, taxi... sao cho phù hợp với trạng thái cơ thể.
- Tôi tham gia liên hoan vào tối hôm trước, sau một đêm ngủ tôi hoàn toàn tỉnh táo. Làm thế nào để tôi biết trong cơ thể còn cồn hay không để lái xe đi làm? (Hồng Phương, 32 tuổi, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội)
- Ông Nhật: Tôi xin giải thích trên cơ sở hiểu biết của tôi. Khó có thể định lượng cụ thể uống bao nhiêu rượu thì say, vì việc khuếch tán cồn theo đường gan, phổi, nước tiểu phụ thuộc sức khỏe từng người. Nếu như anh sử dụng rượu bia vì bất cứ lý do gì thì nên đi phương tiện công cộng. Luật không phải cấm uống rượu bia mà cần thay đổi ý thức, uống có trách nhiệm.
- Ông Long: Thể trạng mỗi người khác nhau. Chúng tôi không phải chuyên gia về lĩnh vực này nên không thể nói được sau bao nhiêu tiếng thì cồn được đào thải ra khỏi cơ thể. Là người điều khiển phương tiện, nếu tự tin về sức khỏe, nhận thức và có trách nhiệm với người xung quanh, chúng ta sẽ tự biết có nên điều khiển phương tiện hay không.
Tôi thấy nghị định này được toàn xã hội đón nhận, dù còn một số ý kiến trái chiều. Nhưng càng đa dạng ý kiến, chúng tôi càng có cái nhìn khái quát hơn. Tôi thấy đây là tín hiệu mừng vì người dân đã để ý hơn quy định an toàn giao thông.
Tình huống nào thì bị phạt?
- Cảnh sát giao thông có quyền dừng bất cứ phương tiện nào, vào bất cứ thời điểm nào để đo nồng độ cồn của lái xe không? Nếu tôi quá vội cho một việc quan trọng, không hề phạm lỗi mà bị dừng gây lỡ việc, thiệt hại lớn thì ai chịu trách nhiệm? (Hoàng Văn Hùng, 61 tuổi, 16 đường 9 TT F361 An Dương)
- Ông Nhật: Theo Luật giao thông đường bộ, người tham gia phải chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông, nhất là trong đợt tổng kiểm soát nồng độ cồn. Khi kiểm tra định tính, anh chỉ cần hạ kính xe xuống và thổi là biết có cồn hay không. Chỉ mất 5 giây là anh có thể đi tiếp nên hoàn toàn yên tâm không mất thời gian. Tương tự đối với môtô, anh nói vào phễu thu thì có kết quả định tính chỉ sau vài giây. Nếu có cồn thì chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra định lượng.
- Tôi có chiếc xe đạp mua từ 7 năm trước với giá hơn 600.000 đồng, nếu bị phạt vi phạm nồng độ cồn với mức cao nhất, do không đủ tiền nộp phạt nên tôi bỏ xe lại và không hợp tác với cảnh sát giao thông. Vậy tôi sẽ bị xử lý như thế nào? (Văn Giang, 24 tuổi, Hưng Yên)
- Ông Nhật: Tôi thấy đây là câu hỏi ngụy biện, chống đối. Nhiều người nói điều khiển xe thô sơ thì không gây nguy hiểm cho xe khác. Nhưng khi anh đã uống rượu, bia trước khi tham gia giao thông thì không chỉ gây nguy hiểm cho anh mà còn tổn hại cho người khác. Lời khuyên của tôi là đã uống thì không nên lái xe.
- Ông Long: Nếu bỏ xe, chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng quy trình công tác, ghi nhận lại và lập biên bản, viết giấy mời, yêu cầu người điều khiển tới giải quyết. Nếu người điều khiển không lên, chúng tôi hoàn toàn có thể thành lập hội đồng đấu giá, bất kể đó là loại phương tiện gì.
- Tôi sử dụng rượu bia, lúc về gặp CSGT nhưng tôi xuống dắt xe qua thì có bị yêu cầu đo nồng độ cồn không? (Anh Đức, 29 tuổi, Hải Phòng)
- Ông Long: Tôi khẳng định cảnh sát giao thông trên 63 tỉnh thành ra quân để đấu tranh với vi phạm giao thông khi đã sử dụng rượu bia. Với những người đã bị phát hiện có hành vi điều khiển phương tiện, dù ở vị trí nào cũng sẽ bị lập biên bản. Nhưng nếu khi uống bia xong, anh dắt xe ngay từ quán nhậu về nhà thì là người có ý thức. Trường hợp này chúng tôi sẽ không xử lý, nhưng vẫn sẽ nhắc nhở không điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Trường hợp cố tình xuống dắt xe khi gặp chốt sẽ bị dừng xe kiểm tra vì thực ra chúng tôi đã tổ chức quan sát từ xa, ghi hình từ trước. Người vi phạm sẽ bị phạt.
- Tôi không uống rượu bia, khi kiểm tra có thể hiện nồng độ cồn thì phải khiếu nại với cơ quan nào? (Thái Doãn Lịch, 39 tuổi, 39/15 Nguyễn Cửu Đàm)
- Ông Long: Người dân có thể viết đơn trực tiếp lên Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội để khiếu nại về mọi hành vi, không chỉ việc bị xử lý vi phạm nồng độ cồn. Chúng tôi sẽ có lực lượng chức năng riêng để làm rõ hành vi của người vi phạm và cả quá trình làm việc của tổ công tác, từ đó phúc đáp cho người khiếu nại theo đúng quy định pháp luật.
- Với trường hợp lái xe biển xanh, biển đỏ hoặc viên chức nhà nước vi phạm và xin bỏ qua thì xử lý như thế nào? (Mạnh Hưng, 32 tuổi, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
- Ông Long: Mọi trường hợp, hành vi vi phạm an toàn giao thông chúng tôi đều xử lý vì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Chúng tôi đã phối hợp xử lý hai trường hợp xe biển xanh gần đây gây bức xúc trong xã hội.
- Ông Nhật: Tôi xin tiếp lời anh Long là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Việc xử lý cán bộ công chức đã có quy định, kết hợp hành chính và nội quy kỷ luật của cơ quan có tính răn đe cao, tạo sự gương mẫu cho những người làm cơ quan nhà nước.
- Giấy phép lái xe máy và ôtô của tôi gộp 2 trong 1, nếu tôi đi xe máy vi phạm luật giao thông mà bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thì tôi còn được phép lái ôtô nữa không? (Song Hồ, 46 tuổi)
- Ông Long: Khi bị tạm giữ xe máy, bạn vẫn có quyền lái ôtô, nhưng phải đem đủ giấy tờ để chứng minh mình chỉ bị tước quyền lái xe máy.
- Xe của doanh nghiệp, nếu cho người vi phạm nồng độ cồn mượn xe thì doanh nghiệp sẽ bị liên đới như thế nào? (Minh Thu, 36 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nhật: Có nhiều vấn đề trong câu hỏi của bạn. Bạn giao xe cho người có cồn là vi phạm hành chính, bạn có thể phải chịu trách nhiệm. Việc quản lý điều hành không chặt chẽ thì công ty bạn sẽ bị thiệt hại vì phương tiện bị tạm giữ, bạn bị liên đới trách nhiệm. Tốt nhất bạn phải kiểm soát tốt tài xế của mình, kiểm tra sức khỏe định kỳ để lái xe không có chất kích thích, không uống rượu bia và có các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.
- Nếu tôi lái xe taxi chở khách có cồn, tôi bị nhiễm cồn thì xử lý như thế nào? (Anh Duy, 28 tuổi, Quảng Nam)
- Ông Nhật: Nếu bạn hít hơi thở thụ động mùi cồn, chúng tôi có phễu thu để xác định định tính về cồn. Chúng tôi kiểm tra một lần, nếu anh không uống rượu bia thì có thể yêu cầu kiểm tra lại lần hai hay yêu cầu kiểm tra máu.
Ở một số nước còn có thiết bị đo hiện đại hơn, đưa máy vào khoang lái cũng báo có cồn. Sau đó, người ta vẫn yêu cầu bạn kiểm tra nồng độ cồn, nếu không vi phạm thì người lái xe được mời đi.
- Ông Long: Có nhiều lý do người điều khiển đưa ra để chứng minh mình không sử dụng rượu bia. Nhưng nếu thực sự không sử dụng, chúng ta sẽ tự tin tham gia giao thông.
Công dân được quyền khiếu nại với mọi trường hợp xử lý. Chúng tôi sẽ có biện pháp đảm bảo tính minh bạch, xử lý đúng người, đúng hành vi, không để bị phạt oan. Đây là trách nhiệm của chúng tôi, mong người dân hợp tác.
- Xe đạp không có bằng lái, không có đăng ký và có người thậm chí không có giấy tờ tùy thân, khi bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn thì quy trình kiểm tra, xử phạt diễn ra như thế nào? (Tài Linh, 22 tuổi, Đông Phương Yên, Chương Mỹ)
- Ông Nhật: Có khó khăn cho CSGT, vì khi không có giấy tờ tùy thân thì chúng tôi phải có thời gian xác minh nhân thân của người đó. Sự việc có tình tiết phức tạp thì chúng tôi phải xác minh hành chính, tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ thế nào. Song không có giấy tờ thì là anh đã vi phạm quy định về thân nhân.
- Mới đây, một nữ tài xế uống rượu bia rồi lái xe, thậm chí phát video trực tiếp thách thức lực lượng chức năng xử phạt. Việc xử phạt liệu có thể căn cứ vào hình ảnh trên mạng? (Phương Linh, 25 tuổi, Hà Nội)
- Ông Long: 2020 là năm bản lề của lực lượng cảnh sát giao thông, chúng tôi đã xây dựng trang Fanpage để tương tác trực tiếp với người dân. Với những hình ảnh, video được gửi tới, chúng tôi sẽ tổ chức xác minh. Khi đủ bằng chứng, chúng tôi sẽ đấu tranh làm rõ với chủ phương tiện và lập biên bản xử lý.
Độ chính xác của thiết bị đo nồng độ cồn
- Thiết bị kiểm tra nồng độ cồn được mua ở đâu, việc kiểm định thế nào? (Lê Thị Mắc, 33 tuổi, Ba Đình, Hà Nội)
- Ông Nhật: Chúng tôi đang sử dụng máy đo được nhập khẩu từ Đức, Australia, theo đúng quy định Nghị định 165, thỏa mãn tiêu chuẩn chất lượng, được cấp phép. Máy được dán tem kiểm định. Ở mỗi vùng miền có thể có nhiều kiểu dáng máy, song đều đảm bảo về pháp lý, là căn cứ xử phạt nồng độ cồn.
- Ống thổi nồng độ cồn có nguy cơ lây bệnh rất cao, làm thế nào để tránh được việc này? (Dang Phuc, 45 tuổi, Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM)
- Ông Long: Báo cáo độc giả, khi thực hiện chuyên đề, chúng tôi sẽ bám sát quy trình tuần tra kiểm soát. Mỗi lần thổi chúng tôi sẽ sử dụng ống mới và chỉ dùng một lần mỗi người. Trường hợp người điều khiển nghi ngờ và muốn thay ống khác, chúng tôi sẽ thử ống khác.
Mỗi tổ công tác có tối thiểu ba đồng chí, hai máy đo nồng độ cồn và thường mang tối thiểu 15 ống đo nồng độ cồn. Căn cứ vào thời gian tuần tra, chúng tôi sẽ chuẩn bị đủ số lượng để đảm bảo hoạt động của các tổ công tác.
- Ai cũng biết thiết bị kỹ thuật có lúc gặp sự cố, nhất là thiết bị điện tử. Xin hỏi có biện pháp nào để nhận biết và giải pháp khắc phục nhằm tránh oan sai cho người tham gia giao thông? (Nguyễn Văn Bình, 57 tuổi, 46 Hàng Bài, Hà Nội)
- Ông Long: Kết thúc chuyên đề kiểm tra xử lý mỗi ngày, chúng tôi luôn làm công tác kiểm tra lại công cụ hỗ trợ. Tất cả thiết bị của chúng tôi đều được kiểm tra định kỳ, không chỉ máy đo nồng độ cồn mà còn thiết bị đo trọng lượng và súng bắn tốc độ, sao cho việc xử lý vi phạm công minh nhất.
Máy đo nồng độ cồn hiện dùng là do Bộ Công an cấp cho địa phương và được nhập về từ Australia, vốn là nước tiên tiến trên thế giới. Chúng tôi sẽ đảm bảo sự khách quan cho người dân.
- Tôi muốn mua thiết bị đo nồng độ cồn để tự kiểm tra trước khi lái xe, vậy tôi gửi thiết bị đăng kiểm ở đâu để đảm bảo độ chính xác? (Nguyễn Minh, 45 tuổi, 105 Bình Quới, quận Bình Thành, TP HCM)
- Ông Long: Việc mua máy không bị cấm, nhưng ta phải nhận thức được Luật phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100 được ban hành nhằm nâng cao ý thức người dân, không phải thứ gì đó để chống đối. Khi đã có ý thức và không sử dụng rượu bia, ta sẽ tự tin tham gia giao thông.
- Ông Nhật: Bạn có thể làm gì mà pháp luật không cấm. Bạn có thể liên hệ Tổng cục Đo lường chất lượng để kiểm định thiết bị của mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng bạn không cần thiết mua máy đo nồng độ cồn, bởi cái đầu chính là máy đo nồng độ cồn tốt nhất.
- Nếu không đồng ý kết quả kiểm tra, người dân có quyền mang máy đo nồng độ cồn đi kiểm tra hay không? (Hoàng Anh, 38 tuổi, Mai Châu Hoà Bình)
- Ông Nhật: Khi bạn không đồng ý với thiết bị đó thì có quyền khiếu nại. Phòng CSGT sẽ có trách nhiệm thu lại kết quả đo và thiết bị đo để kiểm chứng, đảm bảo đúng yêu cầu hay không, để người vi phạm tâm phục khẩu phục. Chúng ta cũng phải nói thẳng thắn rằng, không có máy đo nồng độ cồn nào tốt hơn bằng chính bạn, bạn biết mình có cồn hay không để tham gia giao thông an toàn.
Cách nào để hạn chế tiêu cực của CSGT?
- Quá trình xử lý vi phạm, Cục và Phòng ghi nhận có tài xế nào thỏa hiệp để được bỏ qua vi phạm hay không? (Dương Quốc Trung, 40 tuổi, Đông Phương Yên, Chương Mỹ)
- Ông Long: Người vi phạm luôn tìm cách thỏa thuận với lực lượng CSGT. Nhưng trong đợt ra quân này, tôi khẳng định không có chuyện đó. Với những người đã bị tổ chuyên đề của CSGT xử lý, in kết quả đo nồng độ cồn và lập biên bản thì đều rất rõ ràng. Chúng tôi sẽ xử lý đúng người, đúng hành vi.
Khi đang làm nhiệm vụ, chúng tôi vừa kiên quyết xử lý, vừa coi đây là hình thức tuyên truyền vấn nạn tai nạn giao thông, từ đó hình thành ý thức cho người dân. Khi ý thức người dân nâng cao, tai nạn sẽ giảm. Theo thống kê, số vụ tai nạn từ rượu bia rất nghiêm trọng đã không xảy ra trong thời gian đầu ra quân.
- Ông Nhật: Trong tháng 12/2019, Bộ trưởng Công an đã ban hành quy chế yêu cầu cảnh sát thông tin đầy đủ đến người dân các tuyến đường tuần tra kiểm soát, chúng tôi cũng có thể giám sát trực tiếp hay qua phương tiện thông tin đại chúng, ghi hình ảnh, ghi âm theo quy định.
Đầu năm 2019, Bộ trưởng Công an quy định phòng ngừa xảy ra tiêu cực trong lực lượng công an, mỗi cảnh sát đều phải học để đảm bảo ứng xử với người dân có văn hóa. Tuần qua, Cục CSGT đã chỉ đạo ghi hình qua camera trong xử phạt nồng độ cồn để người vi phạm không có hành vi chống đối người thực thi.
- Lực lượng công an xã, cơ động có được kiểm tra vi phạm nồng độ cồn hay không? (Hoàng Huy, 34 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội)
- Ông Nhật: Theo quy định, kiểm soát nồng độ cồn đang được CSGT thực hiện, có sự phối hợp của cảnh sát cơ động, công an xã để phòng ngừa chống người thi hành công vụ, vì nhiều người có cồn dễ chống đối khi bị kiểm tra. Tùy theo điều kiện tình hình thì CSGT tham mưu công an tỉnh bố trí thêm lực lượng cảnh sát khác.
- Tôi bị kiểm tra nồng độ cồn trên cao tốc nhưng không thấy CSGT đeo camera gắn ngực giám sát quy trình tuần tra, như vậy có đảm bảo khách quan và tránh tiêu cực? (Lưu Chiến, 26 tuổi, Sen Chiểu, Phúc Thọ)
- Ông Nhật: Thời gian gần đây chúng tôi đã trang bị nhiều camera để giám sát trên đường, mong độc giả phản ánh trực tiếp cho tôi tuyến đường đã ghi nhận. Cục CSGT đã chỉ đạo cảnh sát trong quá trình kiểm tra nồng độ cồn phải ghi hình. Người đầu tiên bị xử phạt trên cao tốc Pháp Vân ngày 1/1, chúng tôi cũng đã ghi hình và cung cấp cho các báo chí để tuyên truyền.
- Người tham gia giao thông có được ghi hình CSGT làm việc để kiểm tra tính minh bạch, khách quan hay không? (Lam, 40 tuổi, HÀ NỘI)
- Ông Nhật: Bộ Công an đã có quy chế dân chủ, mọi hoạt động của công an đều đặt dưới sự giám sát của nhân dân. Nếu anh phát hiện sai phạm có thể thông tin tới chúng tôi qua đường dây nóng hoặc qua đường dây nóng trên các trang của công an tỉnh, thành phố. Chúng tôi cũng sẽ có kênh tiếp nhận ý kiến của người dân qua Facebook.
- Tôi thấy rất nhiều CSGT uống bia, rượu trước và sau ca trực. Vậy ai xử phạt và chế tài như thế nào với những người này khi họ tham gia giao thông? (Lê Văn Duyệt, 45 tuổi, phường 7, quận 3, TP HCM)
- Ông Nhật: Nếu anh thấy việc này thì có thể phản ánh tới chúng tôi. Quy định của Luật phòng, chống tác hại rượu, bia cũng như của ngành công an, đây là vi phạm của công chức. Ngoài xử lý vi phạm hành chính với người vi phạm, còn xem xét anh là đảng viên để xử lý về Đảng. Quy trình điều lệnh của ngành công an là cấm uống rượu, bia trong thời gian công tác hay nghỉ trưa.
- Ông Long: Tôi xin bổ sung, theo quy định của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, trước khi ra đường, tổ công tác phải có mặt ở đơn vị ít nhất trước 15-30 phút để chỉ huy và lãnh đạo trực tiếp kiểm tra từng cán bộ chiến sĩ về mặt điều lệnh công an nhân dân, cũng như điều kiện sức khỏe và các điều kiện khác. Làm vậy để đảm bảo cán bộ, chiến sĩ có đầy đủ công cụ hỗ trợ và điều kiện sức khỏe thực hiện nhiệm vụ.
- Tôi thấy nhiệm vụ chính của CSGT là "hướng dẫn, giúp đỡ những người tham gia giao thông", nhưng CSGT gần như bỏ qua mà chỉ tập trung "rình bắt và xử phạt". Ông nghĩ sao về việc này? (Nguyễn Trung Hải, 46 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)
- Ông Long: Chúng tôi không mong số tiền phạt tăng cao, việc xử lý vi phạm là để ngăn chặn tai nạn, tuyên truyền quần chúng nâng cao nhận thức. Mục tiêu lớn nhất, slogan của ngành là bình yên trên những tuyến đường. Tôi xin bạn hãy mở lòng, nhìn rộng ra một ngày không có CSGT thì các con đường sẽ hỗn loạn thế nào. Chúng tôi xem trách nhiệm, lương tâm phục vụ người dân cao cả hơn.
Nhiều người nghĩ lực lượng CSGT chỉ tập trung xử phạt vi phạm, nhưng nhiệm vụ khác của chúng tôi là đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn tính mạng người tham gia giao thông. Năm tới, chúng tôi còn là lực lượng nòng cốt đảm nhiệm nhiệm vụ dẫn đoàn tại kỳ họp ASEAN và kỳ họp Quốc hội.
Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện công tác tuyên truyền vì vi phạm bắt nguồn từ nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông. Trong một tháng, chúng tôi thường phải làm 1.000 tin tuyên truyền, khuyến cáo cho người dân trong những khoảng thời gian nhất định (như khi gần Tết).
- Với các cuộc liên hoan, chúc Tết hay ăn cưới, khi bị chúc rượu bia, các ông ứng xử như thế nào? (Nguyễn Hồng Trung, 43 tuổi, Đông Anh, Hà Nội)
- Ông Nhật: Tôi có những lúc uống rượu bia vui vẻ với bạn bè đồng nghiệp song những lúc đó phải được nghỉ. Khi uống, tôi không lái xe mà thường sử dụng phương tiện công cộng hoặc vợ tôi không uống rượu thì sẽ chở tôi.
Trước đây chúng ta cấm đốt pháo, nhiều người nói pháo là truyền thống; nhiều người phản đối không đội mũ bảo hiểm, rồi chúng ta cũng đã thành công. Ở đây Luật không cấm uống bia, rượu song cần thay đổi thói quen khi uống thì không điều khiển xe.
- Ông Long: Văn hóa giao lưu của người Việt Nam rất phổ biến, nhất là dịp lễ tết, liên hoan. Những dịp này, thức uống có cồn là lựa chọn không thể thiếu.
Tôi cũng như đồng nghiệp, khi được đào tạo trong lực lượng vũ trang, chúng tôi ý thức được mình là người thực thi pháp luật, thực hiện công tác tuyên truyền quần chúng. Ngay cả trước khi vào trường công an, tôi đã không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện.
Nhiều người nói Nghị định 100 xử phạt quá cao so với thu nhập người Việt Nam, nhưng tiền bạc có giá, còn có những thứ không thể dùng tiền mua được, lại liên quan tới những người tham gia giao thông khác. Cái giá này là quá đắt nên tôi luôn nhắc nhở đồng nghiệp sử dụng phương tiện giao thông khác khi đã uống rượu, bia, vừa bảo vệ mình, vừa bảo vệ những người xung quanh.
- CSGT có cam kết duy trì việc xử phạt nghiêm khắc người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn giống như việc xử phạt xe máy không đội mũ bảo hiểm, hay chỉ ra quân một thời gian rồi thôi? (Nhan Quoc Viet, 35 tuổi)
- Ông Long: Là lực lượng CSGT thủ đô, chúng tôi luôn đề cao vấn đề hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Bộ Công an giao phó. Dù chỉ góp một phần nhỏ, chúng tôi quyết tâm thay đổi nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông. Hiện, chưa có nhiều người ý thức được an toàn giao thông vì họ chưa nghĩ tới trách nhiệm của mình với xã hội. Chúng tôi mong nhận được sự đồng tình của người dân.
- Ông Nhật: Năm 2019, chúng tôi đã rất quyết liệt xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, mỗi ngày xử lý gần 500 trường hợp. Năm nay chúng tôi tiếp tục xử lý vi phạm nồng độ cồn và ma túy, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và dịp lễ hội đầu xuân. Chúng tôi chúc quý vị năm mới bình an, ra đường hãy tuân thủ pháp luật, không sử dụng rượu bia, đã uống thì không lái xe. Chúc mùa xuân bình an về với mọi nhà, mọi người.
VnExpress