Những ngày qua, từ quán cà phê buổi sáng, hay ở công ty, trưa đi ăn cơm, thậm chí tối ngồi ghế đá công viên tôi cũng nghe họ bàn nhau về việc người lái xe máy có nồng độ cồn trong cơ thể lớn hơn 0 sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 100 kể từ ngày 1/1. Đây được xem là vấn đề thời sự nóng hổi những ngày qua và dự vẫn còn xôn xao trong thời gian tới.
Tối qua, tôi đang ngồi ghế đá ở công viên hóng mát, bổng nhiên nghe những âm thanh tranh luận ồn ào phát ra từ quán nhậu của cô 8. Một thanh niên lớn tiếng nói, uống một lon bia giải khát, hay làm vài ly rượu xã giao thì có gì đâu mà phạt người ta đến tiền triệu. Giọng của một bạn nhậu khác trong bàn vang lên, thật vô lý, người ta ăn trái cây, uống nước ép trái cây có khi sinh ra nồng độ cồn trong máu, hơi thở ở mức nhỏ cũng bị phạt luôn, đúng là bó tay với quy định mới này. Rồi sau đó lời vào tiếng ra blah blah kéo dài, tựu trung lại là không đồng ý với quy định mới tại Nghị định số 100.
Thoạt đầu, người ta nghe cứ nghĩ những ý kiến đó là hợp lý, tuy nhiên, suy đến tận cùng của vấn đề thì chỉ là sự ngụy biện cho sở thích uống rượu bia nhưng thiếu trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của bản thân mình và người khác mà thôi.
Chuyện xử phạt người lái xe ôtô mà trong cơ thể có nồng độ cồn vượt quá 0 đã áp dụng từ lâu, thử hỏi có ai uống nước ép trái cây, ăn trái cây mà sinh ra nồng độ cồn trong máu, hơi thở và bị cảnh sát giao thông xử phạt hay chưa? Tôi chưa gặp người điều khiển giao thông nào bị phạt oan như thế, và cũng chưa từng nghe thấy đài báo nói về trường hợp nào như vậy.
>> Lái xe sau khi uống rượu bia bao lâu thì không phạm luật?
Lần này, Nghị định số 100 chẳng qua là mở rộng thêm phạm vi áp dụng từ người điều khiển xe ôtô sang cho người điều khiển xe máy và các phương tiện giao thông khác mà thôi. Bởi vậy, mọi người không nên lo lắng với trường hợp ăn trái cây, uống nước ép trái cây mà bị xử phạt vì trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn quá 0. Tôi tin trước khi ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019 và Nghị định số 100 này thì Bộ Y tế đã có tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho Cảnh sát giao thông để tránh xử phạt oan người dân.
Đối với người này uống một lon bia, làm vài ly rượu chỉ coi là giải khát, xã giao và không có vấn đề gì, nhưng đối với người khác thì có thể gây chóng mặt, đau đầu, không thể điều khiển phương tiện giao thông một cách chuẩn xác được. Nên pháp luật quy định chung cho tất cả mọi người như vậy là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với thực tiễn.
Pháp luật không hề cấm người dân uống bia giải khát, hay đi tiếp khách uống rượu, bia để xã giao..., mà chỉ cấm việc uống bia, rượu rồi nhưng còn điều khiển phương tiện giao thông. Nếu vì bản thân, công việc và người khác thì sau khi uống rượu, bia đừng có tự lái xe về nhà mà hãy đi taxi, xe buýt, xe ôm...
Sức khỏe và tính mạng con người là quan trọng nhất, nên việc nâng cao mức phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người là cần thiết nhằm đảm bảo đủ sức mạnh răn đe. Song, có trường hợp mức phạt lớn hơn giá trị của phương tiện giao thông sẽ phát sinh trường hợp người vi phạm sẽ bỏ lại phương tiện mà thoát thân, bởi vậy, rất cần có những quy định, hướng dẫn chặt chẽ từ cơ quan có thẩm quyền để tránh kẻ hở này.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.