Xung quanh ý kiến cho rằng 'Không ghi xếp loại lên bằng đại học sẽ bớt tiêu cực' nhiều độc giả chia sẻ:
Tôi ủng hộ không cần ghi xếp hạng trên bằng cấp. Tôi tốt nghiệp MBA của Mỹ đạt loại A cho tất cả 12 môn học nhưng trên giấy không hề ghi xếp hạng. Nếu ghi là tôi sẽ đạt loại A là Giỏi đấy. Nhưng tôi thấy đôi lúc lại ngại khi nhà tuyển dụng nhìn vào thấy hơi giống.. mọt sách.
Tôi làm việc cho tập đoàn đa quốc gia. Nhớ lại lúc làm bản résume (lý lịch trích ngang), họ mời phỏng vấn không hề hỏi bằng cấp. Lúc thử việc cho đến lúc làm chính thức khoảng hơn một năm sau, nhân sự mới nói bổ sung bản gốc để làm hồ sơ. Khi Tổng giám đốc phỏng vấn không hề nhìn vào bằng cấp, chỉ liếc trên cái résume rồi cứ thế bắt tay vào việc. Làm không tốt thì nghỉ, làm được thì tiếp tục.
Các bạn khiến tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều ý kiến muốn được ghi xếp hạng. Lý thuyết khác xa với khi thực hành mà các bạn. Điểm 10 trên lý thuyết khi đi thi thực hành quốc tế các thí sinh Việt Nam thường chỉ đạt ở mức 5. Ở vị trí là nhà tuyển dụng, nếu bạn muốn biết năng lực ứng viên qua giấy tờ thì luôn có bảng điểm của từng môn học nếu là ở Việt Nam. Như thế càng hiểu rõ điểm mạnh điểm yếu của ứng viên đó hơn.
Việc không ghi xếp hạng là điều bí ẩn thú vị đấy chứ. Đánh giá người khác qua thực tế tiếp xúc vẫn hay hơn.
Trước hết, các doanh nghiệp họ chỉ tuyển người làm được việc, sau đó khi làm được việc rồi họ mới tính tới bằng cấp. Nếu không có bằng thạc sĩ trở lên khó thăng tiến lên giám đốc lắm đấy. Bằng cấp vẫn rất quan trọng nhưng nó chỉ xét tới khi bạn làm được việc và có chỗ đứng trong công ty trước đã.
Theo tôi không cần ghi xếp loại bằng cấp trên đó. Khi chuyển sang việc quản lí hồ sơ ứng viên và học sinh/ sinh viên bằng công nghệ thông tin thì mọi thông tin chi tiết nhất về cá nhân nào đó sẽ dễ dàng tìm kiếm trên cơ sở dữ liệu quốc gia.
Ở những nước như Phương Tây, họ thừa sức điều tra hay tra ra được bạn tốt nghiệp loại gì. Tôi nghĩ việc không ghi loại tốt nghiệp trên bằng cấp là để giữ kín bí mật cá nhân cho công dân thôi.
Ở trường ĐH tôi học trước đây cũng không có công bố tổng điểm của các sinh viên, chỉ người nào biết điểm của người đó. Vì học bạ, điểm số,... là thông tin cá nhân của công dân và có tính bảo mật nhằm tránh những phân biệt, kì thị không cần thiết trong xã hội. Dù bạn chìa một tấm bằng không ghi xếp loại ra thì khi nhà tuyển dụng muốn biết họ vẫn có cách để tìm hiểu điều đó.
Tôi nghĩ ghi xếp loại tốt nghiệp đại học lên bằng hại nhiều hơn lợi và không cần thiết. Nhiều chứng chỉ quốc tế chỉ ghi đã vượt qua kỳ thi khóa gì đó, đôi khi có ghi thêm thì chỉ ghi tổng trung bình điểm thi hoặc tốt nghiệp thôi. Đó còn là vấn đề tế nhị. Các sinh viên trẻ vừa mới tốt nghiệp có thể mất tự tin khi đi xin việc hoặc phỏng vấn. Dù giỏi hay dở thì nhà tuyển dụng cũng đã hoạch ra sẵn các kiểu loại câu hỏi cho buổi phỏng vấn hoặc bài test kiểm tra sơ bộ. Đôi khi có công ty cho một bài tập dự án nhỏ về làm thử rồi nộp hôm khác lên thuyết trình lại là họ đủ biết khả năng thực lực của ứng viên.
Và quan trọng hơn hết vấn đề học tập và phát triển khả năng của mỗi con người luôn đi suốt đời, không chỉ dậm chân tại chỗ sau 4 năm học đại học. Việc xếp loại có thể bị phán một ''bản án học lực'' đi theo suốt đời. Chưa chắc người học giỏi ra đời lại làm việc tốt và giàu có hơn những người bị xếp loại thấp hơn. vậy thì có cần thiết phải ghi xếp loại vào văn bằng đại học nói riêng và nhiều văn bằng chứng chỉ khác nữa?
Xin khẳng định lại lần nữa ghi như vậy nhìn rất khó chịu cho những sinh viên nói chung. Vì biết đâu họ có những chứng chỉ khác ở trường khác rất tốt, ở trung tâm khác cũng không tệ vì học được học thêm các chứng chỉ đúng đam mê sở trường của họ, những gì mình ghi ra ở đây là kinh nghiệm từ bạn bè chia sẻ lại.
Xem nhiều trong ngày:
> Bệnh nhẹ thành nan y vì dùng thuốc không đúng chỉ định
> Tôi mất 15 phút dạy con bài Toán khó
> Tôi cắt giảm 90% đồ nhựa trong nhà
> Ly cà phê 100.000 đồng và những vị khách sành điệu của tôi
> 'Đúng quy trình' và những thiết kế ngớ ngẩn
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.