Sau bài viết Ô nhiễm không khí, 'sát nhân' thầm lặng trong thành phố, nhiều độc giả cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí đang báo động, mỗi người dân cần có hành động để cứu vãn tình hình:
Cách tốt nhất không phải là đợi người khác cứu, đợi người khác thay đổi để làm môi trường đỡ ô nhiễm. Mà là bản thân chúng ta phải thay đổi, để đóng góp vào môi trường chung. Mỗi nhà hãy trồng thêm cây xanh trên tầng 3 hoặc ban công, chăm sóc tốt hơn những cây xanh trước cửa nhà. Ra đường dùng khẩu trang ngăn được bụi mịn. Về nhà dùng thêm máy lọc không khí. Bớt một bữa nhậu, bớt một buổi cafe. Đừng khi nằm trên giường bệnh mới thấy thấm.
Chế tài xử phạt ô nhiễm môi trường vẫn còn quá thấp, quy định vẫn chưa nghiêm. Công trường thì ngổn ngang không che chắn, không tưới phun vào vật liệu khi bốc dỡ để tránh bụi.
Đốt rơm rác thì vô tôi vạ, chả ai để dân ngoại thành đốt rơm rạ hun cả thành phố bao nhiêu năm mà không ai ý kiến gì. Cây cối thì không còn một bóng, chặt thì chặt đan xen thôi đằng này hạ một loạt. Đường trước cửa nhà mặc kệ chẳng ai quét. Bụi không ngập thành phố mới là lạ.
Chúng ta phải có chế tài răn đe hơn nữa. Phải đưa vào quy định chứ không thể hô hào được, hô hào không ai nghe.
Tôi không biết từ bao giờ, đội vệ sinh môi trường cứ nhắm vào cái giờ cao điểm nhất là làm việc. Xe di chuyển thì không bịt bạt, hoặc cho có, mùi xú uế bốc lên nồng nặc từ chính xe đó hoặc những dòng nước thải chảy lếnh láng từ gầm xe xuống đường. Xa lắm rồi cái thời chị lao công đêm đông quét rác. Do đó, nên quy hoạch lại cái giờ thu gom rác sao cho hợp lý.
Sau khi biết được nguyên nhân gây ô nhiễm không khí rồi, liệu người dân và các nhà quản lý có giám thay đổi để khâc phục các nguyên nhân đó không. Ví dụ như việc di dời các nhà máy gây ô nhiễm, siết chặt quy định về môi trường với các công trình xây dựng, hạn chế xe cá nhân, thay thế phương tiện công cộng ô nhiễm... Hay tất cả chỉ biết xong lại để đó, người dân không muốn từ bỏ lợi ích từ phương tiện cá nhân, doanh nghiệp không muốn di dời ... sẽ chẳng có gì thay đổi cả.
Đối với người dân:
1. Hạn chế tối đa việc sử dụng xe máy.
2. Hạn chế sử dụng túi nilon. Đi chợ mang theo giở nhựa để đựng và để tái sử dụng cho các lần sau.
3. Trồng nhiều cây xanh trước nhà, trên sân thượng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.