Trước việc người dân ngoại thành đốt rơm rạ làm khói phủ trắng cửa ngõ Hà Nội, nhiều độc giả VnExpress cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại thủ đô xuống thấp tới mức báo động như thời gian vừa qua:
Tôi làm việc và sinh sống ở một vùng quê, rất bức xúc với việc người dân đốt rơm rạ vào những ngày mùa. Tối đến mở cửa thì khói lùa vào nhà không thoát ra được, người trong nhà thì cứ như khóc, mắt thì đỏ hoe, mũi thì sụt sịt, bực không thể tả được. Đấy là nhà tôi còn cách cánh đồng chừng hơn 1km. Còn đi xe ra đường thì không nhìn thấy đường do khói, rồi mắt thì chực trào nước mắt, mũi thì không ngạt nhưng cũng không thở nổi, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao...
Thiết nghĩ chính quyền nên có tuyên truyền, vận động người dân nên dùng phân vi sinh để ủ làm phân bón, nếu gia đình nào vi phạm, vẫn đốt rơm rạ thì phạt. Còn địa phương nào để đốt rơm rạ thì trước tiên xử lý trưởng thôn, sau đến chủ tịch xã, chứ không thể để thế này được. Thế giới thì gồng mình chống ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu, còn ta thì vô tư phá hủy với trăm ngàn lý do.
Thành phố Hà Nội đang bị ô nhiễm khói, bụi nghiêm trọng, tại sao người dân lại góp phần gây tăng thêm ô nhiễm? Mỗi khi sau mùa thu hoạch hoặc cận Tết là người nông dân lại đốt rơm rạ, đốt rẫy; hành động này gây ra ô nhiễm không khí các khu dân cư và cũng thường gây ra cháy rừng.
Để hạn chế việc đốt này, cần vận động người dân đầu tư thiết bị thu hoạch rơm rạ dùng cho chăn nuôi hoặc băm nhỏ trả lại đồng ruộng, nương rẫy thay vì đốt. Cần có tiến trình vận động và tiến tới sẽ quy định cấm hẳn việc đốt như hiện nay. Phát triển nền nông nghiệp tiên tiến cũng nên khuyến khích đầu tư ngành nghề mới, có những doanh nghiệp chuyên xử lý thuê những phế liệu do sản xuất nông nghiệp thải ra.
Phân tích đơn giản để biết đây là nguyên nhân chính đợt này Hà Nội có chỉ số đột biến:
- Mùi của bụi Hà Nội đợt này là mùi khét.
- Màu của bụi đợt này giống khói.
- Cứ đến cuối giờ chiều đến tối là chỉ số tăng đột biến trùng hợp với thời gian bà con đốt rơm rạ. Đáng lẽ buổi tối xe cộ ít hơn, thời tiết mát mẻ hơn thì phải trong lành hơn buổi trưa.
- Nhớ lại mấy năm gần đây, hoặc mới hồi tháng 6, cứ đến mùa gặt là Hà Nội mù mịt như thế này. Trước đây, chưa có nhiều điểm đo và ứng dụng hiển thị nên dân ít kêu.
- Cháy rừng ở Indonesia gây ô nhiễm sang tận các nước láng giềng. Rơm rạ đốt cả miền Bắc khác gì cháy rừng không?
Có bạn sẽ bảo bao đời nay vẫn thế: thế bao đời nay có máy đo không, bạn hít quen không có nghĩa là nó sạch. Trước đây có đốt nhiều thế này không? Vì rơm trước đây dùng nhiều việc khác. Trước đây đồng lúa có năng suất cao như giờ không?
Dân ngoại thành Hà Nội tự huỷ hoại môi trường của mình và "tiêu diệt" những người sống trong nội thành bằng việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch vụ lúa. Và sẽ còn bị ô nhiễm nhiều năm nữa nếu không có chính sách, chế tài cụ thể thu gom, và tiêu thụ rơm, rạ giúp người nông dân.
Việc ngưng đốt rơm rạ thôi cũng cần kỹ thuật cao sao? Chẳng cần phải phức tạp, trồng nấm hay xuất khẩu làm thức ăn gia súc như mấy nước phát triển khác, chỉ cần ủ đem làm phân bón hữu cơ thôi cũng đỡ rồi. Có thể chẳng lời hơn các giải pháp khác, nhưng cũng chẳng tốn kém gì. Bao năm nay bị nói là nguyên nhân trực tiếp góp phần phá hoại không khí sạch của bao nhiêu người mà vẫn ngoan cố làm theo thói quen chứ không chịu thay đổi. Nghèo thì nghèo cũng sống sao cho đỡ chứ.
Thiếu gì giải pháp. Có phải chuyện mới gì đâu. Các cơ quan tuyên truyền cũng đã làm rồi, các cơ quan quản lý cũng đi vận động rồi. Trồng nấm, làm thức ăn cho gia súc rồi đem bán (nơi tôi ở họ bán hàng trăm tấn/ năm) hay đơn giản dùng chế phẩm sinh học gì đó để làm phân bón hữu cơ. Giá mềm, thậm chí mềm hơn phân bón khác. Nông dân nhiều nơi họ làm rồi. Có nông dân ở đây bảo thủ thôi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.