Tác giả Lương Cân Liêm, TS. BS Tâm lý học, Đại học Paris V chia sẻ thực trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam:
Tình trạng "không khí Hà Nội ô nhiễm" khiến nhiều người tự đặt câu hỏi: Không khí tôi đang hít thở là không khí của tôi hay là không khí của chung? Hoặc chỉ là không khí của bầu trời, dù như thế nào chúng ta cũng phải chịu đựng để sống. Nói cách khác, trước tình hình biến đổi khí hậu với những hậu quả khôn lường của nó, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Ai biết gì và biết đến đâu? Ai làm gì cho ai và cho xã hội để giải quyết tình hình và chuẩn bị cho tương lai của thế hệ sau?
Thứ nhất, chúng phải nhận thức được rằng sinh hoạt phát triển của con người là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng ô nhiễm môi trường. Tất cả các mô hình phát triển kinh tế và xã hội đến giờ đều quá cũ và cần phải thay đổi. Điều đó nói lên trách nhiệm chính của con người đối với môi trường và mỗi người có nhiệm vụ suy nghĩ đến tương lai trong địa bàn của mình. Thứ hai, phải nâng cao ý thức cá nhân, biết nhận phần trách nhiệm của mình trong việc tìm ra những giải pháp chung cho tình hình. Và điểm quyết định để "mở khóa" cho hai yêu cầu trên là: không giáo điều, sống xa thực tế, biết phê bình và sửa sai. Chỉ có như vậy mới có thể khai trí cho những biện pháp mới trước tình hình mới.
Đặt câu hỏi "cái riêng là gì?" là hỏi con người về tính cục bộ, ích kỷ, hẹp hòi, thu lợi. Xa hơn là các vấn đề về đạo lý và đạo đức của con người và trong kinh tế xã hội. Cũng tự hỏi thêm: Vì sao các vấn đề luân lý này được rất nhiều nơi nói đến nhưng không có kết quả đáng kể? Tư tưởng "không phải lỗi tại tôi mà lỗi người khác" quá phổ biến, cũng giống như bạn quét rác nhà mình ra đường mà không dọn ngõ hẻm cho sạch. Bạn sẽ tự đem rác vào nhà nếu bạn không có tinh thần trách nhiệm đối với môi trường sống. Vấn đề là gương mẫu, tin tưởng trong xã hội và lý tưởng cao nhất.
>> Tôi bỏ việc về quê vì không thở nổi khi ra đường Sài Gòn
Trả lời cho câu hỏi "cái chung là gì?", hãy trở về giai đoạn "đổi mới" của đất nước. Đổi mới kinh tế là đổi mới tư duy; đấy là biện chứng. Nói một cách chính xác hơn, nội dung "làm chủ đất nước" là "làm chủ môi trường". Đây là một cách đặt vấn đề để xây dựng một nội dung đoàn kết mới, có trật tự mới xa hơn và khác hơn các nội dung của thời sau chiến tranh nói về "làm chủ tập thể". Trước các vấn đề mới do biến đổi khí hậu đem lại, các vấn đề làm chủ môi trường và đời sống riêng sẽ gặp nhiều mâu thuẫn và dẫn đến xung đột về quyền lợi. Để cá lớn nuốt cá nhỏ sẽ tạo ra một không khí bất ổn.
Chấp nhận với "biến đổi tự nhiên" là chấp nhận bị động với chủ trương "vừa làm, vừa gỡ, vừa sửa sai", "tới đâu hay tới đó",... Biến đổi khí hậu là mức nước dâng lên: Đồng bằng Sông Cửu Long mất 10-15% đất và diện tích đất còn lại sẽ bị nhiễm nước lợ. Người dân sẽ đi đâu? Tại sao Jakarka đang dời đô; New-York đang xây đê, xây vách; thủ đô của Myanmar đã chuyển vào đất liền?
Nói tóm lại, chúng ta chưa có một câu trả lời dứt khoát, thống nhất về hậu quả của mức nước biển dâng lên. Nhưng muốn có được những trả lời đó thì cần những điều kiện mới để dân làm chủ, có ý thức cao trong phân chia trách nhiệm cá thể và tập thể. Cụ thể nhất là để cải thiện tình hình biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng thì mỗi người phải biết nhận thức và thay đổi tư tưởng, hành vi. Thử hỏi, khi ô nhiễm thành phố ở mức báo động thì có ai chịu "trở về" và đi xe đạp một buổi không? Thử hỏi hàng loạt thanh niên bỏ Đồng bằng Sông Cửu Long "trốn" lên vùng trung nguyên thì địa phương sẽ thế nào? Khi nhiệt độ nóng quá thì còn ai đủ sức làm việc, lao động?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.