Thời gian qua, những vụ tiêu cực trong ngành giáo dục khiến chúng ta không khỏi giật mình. Gian lận thi cử ở Hà Giang, Hoà Bình, những vụ xâm hại tình dục học sinh của các thầy giáo ở Hà Nội, Lào Cai, Bắc Giang, hay vụ nhóm học sinh đánh bạn phải nhập viện ở Quảng Bình... khiến cho bức tranh giáo dục càng trở nên nặng nề. Đặc biệt, nó càng làm cho nhà giáo cô đơn hơn trên bục giảng.
Giáo dục đang nhận được quan tâm đặc biệt của cộng đồng. Đó là tín hiệu đáng mừng với sự nghiệp trồng người vốn được xem nền tảng cho sự phát triển. Tuy nhiên, sự quan tâm ấy lại kéo theo những mảng tối của giáo dục và nỗi buồn cho những người thầy.
Chẳng còn gì đáng buồn hơn khi giáo viên trở thành tâm điểm của dư luận vì gian lận thi cử, xâm hại tình dục trẻ em, bạo hành học đường... Những thứ mà dù đứng ở góc độ đạo đức xã hội hay pháp luật cũng đều khó có thể dung thứ. Đây là hồi chuông cảnh báo cho sự xuống cấp về đạo đức nhà giáo. Nó đòi hỏi các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách cần có những điều chỉnh để nâng cao đạo đức người thầy.
>> Đánh tay, véo tai là trái luật, giáo viên làm gì để phạt học sinh hư?
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, chúng ta có thể cảm nhận được sự cô đơn của các thầy cô khi bị chính phụ huynh và học sinh của mình chỉ trích, mỉa mai về công việc, đồng nghiệp. Cũng bởi trường học đang dần biến thành cái chợ - nơi mà các dịch vụ bán sách, bán giấy, bán sữa, bán bảo hiểm, du lịch... hoạt động ngày càng nhộn nhịp; nơi mà thầy cô giáo trở thành những người bán sách "không giảm giá" trong khi ngoài thị trường có thể được giảm đến 20% giá bìa. Với thực trạng như thế, chuyện phụ huynh hay thậm chí chính học sinh coi thường thầy cô là điều vô cùng dễ hiểu.
Tôi cũng là một nhà giáo và cảm thấy rất buồn khi phụ huynh của một học sinh giỏi mà tôi dạy nói rằng: "Cháu nó bảo nó ghét nghề giáo viên lắm thầy ạ". Khi nghề giáo bị "ghét" thì lấy đâu ra sự tôn trọng với người thầy?
Không chỉ vậy, thầy giáo còn đang là nạn nhân của căn bệnh thành tích, bệnh hình thức - căn bệnh thâm căn cố đế của ngành giáo dục. Hàng chục loại sổ sách, hàng trăm loại hồ sơ mà ai cũng biết "làm chỉ để cho có" nhưng vẫn phải làm, khiến giáo viên mệt mỏi. Ai ở trong ngành giáo dục cũng biết, những loại sổ sách như: sổ tự học tự bồi dưỡng, kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, kế hoạch giảng dạy và ghi chép chuyên môn... chỉ được làm khi có đoàn kiểm tra.
>> 'Giáo viên không dám nghiêm khắc, học sinh còn bị đánh hội đồng'
Ngoài ra, cái gọi là "chỉ tiêu kế hoạch" thực chất là để phục vụ cho "thành tích" của nhà trường, của Phòng, của Sở. Và người thầy vô tình trở thành kẻ thực thi những kế hoạch, những chỉ tiêu đã được "vẽ" ra từ đầu năm. Tất nhiên, chẳng ai dại gì mà "không đạt chỉ tiêu" bởi nó liên quan đến thành tích, đến thi đua của chính bản thân mình.
Lương thấp, chế độ đãi ngộ thấp cũng khiến cho vị thế của người thầy không còn được tôn trọng như trước nữa. Giáo viên trở thành kẻ yếu thế, nghèo túng về tiền bạc, eo hẹp về vị thế trong xã hội. Bị bủa vây bởi bệnh hình thức, bệnh thành tích, ánh mắt soi mói, mỉa mai của cộng đồng, sự "sòng phẳng" đến phũ phàng của phụ huynh và học sinh,... chưa lúc nào nhà giáo cô đơn và đáng thương như lúc này!
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.