Chúng ta sinh ra và lớn lên trong tiếng thon thả của "giọt đàn bầu" nên thơ nhưng cũng thấm đầy những tư tưởng thực tế kiểu "cá không ăn muối cá ươn", "trứng đừng khôn hơn vịt"... Cá không ăn muối chắc chắn ươn, nhưng con không nghe lời chắc gì con hư? Thật nực cười khi đâu đó vẫn có người còn tự hào: "Truyền thống tốt đẹp của chúng ta là trên bảo dưới nghe". Nhưng chúng ta không phải là "thánh" để lúc nào cũng đúng. Chúng tôi hay nói vui với nhau đây là văn hóa "chim vành khuyên", gọi dạ bảo vâng.
Ở phương Tây, trẻ em biết tất cả, còn ở ta người lớn biết hết. Không phải trẻ em của họ giỏi hơn con em chúng ta, mà chỉ đơn giản chúng được tôn trọng, được coi là trung tâm. Khi trẻ có chính kiến, người lớn sẵn sàng nghe. Nếu đúng thì họ khuyến khích và khích lệ.
Nhà khoa học Thomas Edison từng bị coi là "thiểu năng trí tuệ" và không thể tiếp tục học trong ngôi trường bình thường. Nhưng nhờ tình thương, sự khéo léo trong cách dạy con của người mẹ mà chúng ta đã có một thiên tài. Tôi nhớ có một cậu bé 9 tuổi viết thư cho NASA để xin việc và bảo vệ dải Ngân Hà. Một bức thư của trẻ con nhưng vẫn được trả lời rất cầu thị. Ở ta thì tôi tin cậu bé đó sẽ bị đem ra làm trò cười, may mắn hơn thì cũng chẳng ai quan tâm một bức thư như vậy. Chúng ta luôn coi trẻ con là không biết gì hết, còn người lớn biết tất cả, quyết định tất cả mà không quan tâm đến suy nghĩ của con trẻ. Chúng ta vô tình biến chúng thành những con rối hay chiếc bánh rập khuôn. Những con người chỉ biết cúi đầu, thiếu tư duy vì thế mà hình thành.
Vụ việc một giáo viên cấp hai ở Quảng Bình ra lệnh cho 23 học sinh tát bạn 230 cái và cô tát một cái chỉ vì em học sinh này nói bậy đã từng khiến dư luận bàng hoàng. Tôi tự hỏi trong 23 học sinh ấy có em nào dám không nghe lời cô dù biết tát bạn là không đúng? Nhưng chắc chắn trong thâm tâm, không ít em không muốn thực hiện hành động đó.
>> 'Con tôi nghe lời vì sợ bị đánh chứ không hiểu chúng sai chỗ nào'
Nói đến đây tôi lại nhớ kỷ niệm thời học phổ thông, một bạn học sinh trong lớp tôi đã bị thầy mắng như tát nước vào mặt chỉ vì dám cãi lời. Đó là một tiết học văn lớp 12, bàn về cách dùng từ trong một đoạn thơ lục bát trong Truyện Kiều. Ai cũng biết để thành thơ thì phải tuân thủ theo quy tắc vần sáu tám và cậu bạn đó lập luận rằng: "Nguyễn Du dùng từ này vì ông buộc phải theo vần với từ ở trên". Bản thân tôi cũng thấy câu trả lời có lý nhưng không đủ can đảm để ủng hộ bạn. Cả lớp chỉ im như tờ. Giá như lúc đó, thay vì phũ phàng phủ nhận và nổi giận, thầy đáp lại: "Thầy đồng ý với em là đại thi hào phải chọn một từ cho vần, nhưng cũng có biết bao nhiêu từ cùng vần ấy, sao tác giả lại chọn được một từ hay như thế?", có lẽ mọi chuyện đã khác đi rất nhiều.
Sau này, người bạn đó được du học tại một nước phát triển nhất của phương Tây, còn tôi ngoan ngoãn học Y trong nước theo lời người lớn: "Nhất Y nhì Dược". Cũng do hai cách giáo dục ấy mà chúng tôi đã rất khác nhau, một người là tiến sĩ tại Mỹ trong người còn lại chỉ là một bác sĩ quèn, sống vất vả qua ngày.
Sinh viên ta ra nước ngoài phần lớn đều kém năng động so với sinh viên quốc tế, không dám bày tỏ chính kiến dù đang ở nơi mà phản biện được khuyến khích. Vì chúng ta vốn được dạy dỗ theo một cái khuôn từ nhỏ. Phải thừa nhận sinh viên Việt học rất tốt và giỏi thuộc bài, nhưng đến khi nghiên cứu, thực hành, chúng ta đều tỏ ra đuối sức vì thiếu đi sự sáng tạo. Biết bao học sinh ta đoạt giải cao quốc tế nhưng cũng không đếm xuể số đề tài khoa học, luận án tiến sĩ chỉ để trong thư viện vì không có tính sáng tạo và không áp dụng được trong thực tế.
Các công ty lớn trên thế giới đều thành công nhờ những sáng tạo riêng. Nếu không có tư duy lạ, dám nghĩ khác truyền thống thì làm gì có Apple, Facebook... Cái mới không phải lúc nào cũng đúng và được ghi nhận. Cả triệu công ty công nghệ được thành lập mới có một vài công ty tồn tại và phát triển. Nhưng có điều chắc chắn rằng, nếu không dám tư duy đột phá thì sẽ không có một công ty nào tồn tại.
>> 'Mẹ tôi hối hận vì không ra nước ngoài để con được cầm bút bằng tay trái'
Định kiến xã hội thường đúng cho một xã hội nào đó, trong một giai đoạn lịch sử nhất định, vì những thứ ấy đã được đúc kết, được kiểm chứng và đã được chọn lọc theo thời gian. Một xã hội tồn tại phải dựa trên các quy tắc. Và các quy tắc này được viết thành văn bản là luật và dưới luật (lệnh, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết, thông tư...). Tuy nhiên, không phải điều gì cũng có thể đưa ra thành văn bản được và đó là vai trò của đạo đức. Ngay cả luật cũng phải thường xuyên thay đổi và luôn có sự khách biệt giữa các quốc gia, vậy chuẩn mực đạo đức có chắc sẽ trường tồn?
Tôi không nghĩ có thể làm thay đổi suy nghĩ của cả xã hội qua một bài viết, nhưng chỉ hy vọng sẽ có nhiều người đồng cảm với tôi rằng: "Không nghe lời chưa hẳn là hư".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.