Năm 2018 về trước, Hà Nội có chương trình sửa "nói ngọng L thành N" và đã đạt được thành công nhất định, ít nhất cũng tạo được ý thức cho lớp học sinh nhỏ tuổi nói ngọng biết sự cần thiết phải sửa "nói ngọng L thành N". Để gìn giữ sự khác biệt các âm của chữ cái Việt mà quá trình hình thành chữ Việt hiện nay đã dày công tạo ra cho chúng ta sử dụng thì cũng nên sửa "nói S, R, Tr thành X, Gi, Ch".
Theo sử liệu thì chữ Quốc ngữ (chữ Việt) bắt đầu phôi thai từ năm 1533, và trải qua gần 4 thế kỷ nghiên cứu cải tiến, mãi dến thế kỷ 20 mới hoàn thiện như chữ Việt hiện nay đang sử dụng. Trong bảng chữ cái có 21 phụ âm với 16 phụ âm đơn và 5 phụ âm ghép. Mỗi chữ cái phu âm đều có một âm riêng biệt, ngoại trừ các cặp chữ cái G và Gh, Ng và Ngh, C và K, D và Gi (trường hợp âm D gộp vào âm Gi là trường hợp tiếng Việt ngày nay đã đánh mất hoàn toàn âm cổ của chữ D).
Tiếng của thủ đô một nước thường được xem là tiếng chuẩn của quốc gia đó. Vậy thì phát âm R, Tr, S là Gi, Ch, X có phải là phát âm của người Hà Nội gốc hay không? Nhân dịp kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ Hoàng Vân, đài truyền hình có phát bộ phim tài liệu về cố nhạc sĩ. Gia đình nhạc sĩ là một gia đình điển hình gốc Hà Nội với cha và ông nội là những nhà Nho, đã sống ở phố Hàng Thùng từ thế kỷ 19 đến nay. Bộ phim đã cho ta nghe tiếng nói của người Hà Nội gốc là nhạc sĩ, vợ, các con và các cháu. Tất cả đều nói chuẩn âm của R, Tr, S mà không nói đớt thành Gi, Ch, X. Chữ R âm Việt có thể như âm chữ R tiếng Anh, Pháp, nói hơi rung lưỡi như vùng Thái Bình, hoặc không rung lưỡi như âm chữ J tiếng Anh, Pháp. Chữ Tr âm Việt có thể như âm chữ Ch tiếng Anh nhưng phát âm nhẹ hơn. Chữ S âm Việt không có âm như chữ S tiếng Anh, Pháp, mà như âm chữ Sh tiếng Anh, hay như chữ Ch tiếng Pháp.
Hiện nay có rất, rất nhiều người Hà Nội khi phát âm R, Tr, S nói thành Gi, Ch, X nên bị ngộ nhận đó là tiếng chuẩn của tiêng Việt. Khi phát âm X, Gi, Ch thì âm gió phát ra nhiều, trong khi phát âm R, Tr, S thì hơi gió bị kìm giữ trong miệng, lưỡi hơi cong lên vào, có thể gây khó chịu cho người nói, nhất là cho người phải phát âm nhiều, hơn nữa âm gió phát ra mạnh lại được người nghe chú ý hơn. Cho nên đại đa số các nghệ sĩ như ca sĩ, diễn viên hoặc các MC của đài truyền hình đều dùng âm Gi, Ch, X thay cho âm R, Tr, S. Những nhân vật đó đều là những người tiếp xúc nhiều với khối công chúng rộng lớn nên đã quảng bá cách phát âm R, Tr, S thành Gi, Ch, X. Có nhiều bạn trẻ ở vùng quê gốc phát âm chuẩn âm R, Tr, S khi về sống ở thủ đô cũng nói thành Gi, Ch, X cho có vẻ sành điệu.
Lý do nên sửa "nói R, Tr, S thành Gi, Ch, X":
1. Nói đớt gây khó cho các cháu mới bắt đầu học chữ Việt: Chữ S thay vì đọc "sờ", cô giáo nói đớt giảng đây là chữ "sờ nặng", chữ Tr thay vì "trờ" là chữ "trờ nặng". Không biết chúng có nặng không nhưng các cháu hẳn phải nặng đầu.
2. Gây khó cho người nước ngoài học tiếng Việt: Tiếng Việt có đến 6 thanh (ngang, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng), còn tiếng nước phương tây chỉ có duy nhất thanh ngang. Nếu như họ học 6 từ Việt: ra, rà, rá, rả, rã, rạ thì với họ chỉ đọc là "ra". Nếu như nói đớt dạy họ thì 6 từ đó họ chỉ đọc là "gia’ mà thôi. Rồi đến 9 từ gia, già, giá, giả, giã, da, dà, dã, dạ họ cũng chỉ đọc là "gia" tất. Sáu thanh đã làm họ bối rối khi có 6 từ đồng âm dị nghĩa, nói đớt đã làm cho họ có đến 15 từ đồng âm dị nghĩa!
3. Gây hiểu lầm với từ khác nghĩa: Từ "chia sẻ" đọc là "chia xẻ" có thể làm cho viết sai. "Sẻ" và "Xẻ" là hai động từ thể hiện 2 hành động hoàn toàn có nghĩa khác nhau (ví dụ: "nhường cơm sẻ áo", "máy xẻ cây gỗ ra nát vụn").
4. Quảng bá "nói R, Tr, S thành Gi, Ch, X" gây nguy cơ mất âm gốc của R, Tr, S: Lịch sử tiếng Việt đã chứng kiến âm gốc của chữ D mất đi và nhập vào âm chữ cái Gi. Ai đã từng được nghe các cụ sinh cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nói các từ như "da", "do", "dân" ... thì chữ cái D của tiếng Việt có âm như phiên âm quốc tế là ð, na ná âm chữ Đ, nhưng phát âm gần với âm của chữ cái Gi. Vì cách phát âm "cổ" của chữ D (phiên âm như ð) không thuận lợi như phát âm chữ Gi nên âm gốc của chữ D đã "chết" hẳn. Lẽ nào giờ đây ta lại để cho âm gốc của R, Tr, S cũng sẽ "chết" đi như vậy?
Khi học tiếng Anh, tiếng Pháp ta được thấy một số chữ cái còn có đến hai âm hoàn toàn khác nhau. Ví dụ ở tiếng Anh chữ cái Th có 2 âm, phiên âm là ð (như That, This) và θ (như Thing, Thick); ở tiếng Pháp chữ cái S có 2 âm, kể cả ở trong 1 từ như Saison (phiên âm tiếng Việt: "xe giô,ông"); và người Anh người Pháp rất tôn trọng quy luật phát âm nên không bao giờ gộp 2 âm của chữ cái đó làm một. Thế thì cớ gì ta lại gộp 2 âm của 2 chữ cái riêng biệt lại làm một để cho âm của tiếng Việt nghèo nàn và từ đồng âm dị nghĩa tăng lên rất nhều khiến cho tiếng Việt trở thành thứ tiếng rất khó hiểu đối với quốc tế.
Nên sửa "nói S, R, Tr thành X, Gi, Ch" và tôn trọng sự rành mạch của các âm chữ cáiViệt.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.