Cứ khoảng 17h là xóm trọ của tôi ồn ào, náo nhiệt hẳn. Xóm trọ chỉ có khoảng chục phòng nhưng có đến 5, 6 trẻ là con của những cặp vợ chồng trong khu. Giờ chiều, các cháu được đón về từ lớp học rồi tụ tập ra sân chơi với nhau trong lúc chờ cha mẹ nấu cơm. Các bà đút cơm cho cháu nhỏ, cháu lớn hơn thì ngóng cha mẹ đi làm về.
Do là xóm trọ bình dân, kinh tế không dư giả nên với những đứa trẻ chưa đến độ tuổi đến trường (dưới 13 tháng tuổi) thì sự chăm sóc là do mẹ chúng nghỉ việc ở nhà hoặc bà từ quê lên chăm. Cá biệt có trường hợp gửi con về quê cho ông bà.
Lương của các cặp vợ chồng mỗi người suýt soát 7-8 triệu đồng mỗi tháng, trong khi chi phí giữ trẻ nhỏ tuổi khá cao so với thu nhập nên nhiều cặp vợ chồng chỉ có hai lựa chọn như trên. Gần đây cũng có thông tin bảo mẫu hành hung trẻ nên một số phụ huynh sau khi suy đi tính lại thì chọn phương án một người nghỉ ở nhà (thường là phụ nữ) để chăm con.
Khi không thoả thuận được ai sẽ nghỉ việc ở nhà chăm con, hoặc đặc thù nghề nghiệp nếu nghỉ thì sau này khó tìm việc thì nhờ đến sự trợ giúp của ông bà. Thế nhưng làm vậy sẽ bị mang tiếng là "đánh cắp thời gian của người già", "sao không để cho ông bà nghỉ ngơi".
Việc nuôi dạy con cái là công việc quan trọng và đòi hỏi nhiều thời gian vì những năm tháng đầu đời ảnh hưởng nhiều đến tương lai phát triển của trẻ. Thế nhưng trông con trở thành một vấn đề lưỡng nan mà các cặp vợ chồng đau đầu suy tính. Tôi nghĩ cần có những chính sách quan tâm hơn đến vấn đề này. Tâm lý ngại đẻ, sợ đẻ chỉ vì việc trông con, khiến dân số suy giảm (cả chất và lượng) thì thật không đáng.
Minh Đức
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.