Bài viết của tác giả Nguyễn Quốc Vương - nhà giáo, dịch giả, đang sống ở Bắc Giang:
Sáng đi xe buýt tôi thấy đường Hà Nội không hề tắc, đường thông hè thoáng, các xe đỗ lấn chiếm lề đường, các đống rác trước cửa nhà cũng không có. Sạch sẽ nhất là khu vực bến xe Long Biên và các vườn hoa phụ cận. Những chỗ này bình thường đầy rác rưởi, xe cộ đỗ lung tung và bốc mùi khủng khiếp.
Sao thế nhỉ? Tôi dụi mắt mấy lần. Chuyện gì đang xảy ra đây? Chẳng lẽ qua một đêm mọi thứ đã thay đổi vậy sao? Mất mươi giây tôi mới nhớ ra là tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau ở Hà Nội. Mọi thứ thay đổi trong chớp mắt.
Điều này cũng nói lên rằng nếu muốn và quyết tâm nhiều việc khó sẽ thành dễ. Nó cũng nói lên rằng bình thường có nhiều quan chức, công chức, viên chức đã ngủ gật hoặc sáng cắp ô đi sáng cắp về mà không làm hết công việc, trách nhiệm của mình.
Suy nghĩ bần thần tôi chợt nhớ đến mỗi lần nhà tôi có khách hay bố mẹ chồng ra chơi, vợ tôi lại giục tôi và tự tay hối hả lau chùi, quét dọn nhà cửa, sắp xếp mọi thứ. Trong thời gian có khách, vợ tôi cũng ít quát con và với tôi cũng chỉ dừng lại ở mức lườm nguýt là cùng.
Thế giới của gia đình tôi đã thay đổi hoàn toàn.
Vô cùng dễ chịu.
Ở góc độ gia đình, hiện nay các học giả, các nhà hoạt động xã hội cũng đang kêu gọi mở cửa các gia đình trước vấn nạn bạo lực gia đình và các bi kịch khác đặc biệt là ly thân và ly hôn.
Một trong những lý do gia đình đứng trước thử thách là tình trạng đóng kín của nó. Khi gia đình truyền thống tan vỡ và các gia đình hạt nhân hình thành, không gian riêng tư của gia đình được bảo vệ. Nó cũng có mặt tốt nhưng cũng có nguy cơ tạo ra bi kịch mới. Những bi kịch gia đình, bạo lực đã xảy ra vì không có sự giám sát, ngăn ngừa của những người có ảnh hưởng như ông bà, họ hàng. Những kinh nghiệm xử thế đã không được kế thừa. Những sự cân nhắc nhất định đã không còn trở nên cần thiết giữa vợ và chồng.
Gần đây, nếu đọc các sách viết về gia đình hiện đại của nước Nhật, ta sẽ thấy có một trào lưu giới trẻ sống cùng cha mẹ hoặc sống gần cha mẹ sau khi đã trưởng thành hoặc kết hôn. Một phần vì lý do kinh tế, nhưng một phần khác có vẻ như họ nhận ra "truyền thống" không hẳn là thứ vứt đi.
Đọc báo, quan sát sự vận hành của các gia đình hạt nhân ở đô thị và các vụ án gia đình gần đây, tự nhiên tôi nhớ đến lý thuyết trên-lý thuyết về "gia đình mở" trong xã hội hiện đại.
Như vậy, để có sự thay đổi tích cực, sự thăm viếng thường xuyên của các vị khách bên ngoài có vai trò rất quan trọng.
Xét trên bình diện quốc gia ở góc độ lịch sử ta cũng thấy như thế, mỗi khi Việt Nam mở rộng tầm bang giao, mời nhiều khách đến thăm, Việt Nam có tiến bộ và ngược lại.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.