Câu chuyện về khoa cử sạch và gian lận thi cử thu hút nhiều ý kiến cho rằng, căn bệnh thành tích trong giáo dục đến từ cả ba phía: gia đình, nhà trường và xã hội đang gây quá nhiều áp lực cho con trẻ:
Con tôi năm nay tốt nghiệp THPT, theo quy định 30% sẽ là điểm học bạ. Tôi hỏi: "Tại sao con không cố gắng có điểm cao để còn xét học bạ? Mẹ thấy các bạn trong lớp điểm cao, còn con thấp tè, chỉ là trung bình". Nó trả lời: "Con chỉ làm đúng thực lực của con, mẹ có muốn con quay cóp giống tụi nó không?". Tôi phải đành im lặng. Kỳ thi sắp tới, với khả năng của con mình, tôi chỉ cầu mong sao nó đủ điểm tốt nghiệp là mừng rồi. Chỉ kỳ vọng là nghành giáo dục của Việt Nam thay đổi để đừng tạo quá nhiều áp lực cho con trẻ bằng những môn học chẳng áp dụng gì khi ra đời.
Sự thật là thứ ai cũng muốn nhưng chỉ rất ít người biết nhìn nhận và tôn trọng sự thật một cách đúng nghĩa. Để có một nền khoa cử sạch, nếu chỉ xét riêng vai trò của Bộ Giáo dục thì chưa đủ. Cần phải xét cả trách nhiệm của ngay các quý phụ huynh, rộng ra là cả xã hội trong việc nhìn nhận và huyễn tưởng về năng lực con trẻ mình.
Từ bao giờ chúng ta đã mặc nhiên hướng đến tiêu chí con mình khi ở trường cần "giỏi toàn diện" là tiêu chí cao nhất để đánh giá con trẻ? Từ bao giờ chúng ta đã "lạm phát" học sinh giỏi, đến nỗi có trường hợp chỉ cần có điểm 9 trong học bạ là đã thấy ngượng khi nghe về "con nhà người ta" rồi? Lẽ nào chúng ta không thể nhìn nhận mỗi con trẻ là một cái "tôi", một "thế giới" khác nhau, không thể "quy đồng" các em vào một "khuôn mẫu" chung duy nhất được?
Khi một nền khoa cử không trong sạch, chúng ta không chỉ tự làm hại chính mình cũng như bao thế hệ, mà chúng ta còn cấy vào đầu óc con trẻ sự ảo tưởng, tự lừa dối bản thân. Sự thay đổi khẩn thiết nhất là chúng ta thừa nhận mỗi con trẻ, mỗi cá nhân luôn có cả ưu và nhược điểm. Việc lấy tiêu chí "giỏi toàn diện" để đánh giá mỗi học sinh là cực kỳ áp đặt và rập khuôn. Để đổi thay tư duy đó, cần sự thức tỉnh và dũng cảm của cả cộng đồng, xã hội, nhỏ nhất, tiên quyết nhất là từ mỗi chúng ta, mỗi quý phụ huynh trong xã hội này.
Vấn đề không mới nhưng nói lên nhiều điều. Bệnh thành tích, đó là bệnh của người lớn. Bố mẹ thích thành tích, giáo viên thích thành tích, nhà trường thích thành tích, Bộ Giáo dục thích thành tích. Giáo dục từ ba phía: gia đình, nhà trường, xã hội. Nền giáo dục tốt là cả ba cái đó tốt. Khi gian lận xảy ra là sự bộc lộ yếu kém của cả ba phía. Bố mẹ không trung thực thì làm sao dạy con trung thực, xã hội vẫn chạy theo cái danh rất nhiều, Bộ giám sát chưa kỹ, cán bộ còn tiêu cực...
Thực sự vẫn là bệnh thành tích, tốt nghiệp 98% năm 2006 đến 2007 giảm còn 61% , con số này phản ánh khách quan nhất phản ánh thực trạng nhất hệ thống giao dục của chúng ta. Nhưng tại sao lại muốn thay đổi, muốn tăng tỷ lệ tốt nghiệp? Như vậy không phải là thành thích hay sao?
Chúng ta thà hy sinh tỷ lệ tốt nghiệp cao với gian lận để lấy đầu vào chất lượng cao cho tương lai.
Nền giáo dục có trong sạch hay không phụ thuộc rất lớn của con người tham gia vận hành hệ thống đó. Rõ ràng hệ thống đó đã hoạt động không tốt, không minh bạch. Điều đó có nghĩa là những con người tham gia hệ thống đó đang có vấn đề. Đây là quan hệ nguyên nhân - kết quả (có mối quan hệ liên kết).
Khi kết quả thi cử liên quan đến lợi ích của cá nhân và tập thể nào đó, họ sẽ tìm mọi cách gian lận. Có câu: "Thiên hạ vì lợi mà trở lên tấp nập, thiên hạ vì lợi mà trở lên nhộn nhịp" (Trang Tử), do đó không thể kỳ vọng bởi sự "tự giác minh bạch" của các cá nhân liên quan để từ bỏ "lợi ích" của họ.
Đã là nguyên nhân - kết quả rồi thì để chữa triệt căn bệnh đó chỉ có cách loại bỏ "nguyên nhân" của nó. Việc Bộ Giáo dục làm việc triệt "kết quả" gian lận chỉ là việc chữa phần "ngọn", chưa triệt "gốc" thì vẫn còn đó những tiêu cực mới sẽ được phát sinh sau này. Theo tôi, cần đào tạo lại thế hệ giáo viên mới có năng lực và kỷ luật nghiêm ngặt trong thi cử và tách họ ra khỏi hệ thống cũ để tránh họ bị ảnh hưởng bởi hệ thống đó. Chính xác là cố loại bỏ hệ thống cũ và tạo ra hệ thống mới cùng những con người mới để vận hành nó, còn việc chắp vá chỉ là tạm thời.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây