Dù không có camera nhưng có 3 tới 5 cặp mắt dõi theo thí sinh làm bài. Những người coi thi chúng tôi sau đó nói với nhau: kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006 này gác chặt thế, làm sao thí sinh quay cóp nổi.
Thế nhưng chúng tôi không ngờ, phần chìm của kỳ thi được ra hiệu bằng những cái nháy mắt, những cái gật đầu và chạm tay mỗi khi một thí sinh xin ra ngoài đi vào khu vệ sinh. Hoá ra, có những giám thị trông thi không phải để chống gian lận mà ngược lại. Năm 2006 được coi là năm có kết quả thi tốt nghiệp cấp ba cao nhất của thập kỷ.
Đó cũng là năm tôi vừa ra trường, hăm hở phụng sự một nền giáo dục mà tôi từng khát khao, và là lần đầu tiên tôi gác thi tốt nghiệp. Trước kỳ thi, tôi cảm thấy rất áp lực, cứ như mình đã bị đeo gông vào cổ, bất cứ khi nào cũng có thể phải lĩnh án trước toà.
Tôi đã cố nghiêm minh nhất, bởi nếu tôi coi thi không nghiêm minh, cộng đồng và lương tâm sẽ phán xét, những người trẻ vào đời bị bất công. Vậy mà sau đó, những tin tức về sự gian lận của kỳ thi bị phanh phui, tôi như bị cảm giác đau buốt đến tận cùng, như chính mình đang có một vết thương nhiễm trùng.
Năm tiếp theo, 2007, Bộ Giáo dục thực hiện đồng bộ trên cả nước cuộc vận động "hai không": chống gian lận trong thi cử và chống bệnh thành tích trong giáo dục. Điểm số của kỳ thi tốt nghiệp cấp ba giảm một cách thảm hại.
Có những tỉnh từ gần 98% học sinh đỗ tốt nghiệp năm 2006 bỗng lao xuống chỉ còn khoảng 61% như Bắc Giang. Tôi đã cầu cho cuộc vận động này kéo dài nhiều năm để tôi không hối tiếc về lựa chọn nghề nghiệp của mình.
Những tưởng kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sau mốc "hai không" kia sẽ bồi đắp một nền khoa cử sạch, nhưng dường như tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giảm quá nghiệt ngã trên toàn quốc lại đẩy khoa cử vào vòng xoáy của một cơn lốc mới: khôi phục thành tích.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp từ năm 2008 lại tăng dần đều và các vụ gian lận quay cóp bùng nổ. Các clip tung lên mạng vào năm 2011 phản ánh tình trạng chuyển phát tài liệu công khai trong phòng thi. Tình trạng gian lận thi cử bằng cách nào đó lại được tiếp tay và nuôi dưỡng.
Và đến hai năm gần đây, cấp độ gian lận đã đạt đến trình độ cao hơn, tinh vi hơn, đa dạng hơn. Thí sinh không cần phải quay cóp từ khâu làm bài, thủ tài liệu đi thi mà điểm số được người lớn điều chỉnh trực tiếp ở khâu chấm bài cho đến khâu nhập điểm trong danh sách công bố. Công chúng vẫn chưa được biết hết những con số và tình tiết của vụ gian lận khoa cử lịch sử tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang.
Vấn đề không chỉ nằm ở điểm số, mà nằm ở lòng tự trọng, sự tham lam của chính những người lớn - người tham gia hệ thống cầm quyền. Nhân phẩm của hàng triệu sinh viên trẻ cũng bị hoen ố theo bởi những con số ẩn mình đâu đó trong bóng tối.
"Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia", là câu nói tương truyền xuất phát từ Nam Phi. Nếu chúng ta tiếp tục dung túng cho một nền giáo dục tự hạ mình về nhân phẩm thì một ngày không xa, ta có thể nhận về một đất nước không thể chữa nổi bệnh cho chính mình.
Tôi tin tương lai ấy không đến nếu ngành Giáo dục can đảm đối mặt với chất lượng thật, chấp nhận những con số ít hào nhoáng như năm 2007; thực hiện đến cùng những chiến dịch "hai không" để loại bỏ khối u nhọt trên chính cơ thể mình, rồi xây dựng một lộ trình phù hợp để vực chất lượng dần lên.
Chất lượng thật là năng lực học sinh đến đâu chúng ta đánh giá đúng ở đó để mỗi đứa trẻ và gia đình chúng nhận diện đúng năng lực của mình, từ đó xác định điểm mạnh, yếu để cải thiện; hoặc thậm chí không cải thiện nếu đã bằng lòng. Một số bạn tôi, chỉ cần con lên lớp và khuyến khích chúng chia sẻ thời gian đèn sách cho các sở thích khác, hay bổ sung kỹ năng mềm vì họ tin giúp cháu tự lập trong tương lai hơn là phải có rất nhiều điểm 9, 10.
Chất lượng thật là khi những con người - sản phẩm giáo dục - bước ra khỏi cổng trường, họ đảm bảo có bốn điểm cốt lõi gồm: năng lực hiểu biết kiến thức, năng lực nhận thức tư duy, năng lực sử dụng kỹ năng và hình thành hành vi, thái độ đúng trong cuộc sống - hay như các cụ nhà ta vẫn nói có tâm và tài.
Vì sao một số người làm giáo dục đã không đối mặt với chất lượng thật? Vì muốn có thành tích để báo cáo với cấp trên về sự thành công của nhiệm kỳ lãnh đạo của mình? Vì họ còn có trách nhiệm với nhiệm vụ chính trị của những vị lãnh đạo địa phương, ngành ở đâu đó? Vì sĩ diện của bản thân hay tư lợi cho người nhà?
Một con cá không thể leo cây cũng như một con khỉ không thể lặn dưới sông. Khi ta chấp nhận cả những điểm số trung bình hoặc yếu kém của một đứa trẻ không phán xét, bản thân đứa trẻ biết cách điều chỉnh mình để được thừa nhận bằng nỗ lực thật. Khi ta cho phép giáo viên được chủ động đánh giá đúng năng lực đứa trẻ mà không bị áp lực về thành tích của họ trong giảng dạy là ta trao cho họ cơ hội được tự hào về những nỗ lực làm đúng, sống đúng, đánh giá đúng trong chuyên môn.
Tôi cũng là một người làm giáo dục, tôi tin nếu có cuộc khảo sát giáo viên trong cả nước, họ sẽ đều muốn sống thật với chính mình. Chẳng người thầy nào từ chối việc học thật thi thật, việc thấy mỗi đứa trẻ lớn lên với niềm tin trong sáng rằng nếu nỗ lực hết sức thay vì gian dối, ta đều sẽ có quà.
Chu Thị Vân Anh