(Bài Ý Kiến không nhất thiết phải trùng quan điểm với VnExpress.net)
Việc giảm tải bệnh viện có ý nghĩa quan trọng khi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như viêm phổi do nCoV đang là mối đe dọa thảm họa dịch tễ. Các thống kê đều cho thấy, người già và người có bệnh nền chiếm phần lớn bệnh nhân phải nhập viện và tử vong vì Covid-19. Tại Ý, 99% bệnh nhân tử vong do Covid-19 có bệnh nền.
Tuy nhiên, theo chính sách bảo hiểm hiện tại ở Việt Nam, để được cấp thuốc theo bảo hiểm, bệnh nhân cần đi khám mỗi tháng và lấy thuốc tại nhà thuốc bệnh viện. Với hầu hết các bệnh nhân, tiền thuốc biệt được là một số tiền lớn, nhất là sau quá trình điều trị lâu dài các bệnh như ung thư, tiểu đường. Lấy ví dụ, với bệnh nhân ung thư, thống kê tại các trung tâm điều trị ung thư lớn nhất cả nước cho thấy 34% bệnh nhân không có tiền mua thuốc sau một năm điều trị. Vì vậy, các bệnh nhân chọn tới bệnh viện khám để được bảo hiểm chi trả tiền thuốc theo đơn.
Việc đi khám hàng tháng cho những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính phổ biển (như tiểu đường tuýp 2, ung thư, khớp...) thông thường là không cần thiết. Ví dụ, bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 mới được chuẩn đoán sẽ khám mỗi ba tháng, theo Bộ Y tế Anh. Khi bệnh đã ổn định, bệnh nhân được khám mỗi sáu tháng. Tại Mỹ, bệnh nhân ung thư vú thông thường, sau quá trình điều trị nội trú, bệnh nhân gặp bác sĩ mỗi ba tháng/ lần trong hai năm đầu ngay sau điều trị. Từ năm thứ ba tới hết năm thứ năm, bệnh nhân gặp bác sĩ mỗi sáu tháng.
Như vậy, thay vì đơn thuốc chỉ có giá trị một tháng sau khi khám, đơn thuốc có giá trị tới ba, sáu hoặc 12 tháng (tùy theo bệnh) và bảo hiểm chi trả mỗi khi bệnh nhân đi lấy thuốc (hàng tháng hoặc vài tháng một lần). Theo chính sách bảo hiểm y tế hiện hành, bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 đã điều trị ổn định và bệnh nhân ung thư vú sau khi hóa trị bốn năm đều phải tới khám hàng tháng để được bảo hiểm chi trả thuốc biệt dược.
Tần suất khám cao gây khó khăn cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân ngoại tỉnh khi họ phải tới bệnh viện tuyến trên để điều trị vì bệnh viện địa phương không đủ trang thiết bị và bác sĩ điều trị, điển hình là với bệnh nhân ung thư. Thêm vào đó, hệ thống bệnh viện tuyến đầu và nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân cũng phải chịu áp lực lớn và quá tải do số lượng bệnh nhân quá đông.
Một cách đơn giản để giảm tải cho bệnh viện và giảm khó khăn cho bệnh nhân là thay đổi chính sách bảo hiểm y tế, cho phép bệnh nhân được chi trả tiền thuốc đặc trị nhiều hơn một tháng sau khi đã điều trị ổn định, với sự giám sát của bác sĩ. Theo cách này, đơn thuốc của bác sĩ có thể được lấy tại nhà thuốc bệnh viện mỗi tháng hoặc một vài tháng một lần (tùy theo bệnh lý). Cách làm này không những giúp bệnh viện giảm tải, mà còn giảm chi phí cho bảo hiểm y tế, vì tần suất chi trả chi phí chăm sóc cho bệnh viện và nhân viên y tế giảm.
Chỉ riêng bệnh tiểu đường, chi phí khám chữa cho bệnh nhân hiện tại chiếm 8% ngân sách bảo hiểm y tế Việt Nam và có chiều hướng gia tăng 42% trong giai đoạn 2017 – 2045. Việc cắt giảm chi phí cho việc khám định kỳ không cần thiết này sẽ giúp dành nguồn lực tài chính cho các dự án y tế khác, như chữa trị miễn phí cho bệnh nhân Covid-19 ở thời điểm hiện tại.
Thay đổi chính sách y tế để giảm tải bệnh viện điều trị các bệnh mãn tính hiện nay là một nhu cầu cấp bách, giúp làm giảm nguy cơ lây lan bệnh nguy hiểm cho các nhân viên y tế, bệnh nhân.
Ngày 20/3, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành văn bản chỉ đạo giảm tần suất khám và lấy thuốc hai tháng/ lần cho bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, chỉ trong thời gian kiểm soát dịch bệnh hiện tại. Tuy vậy, bệnh nhân nào đã khám từ tháng hai và hết thuốc vẫn phải tới khám và lấy thuốc tại thời điểm này. Do đó, hiệu quả của chính sách giảm tần suất khám và lấy thuốc theo bảo hiểm sẽ không nhiều trong vòng bốn tuần tới - thời điểm dịch bệnh Covid-19 được dự báo là cao điểm ở Việt Nam.
Việc giảm tần suất khám và vẫn đảm bảo sức khỏe và hiệu quả cho bệnh nhân nên được nghiên cứu và sửa đổi về lâu dài. Với thời điểm hiện tại, bảo hiểm y tế phải cho phép bệnh nhân lấy thuốc theo đơn cũ với sự đồng ý từ bác sĩ. Bác sĩ có thể giám sát bằng cách kiểm tra sổ khám bệnh hoặc hồ sơ điện tử của bệnh nhân đã lưu trữ ở bệnh viện, từ đó đưa ra quyết định mà không cần phải gặp trực tiếp bệnh nhân để tránh lây nhiễm qua tiếp xúc.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Nguyễn Thảo