Thế nào là bóng đá đẹp? Là kỹ năng khống chế xử lý bóng điêu luyện ở mọi tình huống, mọi tốc độ và phối hợp chiến thuật mạch lạc có chủ đích. Cái trước là tài năng cá nhân của những ngôi sao bóng đá trong quá khứ. Cái sau buộc mọi cầu thủ phải tự giác rèn luyện cái trước mới đủ điều kiện để thực hiện.
Học viện bóng đá là nơi dạy cho bạn làm thế nào để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp nhưng nó không dạy cho bạn làm thế nào để trở thành ngôi sao bóng đá. Để trở thành ngôi sao, bạn phải có kỹ thuật xử lý bóng điêu luyện. Đó là tiêu chí cũ.
Tiêu chí mới bây giờ là một ngôi sao bắt buộc phải có tư duy chiến thuật vượt trội, có thể nắm bắt thật nhanh tình huống, biến tình huống thành cơ hội và biến cơ hội thành kết quả.
Bóng đá trước hết là một môn thể thao đối kháng. Đã là thể thao thì tiêu chí đầu tiên là phải khỏe. Đã đối kháng thì nhất định phải có thắng- thua.
Cầu thủ thấp bé nhẹ cân là đã không đạt tiêu chí khỏe. Thi đấu mà không đặt nặng thành tích thì đã mất tiêu chí đối kháng. Cái đẹp của bóng đá dựa trên nền tảng của hai tiêu chí này.
Hai tiêu chí này không đạt, cơ sở nào gọi là đẹp? Ai đó nói cầu thủ Brazil ham rê dắt, ham biểu diễn kỹ thuật? Xin lỗi, tôi cho rằng ai nói như vậy là không biết xem bóng đá. Họ chỉ rê dắt, chỉ biểu diễn khi họ không tìm được đường vào khung thành đối phương. Khi đó, họ khiêu khích đối phương bằng kỹ thuật xử lý bóng như làm xiếc buộc đối phương phải phạm lỗi.
Chỉ cần một quả phạt gián tiếp sắp được triển khai, họ sẽ có rất nhiều phương án chiến thuật "ăn theo" quả phạt này. Tức là, không tìm được cơ hội thì phải tạo ra cơ hội.
Bóng đá mà các cầu thủ chỉ chuyền ngang, chuyền về thì đúng là bế tắc. Bóng đá hiện đại càng ngày càng chú trọng phối hợp chiến thuật. Phối hợp chiến thuật tốt, một đội bóng chả có sao nào vẫn đá ngang ngửa một đội bóng toàn sao.
Các sơ đồ phối hợp chiến thuật 2, 3, 4, 5 người có thể nói là trải rộng khắp mặt sân, không bỏ sót một centimet vuông nào. Càng ngày các huấn luyện viên càng buộc phải dùng công cụ máy tính để hỗ trợ vì họ không thể tính hết được nhiều sơ đồ cùng một lúc.
Cầu thủ có tư duy chiến thuật cao là "hàng nóng" mà mọi câu lạc bộ ưu tiên mua, sau đó mới đến cầu thủ nổi bật ở vị trí nào đó. Huấn luyện viên bóng đá, người sáng tạo ra các sơ đồ chiến thuật, không còn là những cầu thủ ngôi sao đã giải nghệ như xưa nữa.
Họ bây giờ thường là những người được đào tạo bài bản và có bằng cấp chuyên nghiệp. Và đương nhiên là, có những trường đại học chỉ dành riêng để đào tạo những huấn luyện viên này (nhiều bộ môn thể thao khác nữa chứ không riêng gì bóng đá).
Sau khi tốt nghiệp, họ được tuyển dụng tùy theo đẳng cấp (level) của họ. Level thấp nhất là huấn luyện đội...U10 đến U16 ở các giải học đường. Chỉ cần họ đoạt chức vô địch thì họ sẽ được tuyển vào làm HLV đội trẻ của một CLB chuyên nghiệp.
Nếu đoạt giải vô địch họ mới được thăng cấp lên HLV chuyên nghiệp. Nếu anh là một ngôi sao đã giải nghệ và có bằng HLV chuyên nghiệp, anh không phải thông qua giải học đường mà đi thẳng vào đào tạo trẻ dự bị cho CLB luôn.
HLV nội không bằng HLV ngoại, nói thẳng ra là anh chả có bài bản nào ngoài kinh nghiệm thi đấu nhiều năm khi chưa giải nghệ. Những cái mà anh biết là học mót từ những HLV ngoại từng dạy dỗ anh. Học mót thì anh chỉ biết hình thức không biết bản chất – không biết tình huống nào phải dùng giáo án tập luyện nào.
Muốn có cầu thủ chuyên nghiệp phải có HLV chuyên nghiệp. Muốn có HLV chuyên nghiệp phải có nền bóng đá chuyên nghiệp – không thì HLV sẽ nâng cao level ở đâu?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.