V-league 2019 đã chính thức khởi tranh với rất nhiều hy vọng về một mùa giải chất lượng sau những thành công liên tiếp ở các cấp độ đội tuyển trong hơn một năm qua.
Tuy nhiên, V-league vẫn còn quá nhiều vấn đề và chưa hấp dẫn người hâm mộ theo dõi mỗi tuần.
Ngoài việc đẩy mạnh công tác PR, truyền thông... thì có một giải pháp rất đơn giản khiến giải đấu hấp dẫn hơn. Đó là thay đổi thể thức thi đấu.
Thứ nhất, nhược điểm của thể thức cũ V-league hiện có 14 đội với chỉ 1,5 suất xuống hạng. Có thể chia các đội thành 3 nhóm: Nhóm đầu khoảng 2-3 đội tranh chức vô địch, nhóm cuối khoảng 3-4 đội tranh suất trụ hạng và nhóm giữa khoảng 7-9 đội. Khi giải đi vào giai đoạn cuối, các đội nhóm giữa gần như không còn mục tiêu, trụ hạng đã xong nhưng cũng không thể vô địch.
Vì thế, những trận đấu giữa các đội này trở thành "những trận đấu không động lực" rất nhàm chán và kém hấp dẫn. Số lượng đội top giữa chiếm đến hơn 50% khiến cho những "trận đấu không động lực" quá nhiều, giảm chất lượng giải đấu.
Mục tiêu của chúng ta làm sao giảm thiểu những "trận đấu không động lực", đồng thời tăng cường những "trận cầu 6 điểm", tức những trận đấu giữa các đội trong cùng top đầu quyết định chức vô địch hay các các đội top cuối tranh vé trụ hạng để giải đấu thêm hấp dẫn, kịch tính.
Thứ hai, cần có thể thức thi đấu mới. Số lượng đội V-league giảm còn 12 câu lạc bộ, vẫn giữ nguyên 1,5 suất xuống hạng. Giải đấu được chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn một: 12 đội đá vòng tròn hai lượt sân nhà sân khách, tính điểm để xếp hạng. Số vòng đấu giai đoạn một là 22 vòng.
Giai đoạn hai: Dựa vào bảng xếp hạng giai đoạn một, 6 đội đầu bảng xếp vào nhóm A (tranh chức vô địch), 6 đội cuối bảng xếp vào nhóm B (tranh vé trụ hạng).
Các đội ở mỗi nhóm lại thi đấu vòng tròn hai lượt sân nhà sân khách trong nội bộ nhóm, tính điểm để xếp hạng. Điểm vẫn sẽ cộng dồn vào điểm giai đoạn một. Kết thúc giai đoạn hai, đội dẫn đầu nhóm A đoạt chức vô địch, đội cuối nhóm B bị rớt hạng và đội áp chót nhóm B phải đá play-off với đại diện giải hạng nhất. Số vòng đấu của giai đoạn 2 là 10 vòng, và tổng số vòng đấu toàn bộ giải là 32 vòng.
Những ưu điểm của thể thức mới ở giai đoạn một, gần như tất cả câu lạc bộ đều có mục tiêu thi đấu rõ ràng. Các đội top đầu sẽ phải cố gắng tích lũy điểm để cạnh tranh chức vô địch, các đôi top cuối không muốn bị bỏ quá xa. Đặc biệt ở top giữa, sẽ không còn những "trận đấu không động lực" nữa. Các đội đều phải nỗ lực để vào được nhóm A sau khi kết thúc giai đoạn 1, thậm chí trận đấu của các đội top giữa bây giờ trở thành những "trận cầu 6 điểm".
Giai đoạn 2 là lúc tăng cường những "trận cầu 6 điểm". Các đội trong cùng nhóm có thể coi là khá cân sức với nhau, nên các trận đấu giữa họ sẽ diễn ra quyết liệt và kịch tính.
Hơn nữa, đây là giai đoạn nước rút của mùa giải, nên các đội càng quyết tâm tranh vô địch hoặc trụ hạng. Việc gom các đội cùng mục tiêu vào chung một nhóm làm cho giải đấu trở nên hấp dẫn trong những vòng đấu cuối.
Vẫn có thể xuất hiện một vài "trận đấu không động lực" ở cuối giai đoạn 2 khi 2-3 đội ở cuối nhóm A không còn khả năng vô địch hay 2-3 đội đầu nhóm B đã đủ điểm trụ hạng.
Tuy nhiên, số lượng những trận đấu kiểu này sẽ không nhiều khi các đội này đã bị chia tách thành hai nhóm A, B và họ không còn cơ hội gặp nhau nữa.
Thay đổi thể thức là giải pháp đơn giản để giải đấu tăng chất lượng và thu hút người xem nhiều hơn. Tất nhiên, đó không phải là giải pháp duy nhất, mà các nhà quản lý cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: tăng cường PR, truyền thông, marketing, công tác trọng tài, sân bãi...
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.