Tuần trước, một người phụ nữ khác đến từ Tam Đảo (Vĩnh Phúc), cách Sơn Lôi đến 30 km, đi dâng hương và công đức một ít tiền đền Bảo Hà (Lào Cai). Người viết phiếu tươi cười trông xấp tiền, hỏi chị quê ở đâu để còn ghi danh. Nhưng vẻ đon đả không còn khi nghe "bọn em đến từ Vĩnh Phúc". Họ nhận tiền, ghi phiếu rồi lấy tay điều chỉnh khẩu trang trên mặt, không nói gì.
Cả thế giới đang trải qua những ngày tháng căng thẳng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chiến ấy. Suốt từ khi dịch bệnh xuất hiện trong nước, "virus corona" luôn trở thành chủ đề bàn luận của mọi nhà, mọi người, từ thành thị đến nông thôn, len lỏi trong khắp các tầng lớp, mọi mặt đời sống xã hội. Người ta sợ nCoV, chạy đua bằng mọi cách để tự tạo cho mình lớp phòng vệ trước sự đe dọa của chủng virus mới dù mới chỉ biết đến chúng qua những thông tin từ tận Vũ Hán (Trung Quốc).
Sự sốt sắng ấy một mặt giúp Việt Nam đứng vững trước dịch bệnh, kiểm soát được tốc độ và phạm vi lây lan của virus trong xã hội cho tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nó cũng vô tình kéo theo nhiều bất cập khi sự sợ hai bị đẩy xa quá đà. Đó là khi bản tính cá nhân che lấp đi cái gọi là tinh thần cộng đồng.
Những ngày qua, tôi thấy đâu đó những tiểu thương Vĩnh Phúc than thở vì ế ẩm do khách sợ lây dịch, đồng loạt hủy đơn đặt hàng. Nhiều người khác lại bị hàng quán từ chối phục vụ chỉ vì đến từ vùng có dịch. Một nhân viên ngân hàng ở Hà Nội, còn bị chính đồng nghiệp, bạn bè xa lánh chỉ vì là người Vĩnh Phúc và lỡ ốm đúng thời điểm nhạy cảm này. Những lời chỉ trích gay gắt nhắm đến với anh suốt những ngày bị cách ly và chờ kết quả xét nghiệm nCoV. Ngay cả khi kết quả âm tính được trả về, nam nhân viên vẫn phải nhận những ánh nhìn xa lánh, không mấy thiện cảm của những đồng nghiệp công ty. Bởi đơn giản, họ sợ lây.
Thậm chí, trước lễ cưới con gái, bà Phạm Thị Hà còn phải lên UBND xã Bá Hiến (Bình Xuyên) để xin "giấy xác nhận địa phương không có dịch corona" dù xã không nằm trong diện"cách ly" và cũng chưa ai công bố rằng có dịch. Hết cách, bà đành giảm số người nhà gái, từ 10 người xuống còn 4, gồm vợ chồng và ông nội, ông ngoại. Thứ hai tuần sau, vợ chồng bà Hà cùng với các thành viên đã được chọn sẽ đi xuống huyện khám, xin xác nhận sức khỏe bình thường trong mười ngày qua.
Tôi tự hỏi những người Vĩnh Phúc bị gắn cho định danh "người dân vùng dịch" trong những câu chuyện ở trên có đáng bị đối xử như vậy? Nỗi ám ảnh corona đã và đang khiến con người ta gạt qua những bằng chứng khoa học để tự cho phép mình "cách ly", hay nói đúng hơn là "cô lập" người khác.
Nực cười hơn, cách đây không lâu, khi chứng kiến cô gái trẻ Nguyễn Thị Dự 23 tuổi, một trong ba bệnh nhân viêm phổi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (người đầu tiên ở Vĩnh Phúc được xác nhận dương tính với nCoV) nở nụ cười khuất trong chiếc khẩu trang khi xuất viện, nhiều người thay vì chung vui lại lạnh lùng buông những lời cay nghiệt, đả kích cô kịch liệt chỉ vì "không có một lời xin lỗi". Từ chỗ một bệnh nhân, cô gái này bị không ít người biến thành kẻ tội đồ "gieo mầm bệnh về Việt Nam".
Không ai muốn mình nhiễm bệnh và lây bệnh cho người khác, đặc biệt là người thân của mình. Và tôi tin đó cũng là suy nghĩ của Dự. Hãy nhớ rằng, ngay cả người Vũ Hán cũng không được cánh báo về sự tồn tại và nguy hiểm của virus corona cho tới khi dịch bùng phát, vượt quá kiểm soát của chính quyền địa phương. Họ, nhưng nạn nhân của dịch Covid-19, không hề được trang bị kiến thức phòng dịch để có cơ hội tự phòng vệ cho bản thân và cộng đồng. Sự lây nhiễm không phải chủ đích hay do sự thiếu ý thức của họ, nó chỉ là hệ quả tất yếu sau hàng loạt quyết định chậm trễ của những người đứng đầu thành phố.
Đặt mình vào trường hợp của cô gái 23 tuổi khi vừa thoát khỏi "lưỡi hái tử thần", tôi tự hỏi liệu mình sẽ thế nào khi đọc được những lời lẽ chỉ trích hướng về bản thân như vậy? Sự việc ngày càng bị đẩy đi quá giới hạn, tăng cấp dần theo những con số người chết vì dịch. Để rồi sau đó, những bệnh nhân khác từ Vĩnh Phúc như Nguyễn Thị Nam, 30 tuổi (trong nhóm 8 công nhân từ Vũ Hán, Trung Quốc, về nước ngày 17/1), hay chính người mẹ của Dự đã phải nói lời "xin lỗi" ngay khi vừa khỏi bệnh để xoa dịu một số người Việt. Tại sao họ phải xin lỗi khi ngay từ đầu họ đã không có cơ hội để tránh bệnh?
"Tôi là người Vĩnh Phúc. Chúng tôi là con người. Chúng tôi không phải là virus. Đừng kỳ thị chúng tôi". Đó là những dòng chữ xuất hiện trên tấm biển cầm tay của một nam thanh niên được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội những ngày qua, như một lời khẩn cầu của những người đang bị cả xã hội xa lánh một cách vô lý. Có lẽ đã đến lúc chúng ta dừng lại những sự ích kỷ cá nhân để cùng nhau thông cảm, chia sẻ và chúng sức vượt qua đại dịch lần này. Hãy nhớ rằng, kẻ thù chung của cả thế giới đang là nCoV chứ không phải những bệnh nhân bị lây nhiễm kia. Họ đáng được cả xã hội dang tay đùm bọc thay vì bị hắt hủi, kỳ thị như những con virus.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.