Theo tôi nên hạn chế ôtô cá nhân lưu thông trong giờ cao điểm vì nhiều lý do sau:
Vấn đề kẹt xe mới xảy ra vài năm gần đây. Chứ trước đây dân ta toàn đi xe máy thì có bị kẹt xe đâu. Nguyên nhân là do người dân giàu lên và mua xe ôtô nhiều hơn trước, và còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa.
Xe ôtô cá nhân bốn chỗ, bảy chỗ chiếm diện tích lòng đường gấp 4-5 lần so với xe máy nhưng khi dừng đèn đỏ, tôi quan sát và thường thấy trên xe ôtô chỉ có mỗi tài xế (có lẽ không chở người mà chở hàng) hoặc chở một người (chắc là một vị sếp).
Tài xế ôtô chê người lái xe máy có ý thức giao thông kém nhưng bản chất tài xế ôtô cũng là người lái xe máy nên ý thức cũng kém. Tài xế ôtô không có ý thức xếp hàng nối đuôi nên các xe ôtô dàn hàng ngang, khi đó không còn chỗ cho xe máy chạy. Chưa kể, ôtô đậu/dừng thì cũng chiếm diện tích lòng đường.
Khi lòng đường không còn chỗ cho xe máy chạy thì xe máy chạy lên lề. Đặc điểm hiện trạng quy hoạch, nhiều nhà hẻm nhỏ và sâu, cách đường ôtô có khi hơn 500m, nếu không có xe máy, phụ huynh tốn nhiều thời gian để đưa đón trẻ con đi học.
Xe ôtô chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, là đối tượng bị hạn chế do đường sá nhỏ. Để giảm kẹt xe thì tôi có một vài ý kiến sau:
Do đường xá ở khu trung tâm Hà Nội, TP HCM thường là nhỏ, nhiều đường giao nhau nên có lẽ ưu tiên xe buýt nhỏ lưu thông. Xe buýt lớn khi rẽ trái/phải thì gây kẹt xe. Xe buýt thường có mùi khó chịu và thải nhiều khói nên cần vệ sinh sạch sẽ hằng ngày và bảo trì định kỳ để thu hút khách đi xe buýt.
>> 'Cấm xe máy ở Hà Nội, Sài Gòn là giải pháp đột phá'
Thiết kế băng ghế dài theo chiều dài xe buýt (tương tự như băng ghế trên các tàu điện ở nước ngoài).
Ở khu trung tâm nên hạn chế các xe có hình dáng giống xe buýt lớn (xe du lịch, xe chở khách liên tỉnh...). Các đơn vị vận chuyển hành khách nên sử dụng xe lớn ở khu vực ngoài trung tâm, xe nhỏ ở khu trung tâm.
Cần có bãi xe ở ngoài khu trung tâm để cho các xe này dừng chờ, chuyển khách từ xe nhỏ sang xe lớn và ngược lại.
Đối với các đường ở khu trung tâm, cần phân làn xe theo hướng bỏ/giảm làn hỗn hợp. Đường lớn (ví dụ khoảng 20m trở lên) thì có hai chiều, đường nhỏ thì có một chiều. Mỗi một chiều chỉ hai làn đường, một làn cho ôtô chạy, một làn cho xe máy chạy (bao gồm xe ba bánh của người khuyết tật, xe đạp).
Làn xe hai bánh cần đủ rộng để khi ôtô đậu sát lề thì vẫn còn chỗ cho xe máy chạy mà không bị vi phạm lấn làn ôtô. Tăng cường phạt vi phạm lấn làn để xe máy không cản trở xe ô tô và ngược lại. - Các ôtô chỉ được rẽ trái/phải tại giao lộ và không được đi vào làn xe máy khi muốn rẽ phải.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Le Quang Minh