Cho yêu thương sẽ nhận lại yêu thương. Cho yêu thương sẽ làm cho gia đình, trường học và xã hội tốt đẹp lên từng ngày. Hồi tôi còn nhỏ, mỗi lần bị phạt hay bị la mắng, tôi thường nhận ra được lỗi của mình bởi tôi biết mình được yêu thương. Tôi cũng cảm nhận được nỗi buồn của cha, mẹ, người thân cũng như thầy cô khi trách phạt mình.
Hôm rồi tôi có đọc bài viết của cô em gái về tình yêu thương. Em tôi là một người nấu ăn không giỏi nhưng cô con gái nhỏ vẫn hay khen mẹ nấu ăn ngon. Một lần quan sát mẹ nấu ăn, bé hỏi: "Mẹ ơi mẹ cho gì vào thức ăn mà nó ngon quá vậy?". Mẹ bảo bé: "Mẹ cho vào gia vị yêu thương nên nó mới ngon vậy" . Bé hỏi tiếp: "Gia vị yêu thương vào món ăn rồi nó đi đâu vậy mẹ?". "Con nuốt nó vào bụng cùng với món ăn", mẹ trả lời. Cặp mắt bé sáng lên một niềm sung sướng, hạnh phúc khi nghe những lời đó.
Sân thượng nhà tôi có khoảng rộng đủ để trồng rau cho gia đình và làm quà cho người thân mỗi khi có dịp. Ai tham quan khu vườn này cũng khen tôi có tài trồng rau, vì tôi trồng được cả những giống rau quý vốn khó trồng . Một lần, em gái tôi nói vui, tài năng như chị phải đóng góp cho xã hội, chứ chỉ làm như vậy phí quá. Ban đầu, tôi cũng chưa hiểu tại sao mình trồng tốt như vậy, mọi loại rau khi qua tay tôi đều mơn mởn, đẹp lạ. Mãi sau này, tôi mới nhận ra rằng: "Có lẽ mình trồng rau bằng tình yêu thương, bằng cái tâm nên nó mới tốt, đẹp như vậy". Chung quy lại, cho đi sự yêu thương, là nhận lại điều tốt đẹp.
>> Cô giáo 'liên hoàn tát' có giúp học sinh chăm ngoan hơn?
Khi đất nước bắt đầu phát triển, thu nhập của từng gia đình cũng tăng lên, nhưng cũng kèm theo đó là đạo đức con người cũng xuống cấp trầm trọng. Chuyện trò đánh thầy, con giết cha mẹ, vợ chồng sát hại nhau... xảy ra hằng ngày, nghe riết rồi cũng thấy bình thường. Thời tôi còn nhỏ, những chuyện này làm gì xuất hiện, nếu có thì cũng là tội tày đình, xã hội không bao giờ chấp nhận.
Tôi có ba con gái nhỏ, trong quá trình nuôi dạy các bé, tôi cũng có nhiều kinh nghiệm cho mình. Mỗi cha mẹ có nhiều cách riêng để dạy dỗ con, nhưng muốn thành công thì phương pháp nào cũng phải dựa trên tình yêu thương. Tôi cho các con tôi một tình yêu thương không điều kiện, do vậy mỗi khi chúng phạm sai lầm, bị trách phạt, chúng cũng không bao giờ giận hoặc hận ba mẹ và dễ dàng nhận ra lỗi lầm của mình. Tình yêu thương còn làm cho các thành viên trong gia đình gắn kết, sẻ chia, cảm thông với nhau. Sự gắn kết này càng chặt chẽ chứng tỏ sự thành công trong phương pháp giáo dục trẻ càng cao.
Con gái lớn của tôi năm nay 20 tuổi, bé có học môn tâm lý ở trường đại học, có đôi lần, sự góp ý của bé làm tôi thức tỉnh và phải nhìn lại bản thân mình. Có lần tôi mất kiềm chế và la mắng con nặng lời. Trong lúc tôi tức giận, bé vẫn mỉm cười và nói rằng: "Mẹ nói những lời đó với con thì bình thường vì con biết rõ mẹ rất thương con, chứ mẹ nói với người khác thì xảy ra chuyện lớn rồi đó". Tôi nghe xong mà giật mình. Sau khi cháu hoàn tất năm học đầu ở đại học Melbourne, tôi hỏi con "có nhận xét gì về thầy cô ở trường?", con tôi suy nghĩ rồi nói: "Con cảm nhận được tình thương yêu, sự tôn trọng, sự lắng nghe... mà những điều này con chưa tìm thấy được ở Việt Nam".
Trường học cũng giống như một gia đình lớn, khi thầy cô dạy dỗ các em bằng tình yêu thương thì dù khó khăn đến mấy cũng vượt qua đựơc. Khi trẻ cảm nhận được thầy cô la phạt mình cũng chỉ vì yêu thương, trẻ ít khi kháng cự, giận, hoặc hận thầy cô. Thời xưa, thầy cô cũng dùng đòn roi đó thôi, nhưng lại không bị gia đình và xã hội lên án, bởi vì mọi người đều mặc nhiên rằng vì yêu thương trò mà thầy cô bất đắc dĩ phải làm vậy. Phạt trò, trò đau một, thầy đau mười. Do cách giáo dục dựa trên sự yêu thương như vậy nên xã hội mới có được nhiều thế hệ trẻ tài đức vẹn toàn.
>> 'Giáo viên đang cô đơn trên bục giảng'
Thời nay, giáo dục đã đi vào ngõ cụt, không lối thoát. Thầy cô bối rối với phương pháp giáo dục trẻ, thậm chí chỉ la mắng, quở phạt học sinh cũng bị gia đình và xã hội lên án. Mỗi khi thầy cô la mắng học sinh, chúng căm giận, phản ứng rất dữ, có em còn đánh lại và còn bày mưu kế trả thù.... Tựu trung lại, cũng vì các em không cảm nhận được tình yêu thương của thầy cô đối với mình. Chúng nghĩ rằng thầy cô ghen ghét nên mới phạt chúng, thầy cô dạy chúng không vì yêu thương chúng mà chỉ nghĩ đến lợi của cá nhân. Cũng vì sợ sự lên án của gia đình và xã hội, có những thầy cô chọn cho mình biện pháp im lặng, thấy học trò sai cũng không dám nói, bọn trẻ muốn làm gì thì làm.
Thầy cô sợ học sinh, sợ phụ huynh và cả xã hội. Họ trở nên cô độc, chới với, không biết giáo dục trẻ theo hướng nào? Theo tôi, đó là sự thất bại hoàn toàn của phương pháp giáo dục hiện tại. Tôi thiết nghĩ, những bạn trẻ khi đăng ký vào học ngành sư phạm, hãy hỏi chính bản thân mình có thể yêu thương học sinh được không? Có làm mọi việc vì lợi ích của học sinh được không? Nếu làm được hãy học, còn không nên chọn cho mình một ngành nghề khác. Trong gia đình hay nhà trường, tình yêu thương làm cho cha mẹ, thầy cô biết mình phải làm điều gì tốt nhất cho tương lai của trẻ. Khi đó, không cần phải đề ra phương pháp giáo dục cao siêu này nọ, xã hội cũng tốt đẹp lên, những thế hệ vàng sẽ trở lại.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây