Tôi rất đồng tình với bài viết "Học sinh Việt có quá nhiều thứ 'học để quên'". Bởi lẽ, nó rất đúng với hiện trạng thực tế của nền giáo dục nước nhà hiện nay. Học sinh học thật nhiều để lấy điểm, lấy danh hiệu, bằng khen, chứng chỉ này nọ, nhưng thật ra chẳng áp dụng được bao nhiêu vào thực tế đời sống.
Những giá trị đạo đức xuống cấp trầm trọng do đâu? Nhà trường có dạy dỗ, phân tích, nghiên cứu chú tâm hay không? Những cách xưng hô, giao tiếp, ứng xử với người lớn trong gia đình đã thực sự tốt chưa hay vẫn theo thói "khôn nhà dại chợ"? Những kiến thức cơ bản để tham gia giao thông được an toàn thì nhà trường có đem vào chương trình học hay không? Và còn rất nhiều điều thực tế và hữu ích khác để cho chúng ta học hỏi, chứ không phải là những cuốn sách, những trang vở chép đầy chữ mà không liên quan gì đến đời sống.
Tại sao có những học sinh ghét đi học, ghét đến trường? Bởi vì chính gia đình, nhà trường và thầy cô tạo ra vô số áp lực khiến chúng phải hồi hộp, lo lắng, đối phó, cùng với cách học đọc - chép mà không có sự vận động, tư duy... Tất cả tạo cảm giác chán nản, mệt mỏi cho các em. Trường lớp giờ không phải là nơi để học sinh phát huy và thể hiện tài năng, năng khiếu của mình, mà học sinh bị ép phải lệ thuộc, học thuộc lòng từng câu, từng chữ trong sách vở để trả bài qua loa rồi hôm sau quên hết chẳng nhớ gì...
Một khối lượng kiến thức khổng lồ từ rất nhiều môn học bắt buộc các em phải nhồi nhét vào trong bộ não của mình. Nói thật, chính các thầy cô bộ môn cũng phải soạn tới soạn lui những bài giáo án, thậm chí giảng tới giảng lui còn chưa nhớ hết được lượng kiến thức trong sách giáo khoa, huống gì các em phải nhớ hết kiến thức của tất cả các môn học...
>> 'Học sinh Việt phí hoài 12 năm phổ thông vì phải giải toán quá nhiều'
Học sinh không có tuổi thơ, không có những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời do phải đi học thêm để không thua sút bạn bè. Và tất nhiên, không ít trường hợp những em nào đến nhà của thầy cô học sẽ được chỉ dạy bí kíp một cách tận tình, chưa kể sẽ được cho biết đề bài kiểm tra trên lớp ngày hôm sau và điểm số cũng sẽ cao hơn những người không đi học. Việc dạy học chưa thật sự đúng nghĩa, các em học bài chủ yếu để nắm vững kiến thức trọng tâm, cái cốt lõi của vấn đề để nhớ lâu hơn và diễn đạt theo cách hiểu của mình, miễn sao đúng đắn và phù hợp là được, không cần phải học, đọc, ghi chép và trả bài từng câu từng chữ, từng dấu chấm phẩy trong sách vở. Như vậy, các em có khác gì con vẹt biết nói tiếng người?
Yêu trường lớp và yêu thầy cô là đạo lý vô cùng đẹp, nhưng để làm một cách thật lòng thì đòi hỏi nền giáo dục nước nhà cần giảm tải chương trình học, để học sinh và thầy cô còn có cơ hội chia sẻ, quan tâm và tạo hình ảnh đẹp với nhau bằng cảm xúc thật, chứ không giả dối, ngụy tạo bằng những lời nói suông...!
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.