Có bạn cho rằng, các hãng công nghệ là nơi tập hợp những người có bộ óc siêu việt nhất thế giới. Những người này có thể giải được những bài toán có độ khó cao mà chúng ta gọi là "đánh đố".
Người ta làm thế nào với những dự án khoa học siêu lớn, siêu phức tạp? Họ chia dự án thành những phần nhỏ hơn, đơn giản hơn. Những phần nhỏ hơn đơn giản hơn này lại được chia thành những phần nhỏ nhất đơn giản nhất. Từng phần nhỏ nhất đơn giản nhất này được giao cho một hoặc một nhóm người nghiên cứu với những yêu cầu cụ thể.
Nghiên cứu xong thì ráp lại từ đơn giản đến phức tạp rồi siêu phức tạp. Những cá nhân tham gia nghiên cứu đều là những người khi học phổ thông chả có gì nổi bật, khi học đại học chả hơn được ai, khi nghiên cứu sinh thạc sĩ cũng không có gì vượt trội và khi nghiên cứu sinh tiến sĩ cũng chả có gì đình đám. Tóm lại, tất cả đều là những người bình thường có bằng cấp.
Còn những bài toán siêu khó thì sao? Cũng thế thôi. Bài toán cũng được chia ra như vậy và mỗi người hoặc nhóm nghiên cứu chịu trách nhiệm lên thuật giải ở phần công việc của mình. Xong thì ráp lại thành thuật giải siêu lớn. Thuật giải là cái mà con người dạy cho máy tính làm thế nào để giải toán. Nhập thuật giải ấy vào máy tính. Xong thì cái máy tính ấy tự nó giải bài toán chứ con người nai lưng ra giải để làm gì? Người ta giải toán như thế và chỉ giải một lần xài cả đời chứ không giải đi giải lại từ thế hệ này sang thế hệ khác như ta.
Toán là để giải quyết yêu cầu của cuộc sống. Cuộc sống rất phong phú và luôn tiến về phía trước. Luôn luôn và bao giờ cũng sẽ xuất hiện những bài toán mới hơn cần lời giải. Lo giải đi giải lại những bài toán cũ thì bao giờ mới giải những bài toán mới? Cái gì gọi là tri thức? Tri thức là những lý thuyết đã được thực tế kiểm nghiệm và chứng minh là đúng. Thế cái gì gọi là lý thuyết? Là cái mà người ta quan sát và đúc kết thành quy luật nhưng chưa chứng minh được.
Ví dụ, Newton nhìn thấy quả táo rơi từ trên cây xuống, nó rơi theo phương thẳng đứng vuông góc với mặt đất, không rơi xiên rơi xéo hay rơi ngược lên trời. Newton kết luận, Trái Đất có lực hút. Kết luận ấy chính là lý thuyết. Người ta đã chứng minh được mọi vật khi rơi xuống từ trên cao luôn có gia tốc bằng nhau bất kể vật ấy nặng bao nhiêu (g = 9,81 m/s2 ). Đó là tri thức. Và, xin thưa, toàn bộ kiến thức phổ thông đều là tri thức, không có cái nào chỉ ở dạng lý thuyết chưa được chứng minh.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> 'Kiến thức phổ thông chắp cánh cho sáng chế, không phải đánh đố để thi cử'
>> Vì sao học sinh Việt giải Toán 'dễ như ăn kẹo' nhưng kém sáng tạo?
Bậc đại học được học làm thế nào để sử dụng những tri thức ấy một cách có hệ thống. Bậc trên đại học mới là nơi người ta nghiên cứu những lý thuyết chưa được chứng minh. Thế nào gọi là công nghệ? Là cách thức, biện pháp, các bước thực hiện theo thứ tự ưu tiên để tạo ra cái gì hoặc hướng đến cái gì. Ví dụ, xây nhà thì phải làm móng, dựng cột, xây tường và làm mái. Bạn có thể đảo ngược hoặc làm xáo trộn cái quy trình ấy không? Không thể. Công nghệ có mặt ở mọi lĩnh vực bao gồm cả khoa học xã hội.
Sáng tạo công nghệ mới là bạn tạo ra một quy trình mới chặt chẽ hơn, khoa học hơn, hiệu quả hơn, dễ áp dụng hơn so với quy trình cũ. Cuối cùng, cái gì gọi là sáng tạo? Là tạo ra cái gì đáp ứng nhu cầu hoặc mong ước của con người mà tại thời điểm đó chưa có cái gì có thể đáp ứng.
Người ta muốn đi trên những phương tiện do họ tự lái và nhanh hơn xe ngựa. Họ tạo ra xe hơi. Người ta muốn bay lên trời. Họ tạo ra máy bay. Đại loại như vậy.
Có cái sáng tạo nào không nhằm để đáp ứng nhu cầu nào đó của con người? Hoàn toàn không có. Muốn sáng tạo thì phải dựa vào tri thức đã có và để sáng tạo ấy được phổ biến phải có công nghệ. Sáng tạo mà không có tri thức làm chỗ dựa thì gọi là ý tưởng, là ước mơ. Ai chả có ý tưởng, chả có ước mơ nhưng cái ý tưởng ấy, ước mơ ấy có thành hiện thực hay không phải xem bạn có tri thức và biết cách vận dụng tri thức hay không.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.