Sau bài viết 'Nên từ bỏ tục cha mẹ phải lo tiền, vàng cưới xin cho con' độc giả Greenlight cho rằng:
Điều này rất đúng với thực trạng hiện đại của xã hội hiện nay. Chúng ta đang tiến đến chất lượng dân số chứ không phải là số lượng. Vậy chất lượng ở đây cũng nằm trong phạm trù kinh tế của người trưởng thành. Bố mẹ chỉ nuôi cho ăn học tốn hàng tỷ khi đến 18-20 tuổi rồi, tại sao bố mẹ lại còn còng lưng dành dụm để lo cưới cho con?
Việc lấy vợ lấy chồng nếu muốn thì đó là việc của người trưởng thành. Mà trưởng thành thì phải tự lo kinh tế cho bản thân thật đầy đủ, tự tạo ra của cải riêng cho mình trước khi nghĩ đến chuyện có con cái.
Chính vì cái kiểu lo cưới cho con rồi nào là của hồi môn này nọ mới sinh ra cái chuyện nhà giàu nhà nghèo, phần anh phần em hơn thua. Mỗi cá nhân tự lo hết thì lúc đó sống mới an nhiên tự tại không phụ thuộc vào ai. Cái này chẳng có gì là văn hóa cả, nó chỉ thể hiện sự yếu kém của cá nhân trong xã hội.
Ngày xưa ông bà cũng tự lao động mà có chứ ai cho đâu. Tiền của cha mẹ thì để cha mẹ dưỡng già, khi không còn cần xài nữa thì mới chia lại cho con cái. Nhiều người ở Việt Nam lớn rồi mà cứ dựa vào tiền của bố mẹ dùng cho chuyện riêng của mình thì thật kém cỏi quá.
Độc giả Trinh Nguyen kể:
Ba mẹ có tài sản thì cho, không có thì thôi. Lớn rồi phải tự lo chuyện cưới xin, sao lại trông cậy vào ba mẹ làm gì. Miễn mình vui vẻ là được rồi. Đừng vì sĩ diện mà làm khổ nhau, quan trọng là mình tự chủ tài chính.
Đám cưới thì đưa ba mẹ tiền để ba mẹ tổ chức cho. Ba mẹ đã nuôi mình lớn thì cái công đó đã vĩ đại lắm rồi nên phải biết ơn, không nên vì mấy cái tiền đám cưới nhỏ nhặt vậy mà vui buồn.
Đám cưới xong tôi đem trả lại vàng cưới nhờ mẹ chồng giữ. Tôi cũng không quan tâm số vàng đó nữa. Mẹ chồng luôn yêu thương tôi. Tôi nói thẳng với mẹ chồng là mẹ đã sinh ra chồng con và nuôi rất vất vả, đáng lý tiền của tụi con làm hàng tháng cũng phải biết mẹ, nhưng giờ tụi con phải lo đầu tư làm ăn nên không có dư.
Mẹ chồng cho tụi tôi đất đai, vợ chồng tôi đã từ chối. Tôi nói mẹ hãy đợi con gái mẹ lấy chồng, nếu con rể khó khăn thì cho đất làm ăn. Bên nội chồng cũng chia đất và vợ chồng tôi cũng đã từ chối, vì nhà bác tư còn nghèo, nên hãy lấy phần đó cho bác tư.
Tư tưởng của tôi là tự làm tự ăn, không trông chờ vào tài sản thừa kế. Dù giờ mình còn nghèo nhưng mình tin có ý chí và tấm lòng yêu thương mọi người thân thì mình sẽ thành công. Nên biết ơn ba mẹ đã cho mình hình hài khôn lớn, và đừng đòi hỏi gì thêm, mình sẽ thấy cuộc đời thật đẹp.
Độc giả Duy Giang Le cho rằng tặng nhiều tiền, vàng trong ngày cưới là quá hình thức, coi trọng sĩ diện:
Hồi tôi làm đám cưới, bố mẹ cũng không có nhiều tiền, nhưng bản thân không trông đợi người thân tặng nhiều quà cưới (trao vàng trong lễ cưới). Tôi hiểu nhà mình như thế nào, bố mẹ anh chị có thì tốt không có cũng không sao.
Lúc gần ngày cưới chị gái bảo tôi chuẩn bị vàng để mẹ tặng con dâu ngày cưới, tôi hơi sốc vì cách làm thực sự quá hình thức. Nhưng vì ngày cưới sắp đến nên cũng nghe theo để mọi việc êm đẹp. Sau này mới biết đó là cách làm của rất nhiều gia đình để đảm bảo phần "nghi lễ tặng quà" trong ngày cưới, rồi nhà nào có nhiều vàng tặng ngày cưới thì người xem càng xuýt xoa khen.
Càng nghĩ thực sự càng thấy quá hình thức và thiếu thực tế. Chúng ta quá coi trọng cái thể diện trước mặt bàn dân thiên hạ. Đến bây giờ gần 10 năm chắc vẫn còn cái tục lệ tặng quà rình rang đó. Sau này con tôi có cưới nếu có quà tôi tặng riêng ở nhà, ngày làm lễ chỉ lên sân khấu nói lời chúc phúc và chụp ảnh là vui rồi.
Độc giả có nickname T_kid cho rằng đôi lứa tự chủ tài chính thì hãy tiến tới kết hôn, vì đó là tiền để hôn nhân hạnh phúc:
Theo ý kiến cá nhân của tôi thì nên bỏ là tốt. Khi vợ chồng tự lo được đám cưới cho mình thì cũng chứng tỏ sự nghiệp cũng đã ổn định, cả hai đã trưởng thành (hoặc một trong hai), đã phần nào biết lo toan chuyện gia đình sau này, nếu gia đình sau này có sự cố thì cũng dễ dàng vượt qua hơn.
Cặp nào kinh tế càng tốt thì làm càng lớn, cặp nào không đủ khả năng thì làm theo sức của mình. Còn những cặp vợ chồng mà tới cái đám cưới cũng phải dựa dẫm vào gia đình thì làm sao bước vào cuộc sống vợ chồng một cách độc lập được? Những cặp như vậy thường ít ly hôn, nhưng người phụ nữ thì luôn phải cam chịu vì không có lối thoát.
Một số độc giả ủng hộ việc tổ chức tiệc cưới quy mô gọn, chỉ mời bạn bè thân thiết, họ hàng, cắt giảm đi những lễ nghi phiền hà, tốn kém:
Tôi ở Australia, các thanh niên bên này đôi khi đám cưới chỉ là một party nhỏ trong pub cùng các bạn thân là xong... đám cưới vui và vì mọi người đều hiểu biết nhau từ lâu. Bạn tôi khi đám cưới chỉ duy trì trong họ hàng chính thức gia đình cô bác chú thím ruột và con cháu họ chừng ba chục người.. cùng bạn thân tri kỷ từng vui chơi thân thiết và đến nhà nhau của cô dâu chú rể chỉ bốn người và chục anh chị em ruột thịt cô dâu chú rể.
Và đám cưới đó vui nhộn hơn bất cứ đám cưới đại gia với vài trăm người khách... dĩ nhiên đám cưới như vậy thì chỉ phí cô dâu ch́ú rể chẳng phiền họ hàng và cha mẹ và mọi người ai cũng biết nhau nên vui chơi thoải mái không cần giữ ý...
Họ quan niệm mời người khách chưa một lần ghé nhà nhau là làm phiền thời gian tốn tiền của người khác và làm giảm bầu không khí cởi mở thân tình của người thân thiết trong ngày quan trọng của họ...và nhất là không muốn nợ ai khi tổ chức đám cưới ...có sao làm vậy mới là người trưởng thành biết tự lo thân.
Đúng là chuyện có nhiều cho nhiều, có ít cho ít, không có thì không cho là chuyện bình thường. Nhưng nhiều nàng dâu so sánh và cảm thấy ấm ức khi mình không được bố mẹ chồng cho nhiều như bố mẹ chồng đứa bạn, rồi từ đó sinh ra những suy nghĩ tiêu cực đối với bố mẹ chồng.
Tự nhiên tiền lại thành vấn đề lấn cấn khi vừa bước chân vào hôn nhân, nên tốt nhất ngay từ đầu xác định hôn nhân là việc của chính bản thân mình, bố mẹ chồng cho thì tốt, không cho cũng không sao.
Còn thì xã hội thay đổi rồi, các gì hay thì mình nên học theo, rút ngắn các thủ tục, đám cưới nhỏ, gọn ấm cúng với những người thân, bạn bè thân thiết thôi. Điều quan trọng nhất là cuộc sống hạnh phúc sau hôn nhân kìa.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.