Lại chuyện đất đai, lần này là nói về kinh doanh bất động sản. Chúng tôi hỏi về việc làm thế nào để kinh doanh khu đô thị. Một tỷ phú thậm chí không thèm suy nghĩ, trả lời luôn.
1 – Tung tiền mua một mảnh đất to giá siêu rẻ, thường là đất hoang hóa không có khả năng khai thác nông nghiệp.
2 – Thuê tư vấn thiết kế có uy tín, vẽ ra khu đô thị bao gồm cả hạ tầng.
3 – Thuê công ty kiến trúc lên hàng loạt kiến trúc nhà ở, biệt thự, chung cư, sao cho đẹp mắt và đồng bộ. Có nhiều phương án kiến trúc để người mua lựa chọn.
4– Phân lô bán nền.
Ai mua nền xong phải chọn một mẫu kiến trúc trong số nhiều mẫu đã cho trước. Giá bán đất nền là bao gồm luôn cả giá xây dựng nhà cửa trên đó và hạ tầng xung quanh đó. Việc xây dựng đương nhiên do người của mình xây, người mua không được phép thuê ngoài. Sau này, sửa chữa nhà cửa cũng vẫn là người của mình. Điều đó nhằm hạn chế việc phá vỡ kiến trúc chung.
5 – Trường học, bệnh viện, khu giải trí, siêu thị... cho người kinh doanh chuyên nghiệp thuê hoặc chính mình bỏ vốn ra kinh doanh và thuê người điều hành. Thu tiền giao thông với đường xuyên đô thị do mình xây và đặt trạm ở hai đầu, không thu với người sống trong khu đô thị. Có sẵn phòng ốc cho mọi dịch vụ kinh doanh khác để cho thuê hoặc chính mình kinh doanh. Khoản này chính là "tiền đẻ ra tiền" với điều kiện nhà ở các loại của khu đô thị phải được lấp đầy với ít nhất 50% dân cư.
Người ta kinh doanh chung cư hay khu đô thị là như vậy đó chứ chả ai xây rồi bán cho dân vào ở xong rồi thôi. Chừng nào khu đô thị còn tồn tại, trách nhiệm giữa chủ đầu tư và dân cư vẫn còn gắn kết với nhau, lợi ích đan xen dựa vào nhau.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> 'Người có trình độ không nên đi buôn đất để làm giàu'
>> Ai cũng muốn mua đất rồi chờ lên giá, xã hội sẽ ra sao?
>> 'Không tỷ phú nào làm giàu nhờ phân lô bán nền'
Nói cách khác, dân cư của khu đô thị xài dịch vụ tiện ích gì đều có một khoản tiền chạy vào túi chủ đầu tư cho đến chừng nào mà anh còn sống ở đó. Người mua nhà, căn hộ không chỉ là khách hàng khi mua mà còn là khách hàng thường xuyên và lâu dài với mọi dịch vụ tiện ích sinh hoạt của khu đô thị.
Từ đi học, khám chữa bệnh, vui chơi giải trí, ăn uống cho đến mua sắm, gửi xe, hớt tóc, dọn rác... chủ đầu tư kinh doanh hết. Giao hàng tận nơi, phục vụ tại chỗ. Chủ đầu tư làm giàu lâu dài từ cái khoản này chứ không phải là khoản bán nhà hay căn hộ vốn chỉ thu để hoàn vốn xây dựng thôi. Chúng tôi cũng tìm hiểu các loại hình kinh doanh bất động sản khác nhưng anh nói, mấy cái đó quá đơn giản, ai có tiền làm chả được. Kinh doanh khu đô thị mới thật sự hoành tráng, không chỉ phải bỏ vốn đầu tư mà còn không ít chất xám trong đó.
Một người không thể nghĩ ra được tất cả, phải có nhiều người, nhiều đối tác "cùng chung chí hướng". Khu đô thị chẳng những là nơi ở mà còn là nơi tạo ra công ăn việc làm cho chính những người sống ở đó. Lòng vòng mọi người nuôi sống lẫn nhau thì khu đô thị mới đầy người, mới sầm uất chứ chủ đầu tư chỉ chăm chú kiếm lợi cho mình thì khả năng tạo thành khu đô thị ma là rất cao.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.