Nhiều người nói rằng kinh doanh bất động sản là con đường làm giàu của nhiều tỷ phú. Không sai. Nhiều tỷ phú trên thế giới làm giàu bằng con đường này. Trong gia đình tôi may mắn cũng có một tỷ phú. Giỗ quải gặp nhau chém gió, anh cũng kể cho chúng tôi nghe con đường làm giàu bằng kinh doanh đất đai của anh.
Anh nói chắc như đinh đóng cột rằng, không có tỷ phú nào làm giàu nhờ phân lô bán nền cả. Họ mua đất nền phải là những lô to liền khoảnh diện tích lớn hàng nghìn mét vuông trở lên. Sau đó là xây dựng nhà hàng, khách sạn, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, nhà liên kế, khu đô thị, chung cư... Sau đó là đưa những cái mà họ xây dựng vào hoạt động kinh doanh. Lợi nhuận từ chúng lại được tích tụ để xây dựng và kinh doanh những cái tiếp theo.
Trừ phi có người mua lại với giá cao, họ sẽ không bán đứt những tài sản ấy bởi vì những tài sản ấy chính là "tiền đẻ ra tiền". Chúng tôi hỏi, anh mua đất to như thế đã muốn hết vốn rồi, tiền đâu mà xây những thứ hoành tráng đó.
Anh cười, các chú không biết cái gì gọi là ngân hàng sao. Chỉ cần mình có dự án, ngân hàng sẽ cho vay tiền. Chỉ cần mình có dự án, người ở khắp nơi trên thế giới sẵn sàng nhảy vào hợp tác. Muốn trở thành tỷ phú, kinh doanh một mình là không có cửa làm giàu đâu.
Dự án kinh doanh nào cũng chứa đầy rủi ro trong đó. Nhiều người hợp tác, rủi ro sẽ được san sẻ bớt ra. Và, khi dự án đi vào hoạt động thông suốt bắt đầu tạo ra lợi nhuận thì, hoặc là ta mua lại phần của đối tác để sở hữu đứt tài sản, hoặc là ta bán phần của ta cho đối tác lấy tiền kinh doanh cái khác.
Vậy, lúc ban đầu khi chưa có vốn to thì làm sao? Thì đi làm công cho người ta chứ sao. Làm công là làm gì? Người ta có tiền, có dự án, cần người tổ chức thực hiện. Mình chính là cái người tổ chức thực hiện ấy. Có tiền có kinh nghiệm rồi thì tự ra làm chủ, tự nghĩ ra dự án phù hợp với số vốn của mình.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> 'Người có trình độ không nên đi buôn đất để làm giàu'
>> Ai cũng muốn mua đất rồi chờ lên giá, xã hội sẽ ra sao?
Dự án quá to lớn hơn nhiều so với vốn mà mình có thì mình tuy là người sáng lập công ty nhưng lại không phải là chủ nhân của nó mà là đối tác nhiều vốn hơn, như thế có khác gì "cốc mổ cho cò xơi". Phải nghĩ ra quy mô của dự án sao cho mình và đối tác phải bình đẳng với nhau về tài chính rồi "nước lên thuyền lên". Làm sao anh quản lý được tất cả những thứ đó?
Mình không quản lý những thứ đó, mình chỉ quản lý người. Mỗi loại tài sản cần có người điều hành. Những người đó mình phải đi thuê. Thuê được người rồi thì bộ máy phía dưới như nào do anh ta toàn quyền tuyển dụng, bổ nhiệm, sa thải. Anh ta chỉ phải chịu trách nhiệm về lợi nhuận với mình thôi.
Quay lại chuyện phân lô bán nền. Chúng tôi hỏi vì sao không thể làm "giàu" nhờ buôn nền. Anh nói, nếu mình buôn nền thì mình phải buôn từ gốc (từ đất tự nhiên) rồi bán tận ngọn (cho người có nhu cầu ở hoặc kinh doanh).
Điều đó có nghĩa là mua rẻ bán đắt. Và, quãng thời gian giữa mua và bán phải thật nhanh. Nếu quãng thời gian ấy là quá dài thì khi mình bán được đất giá cao, khắp nơi giá đất cũng cao như thế làm sao mua rẻ?
Rồi, trong quãng thời gian chờ giá lên như thế, tự thân miếng đất không tạo ra lợi tức, có phải là mình chôn vốn vào đó không? Buôn đi bán lại miếng đất đến lúc nào đó sẽ tạo thành giá bong bóng (cao hơn giá trị lợi tức của bất cứ hoạt động kinh doanh nào của tài sản được xây dựng trên nó) thì, hoặc là đóng băng chờ thu nhập chung của xã hội được nâng lên, hoặc là bị ngân hàng siết nợ.
Hiện tại, thu nhập chung của Việt Nam còn thấp nên tốc độ tăng khá nhanh chứ như Mỹ, mua miếng đất xong chờ giá lên chắc hết đời. Các chú nên nhớ, bất cứ lúc nào, tiền cũng phải đẻ ra tiền, không có chuyện ngâm vốn để đó.
>> Tôi bán nhà 185 triệu đồng, 20 năm sau giá tăng 5 tỷ
>> Lương 8 triệu đồng mua nhà nửa tỷ, phải bán cả nhẫn cưới
Chưa có dự án gì thì gửi ngân hàng lấy lãi, có dự án gì vừa sức với mình và lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng dù chỉ vài phần trăm thì bung ra luôn. Nói thật, quãng thời gian giá đất tăng 20 lần cũng là quãng thời gian mình từ triệu phú biến thành tỷ phú.
Từ 20 tỷ thành 400 tỷ mất 20 năm nếu chỉ buôn đất nền. 20 năm ấy, mình từ 20 tỷ ban đầu đã có gần nghìn tỷ với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, cả trong và ngoài nước. Những tài sản mà mình tạo lập trên đất nền tự nó kinh doanh tạo ra lợi nhuận và nuôi sống nhiều người khác, mình chỉ hưởng 5% lợi nhuận từ từng tài sản đó. Gom 5% của tất cả các tài sản khác nhau về, thu nhập của mình các chú không tưởng tượng nổi đâu.
Anh đã có nhiều tiền như vậy rồi còn muốn kiếm thêm làm gì nữa? Tỷ phú cũng là con người, cũng có ước mơ mà những ước mơ ấy thường vượt quá khả năng tài chính. Có người muốn tự tay tạo một cái thiên đường giữa chốn trần gian, có người muốn xây nhà trên mặt trăng, có người muốn làm giàu cho quê hương, có người muốn...
Những cái "muốn" ấy dù có trong tay cả trăm tỷ đô cũng chưa chắc thực hiện được. So với những ước mơ ấy, vài tỷ đô trong tay chỉ là một số tiền khá nhỏ nhoi không đáng kể.
Càng có nhiều tiền thì ước mơ càng cao càng xa và lúc nào mình cũng cảm thấy mình rất nghèo, càng phải cố cày cuốc để có thể chạm tay tới cái ước mơ ấy. Nếu kiếm tiền chỉ để cho bản thân và gia đình thì có lẽ mình đã dừng lại khi có trong tay vài trăm tỷ. Cuộc đời con người đáng sợ nhất là không có ước mơ. Không có ước mơ thì mình sẽ không hiểu mình sống để làm gì.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.