Ngày 23 tháng Chạp âm lịch, theo dân gian là ngày cúng Táo quân, hay còn gọi là Ông Công, ông Táo hoặc vua bếp.
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, đây là một trong những tín ngưỡng giàu ý nghĩa nhân văn của người Việt, hướng con người đi tới thiện lương. Tín ngưỡng này có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng được "Việt hóa" thành huyền tích hai ông một bà, tức vị thần đất, thần nhà và thần bếp núc. Ngoài mâm cỗ, mũ mão, vàng mã..., nhiều người thường chuẩn bị 3 con cá chép và thường là cá chép đỏ để cúng.
Lý giải cho việc chọn cá chép, là do người Việt có "xuất thân" từ nền văn minh lúa nước và cá chép là sản vật sông nước được coi trọng. Việc người dân dùng sản vật quý để cúng thể hiện sự kính trọng thần linh. Ngoài ra, theo truyền thuyết, cá chép có khả năng hóa rồng, nên sẽ đưa được Táo quân lên chầu Ngọc Hoàng. Ngoài ý nghĩa đó, thả cá chép cũng là một hình thức phóng sinh trong Phật giáo.
Vậy nhưng, nhiều người đã thiếu ý thức, thể hiện lòng tham bất chấp, khi rình rập người thả cá chép xuống sông suối để trực chích điện, vớt về ăn hoặc bán. Có người lý luận rằng: Bắt, giết, thịt cá chép nhằm hoá kiếp và phần hồn của nó mới là cái theo Táo quân. Đây là suy nghĩ hết sức sai lầm, thể hiện sự thiếu hiểu biết. Vì cá chép mới thả xuống đã bị giết, vớt, không kịp "vượt vũ môn hoá rồng", thì làm sao đưa được Táo quân chầu trời?
Về góc độ nhân văn, khi mới phóng sinh xong đã bị giết thịt, thà không thả xuống còn hơn. Bởi, ý nghĩa của việc phóng sinh nhằm để cá được về với sông nước, để nó được sống, được tự do vùng vẫy và để sinh sôi. Vậy mà, khi nó mới chạm mặt sông suối, người phóng sinh đã bất lực chứng kiến loài cá phải chết ngay trước mặt mình, thì còn đâu ý nghĩa tốt đẹp nào?
Niềm tin và tín ngưỡng cũng bị ảnh hưởng trước việc làm xấu xí, tiêu cực, như thể thách thức con người và báng bổ thần linh. Cho dù việc này không vi phạm pháp luật, bởi, mọi người được phép làm những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, phải có biện pháp ngăn chặn, nhằm không làm mai một đi truyền thống nhân văn tốt đẹp. Người làm việc tốt bị chế giễu, bị thách thức một cách công khai, ngay tức thì như vậy.
>>Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.