Bài viết 'Ngôn ngữ tuổi teen thách thức người lớn' đang gây tranh luận trái chiều trên VnExpress xung quanh việc có nên ủng hộ việc giới trẻ sử dụng "teencode".
Nhiều ý kiến phản đối việc sử dụng ngôn ngữ tuổi teen bởi làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt và thể hiện sự thiếu tôn trọng người khác:
Tôi từng nhận được email xin việc của các bạn trẻ dùng teencode. Và tất nhiên, các bạn ấy đã bị loại "từ vòng giữ xe". Khi bạn sử dụng quá nhiều loại ngôn ngữ này, bạn sẽ thành thói quen và cho nó là đương nhiên, bạn sẽ áp dụng nó trong những công việc yêu cầu sự rõ ràng, chuẩn một cách vô thức. Và bạn sẽ gặp rắc rối. Tốt nhất vẫn nên tránh xa điều này.
Có bạn xin việc trên nhóm của Facebook cũng viết kiểu vậy. Mình không tuyển dụng nhưng nói ngay rằng bạn viết như vậy không ai nhận vào làm việc cả. Thế mà quay lại trách móc là chưa làm việc với sếp mà đã khó thế. Vậy thì các bạn trẻ cứ lập công ty, doanh nghiệp mà làm riêng với nhau, tha hồ dùng mọi ngôn ngữ dị ứng. Còn xã hội văn minh thì hãy dùng tiếng Việt trong sáng.
Nếu chỉ giao tiếp chơi giữa bạn bè (và họ cũng thích, chấp thuận) thì cũng không sao. Nhưng vấn đề là nếu đem giao tiếp với những người khác, nhất là những người thuộc thế hệ trên thì lại là sự không tôn trọng (chưa kể phần lớn họ đều khó có thể hiểu được ngôn ngữ này). Vấn đề nữa là cần biết điểm dừng, kẻo nếu không khi đã ngấm vào máu rất dễ bị lạm dụng trong những phương thức giao tiếp khác như văn bản...
Buồn cho tiếng Việt của thế hệ học sinh, sinh viên bây giờ. Có điều kiện không chăm học ngoại ngữ, ít nhất là một thứ tiếng, toàn làm thứ vô bổ. Nhắn tin mà người nhận không hiểu là một thất bại trong giao tiếp.
Trong môi trường làm việc, tin nhắn, thư từ phải tuân thủ quy tắc văn phạm chuẩn để tránh hiểu nhầm và mất thời gian không cần thiết vào việc "hiểu" nội dung thông tin, qua đó tăng hiệu quả công việc. Nhân viên của tôi mà nhắn tin, viết thư kiểu này thì "ta chia tay nhau từ đây".
Tuy nhiên, không ít người lại cho rằng "teencode" là một sự sáng tạo của giới trẻ và nên được nhìn nhận, đánh giá công bằng:
Một vài người có lẽ sẽ chê bai, nhưng xét theo một khía cạnh khác "teencode" là một trong những dạng "mã hóa" trong thuật ngữ máy tính để giúp các bạn truyền đi thông tin nhanh và chính xác cho những người mà các bạn ý muốn truyền đến. Và điều dễ hiểu là một vài người không thấy được lợi ích của nó bởi vì họ không cần hoặc nó không có quá cần thiết với họ. Mặt trái thì ai cũng thấy nên không phải "teencode" xấu mà nó dùng vào đúng thời điểm và đúng người thì nó sẽ tốt.
Nhiều người người rất bảo thủ và giáo điều. Giới trẻ họ những sáng tạo thì phải động viên khuyến khích, đằng này cứ khư khư bảo vệ cái cũ. Tôi có cảm giác người Việt rất sợ thay đổi và luôn luôn an phận thủ thường. Tiếng Việt khác chữ viết tiếng Việt, người ta có thể dùng các ký tự khác nhau cho một tiếng sao cho dễ đọc dễ viết.
Tuổi trẻ mà cứ làm những điều mình thích nhưng lưu ý đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc, không ảnh hưởng tới ai là được.
Có gì lạ đâu. Bất kể ai qua thời điện thoại, điện thoại bàn phím số thì đều có thể soạn và đọc được những kia tự kiểu này. Với việc sắp xếp cách ký tự trên bàn phím số, việc gõ Tiếng Việt hơi bất tiện, để tiết kiệm tin nhắn và giúp soạn thảo nhanh thì thay thế các ký tự là điều sáng tạo ấy chứ.
Từ lóng trong tiếng Anh là "slang" - một dạng ngôn ngữ biến thể thường được tuổi teen sáng tạo biến thể từ ngôn từ thông dụng. Có nghiên cứu chỉ ra rằng tuổi teen tạo ra slang không hẳn chỉ để giao tiếp cho nhanh mà là muốn tạo ra thứ ngôn ngữ của riêng tuổi teen, giao tiếp với nhau mà người lớn không hiểu, soi mói vào những cuộc nói chuyện này. Thế giới riêng của tuổi teen là slang. Tuy nhiên, đa phần teen gặp phải vấn đề quen sử dụng slang và không để ý chuyện người lớn khó chịu với việc teen dùng slang để giao tiếp với họ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.