(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tác giả Ngô Tuấn Hưng hiện là nghiên cứu sinh ngành y tế công cộng tại trường Đại học Quốc gia Dương Minh (Đài Loan) chia sẻ bài viết giới thiệu về phương pháp chống lây nhiễm chéo ở bệnh viện Đài Loan:
Tôi hiện đang làm nghiên cứu sinh về y tế công cộng ở Đài Loan. Khi mới đến Đài Loan, điều khiến ngạc nhiên nhất đó là hệ thống y tế hoàn chỉnh cung cấp bảo hiểm y tế toàn dân bao gồm cả người nước ngoài làm việc ở Đài Loan.
Năm 2003-2004, Đài Loan là một trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh viêm đường hô hấp cấp SARS-2003 với 181 người chết (27%) trong tổng số 668 ca nhiễm.
Tuy nhiên chính nhờ kinh nghiệm trong việc phòng chống SARS, các nhà y tế công cộng của Đài Loan đã có thể giảm thiểu ảnh hưởng của Covid 19. Đến ngày 25/3, Đài Loan ghi nhận 235 ca nhiễm và chủ yếu là đến từ các ca ngoại nhập. Đây có thể coi là thành công của Đài Loan khi có một lượng lớn người về từ vùng dịch (Trung Quốc và các nước Âu Mỹ).
Đây cũng là điểm tương đồng ở Việt Nam khi các ca F0 đều là các ca ngoại nhập. Mặc dù Việt Nam đang rất tích cực trong việc cách ly các ca có khả năng lây nhiễm, vẫn có các lỗ hổng trong hệ thống cách ly để virus xâm nhập vào trong cộng đồng.
Người bệnh sau khi lây nhiễm trong cộng đồng sẽ đe dọa đến các hệ thống y tế. Vòng lây nhiễm giữa bên trong bệnh viện và cộng đồng sẽ làm cho dịch bệnh bùng phát theo cấp số nhân do lượng người lớn trong bệnh viện.
Ví dụ cụ thể là trường hợp bệnh nhân 133, người phát hiện có bệnh sau một thời gian nằm viện và được đưa trả về cộng đồng. Bài học từ bệnh nhân số 133 có thể là lời cảnh tỉnh về công tác phòng chống bệnh trong bệnh viện. Chính vì thế cần phải cắt đứt khả năng lây nhiễm giữa bệnh viện và cộng đồng.
Ở Đài Loan, các bệnh viện mặc dù không điều trị bệnh vẫn có thể chịu ảnh hưởng của các ca bệnh vãng lai. Các chính sách sau được khuyến cáo được áp dụng triệt để trong bệnh viện để giảm thiểu xác suất bị lây nhiễm trong bệnh viện đến mức thấp nhất:
- Hạn chế nhân viên y tế của bệnh viện đi nước ngoài để tránh việc bị nhiễm bệnh hoặc thiếu hụt nhân lực khi bệnh viện cần. Chính sách này đã thực hiện từ 23/02/2020.
- Yêu cầu toàn bộ người trong khuôn viên bệnh viện phải đeo khẩu trang.
- Hạn chế số người ra vào bệnh viện, chính sách một bệnh nhân một người nhà.
- Các chốt rửa tay được bố trí ở các điểm gần cửa ra vào, thang máy, và hành lang.
- Các điểm có nguy cơ cao như tay nắm cửa, thang máy đều phải được vệ sinh thường xuyên.
Trong các bệnh viện tuyến đầu chống bệnh, việc bảo vệ các y bác sĩ là điều kiện tiên quyết để đảm bảo nhân lực trong trường hợp có bùng phát lớn. Việc bác sĩ bị nhiễm bệnh sau khi điều trị cho bệnh nhân là một điều đáng tiếc nhưng có thể phòng tránh.
Trong giai đoạn phòng chống SARS 2003, các nhà làm y tế Đài Loan đã tổng kết ra phương pháp điều hướng trong bệnh viện để tránh lây chéo. Phương pháp này không tốn kém nhưng lại thể hiện những hiệu quả tích cực (Ảnh).
Các bước của công tác điều hướng trong bệnh viện có thể tóm tắt như sau:
Hạn chế các nguy cơ tiềm tàng ở bệnh viện, tất cả người muốn vào bệnh viện đều phải đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt tại cổng (1).
Bệnh nhân khi vào bệnh viện phải được phân loại. Bệnh nhân nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ được đưa vào khu cách ly chờ kết quả xét nghiệm (5). Bệnh nhân đã được xác nhận có bệnh sẽ được đưa trực tiếp vào khu cách ly điều trị (6). Công tác phân loại phải được thực hiện từ bên ngoài bệnh viện hoặc khu điều trị. Có thể phân loại thông qua triệu chứng như sốt, ho, khó thở.
Phòng làm việc của y bác sĩ (2) phải được đảm bảo là vùng sạch, không có mầm bệnh.
Sau khi được trang bị thiết bị bảo hộ các nhân, bác sĩ sẽ di chuyển đến vùng trung gian (3) để khám chữa bệnh cho các bệnh nhân nghi ngờ có bệnh (4). Sau đó bác sĩ có thể trở lại vùng trung gian 3 để đi đến khu điều trị cho bệnh nhân Covid 19 (6) hoặc đi đến khu trung gian (5) để trở lại phòng chờ (1).
Trước khi về đến phòng chờ (1), nhân viên y tế phải được vệ sinh, khử trùng.
Mặc dù hiện tại Việt Nam vẫn đang làm tương đối tốt công tác phòng chống dịch, kinh nghiệm của thế giới cho thấy dịch bệnh có thể bùng phát nếu chúng ta có bất kỳ một kẽ hở nào. Bệnh viện là nơi tiền tuyến và cũng là nơi phòng vệ quan trọng nhất trong toàn hệ thống. Chính vì thế, công tác chống dịch trong bệnh viện phải càng được thắt chặt.
Trong phòng chống dịch bệnh, có một quy tắc vàng đó là "Hope for the best but prepare for the worst". Chúng ta hy vọng cho điều tốt nhất nhưng luôn chuẩn bị cho điều xấu nhất có thể xảy ra.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Ngô Tuấn Hưng