Xung quanh câu chuyện "Tôi cho hai con tiêu tiền từ nhỏ", độc giả Thánh Tuệ chia sẻ quan điểm về cách dạy con sử dụng tiền hợp lý:
Kỹ năng quản lý tiền bạc đối với trẻ em vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Đó là một phần tất yếu. Chúng ta không thể né tránh vì chỉ làm cho vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn. Không ai có thể đảm bảo rằng, các bạn sẽ luôn bên cạnh con mình mãi. Một tai nạn, một rủi ro... hoàn toàn có thể khiến cuộc đời con bạn đi theo một hướng khác, không thể kiểm soát được nếu chưa học các kỹ năng quản lý tiền bạc với thái độ đúng đắn.
Vì thế, khi có thể, hãy dạy cho con cái bạn kỹ năng và thái độ với tiền bạc để đảm bảo rằng khi có bất kỳ chuyện gì xảy ra, chúng vẫn có thể tự đi tiếp cuộc đời của mình một cách tự tin. Nên nhớ rằng nếu có biến cố, con có thể kế thừa toàn bộ gia sản của bạn khi còn quá nhỏ. Do đó, đừng để chúng mang toàn bộ số tài sản đó ra làm "học phí" cho cách tiêu tiền của những kẻ lưu manh.
Người Mỹ dạy trẻ con kiếm tiền, tiêu tiền từ năm lớp 2 (thời điểm trẻ hoàn toàn có thể lên một kế hoạch kiếm tiền như bán nước ngọt, có thể biết sử dụng Office để viết báo cáo và lên kế hoạch...). Người Do Thái luôn có những câu truyện dạy kiếm tiền, tiêu tiền khôn ngoan đúc kết thành kinh Talmud. Còn người Việt cũng có câu truyện dạy trẻ con kiếm tiền bằng việc người cha ném tiền của người con vào đống lửa để thử phản ứng của chúng đấy thôi.
Cũng đánh giá cao tầm quan trọng của việc dạy con kỹ năng quản lý tiền bạc, độc giả Hien Pham bổ sung thêm:
Những thứ được dạy chỉ thật sự ngấm khi bạn trải nghiệm chứ không phải sao chép. Hãy để con vấp ngã một chút rồi chia sẻ cách của mẹ từ sách báo, kinh nghiệm và để con tự ngẫm tìm cách của mình. Không một thành công nào mà chưa hề có khó khăn vấp ngã. Các phụ huynh luôn hướng dẫn con chia tiền thành mấy ống nọ kia là dạy kỹ năng quản lý tiền bạc? Thứ quan trọng hơn cả tiền bạc là kỹ năng giải quyết vấn đề và cách sửa sai. Bố mẹ đưa thông tin, con chọn lọc thông tin và tự giải quyết.
Mỗi đứa trẻ đều có ưu điểm khác nhau, cách thức làm khác nhau nhưng đều rèn được tinh thần trách nhiệm và ý thức tự lập. Chúng ta tôn trọng tính cá thể của con nhưng cần xây dựng cho con những thói quen tốt. Việc nuôi con là cả quá trình bồi đắp từ những câu chuyện vụn vặt mẹ dạy trong cuộc sống hàng ngày. Thật buồn với suy nghĩ con thành công hoàn toàn do yếu tố bẩm sinh. Đó là cách đổ lỗi quen thuộc của phụ huynh không chịu cố gắng. Có người mẹ dạy được con bị hội chứng Down vào đại học, chắc nỗ lực của chị cũng bị phủ nhận bởi những lý do trời ơi của phụ huynh bảo thủ.
Có nhiều thứ chúng ta nghĩ tốt nhưng quan điểm đứa trẻ lại khác. Có thể con nghĩ được tiêu tiền như bạn, cảm giác được làm người lớn. Tốt nhất, hãy trao đổi với con để thấy bạn chúng dùng tiền như thế nào; con có muốn dùng không và bố mẹ không muốn dùng tiền vì những lo sợ cháu sử dụng mục đích nào đó... Rồi cho con tự nghĩ cách dung hòa giữa lợi ích của con và bố mẹ (nếu không ổn thì bố mẹ đưa gợi ý). Chúng ta đừng phớt lờ nhu cầu của con mà hãy cho con tìm cách giải quyết ổn thỏa giữa lợi ích từ hai phía. Việc chúng ta xem nhẹ cảm xúc, vấn đề của con cái sẽ khiến chúng xa cách bố mẹ và giấu giếm.
>> Quan điểm của bạn về việc dạy con sử dụng tiền thế nào? Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.