Xung quanh bài viết "Tôi lạc lõng vì không cho con tiền tiêu vặt", nhiều độc giả VnExpress đã có những góc nhìn khác về việc dạy trẻ tiêu tiền:
Từ lớp một, mẹ đã cho tôi tiền tiêu vặt mỗi ngày 500 đồng. Tôi phải đấu tranh xem nên mua nửa ổ bánh mì (300 đồng), đá bào si rô (200 đồng) hay đồ chơi, hay để dành. Đến lớp 2, mẹ cho tiền tiêu vặt theo tuần. Tôi ăn sáng ở nhà, mang theo nước và dùng tiền mua đồ chơi (thường là mấy sticker hoạt hình), hoặc lâu lâu đãi bạn bè. Mẹ duy trì cho tiền theo tuần đến hết cấp 3, sang đại học là cho theo tháng. Mẹ cho tiền như vậy nên tôi rất ngại xin tiền mẹ mua này kia, toàn tự tiết kiệm rồi mua, nên tôi đi học xa từ lớp 10 mẹ vẫn rất an tâm.
Nhu cầu thể hiện bản thân với cộng đồng ai cũng có. Nếu bạn không thể cho con học ở môi trường hoàn toàn không có tiền tiêu vặt, thì bạn nên tập cho con sử dụng tiền, đừng để bé lạc lõng với bạn bè, càng lạc lõng càng dễ bị bắt nạt. Nên dạy con hơn là cấm đoán, tôi thấy càng cấm càng làm, rồi trẻ lại nói dối để không bị phạt, còn cho tự do thì lại càng ít làm.
Tôi cho con tiền theo tuần, mỗi tuần cho một lần, dứt khoát không cho thêm để dạy bé biết tiết kiệm, sử dụng hợp lý trong khả năng của mình. Theo quan điểm cá nhân tôi, cuộc sống phải biết cách đương đầu với hoàn cảnh. Nếu thấy chạy xe nguy hiểm rồi không dạy bé cách sử dụng xe là không hợp lý. Nếu có gặp bắt nạt thì người bé báo đầu tiên chính là tôi và trách nhiệm của tôi là giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa, đó lời dặn dò mỗi ngày trước khi đi học.
Dạy con biết giá trị đồng tiền là tốt. Nhưng không nên quá khắt khe trong việc trao đổi giữa dạy và cho tiền. Nếu mọi thứ chỉ quy kết về tiền, trong một chừng mực nào đó, trẻ sẽ nảy sinh ý thức kiếm tiền bản năng. Mà trẻ nhỏ kiếm tiền bản năng tức là ăn cắp tiền. Hãy thật cẩn trọng.
Riêng tôi thì luôn cho bé một quỹ tiền nho nhỏ mỗi ngày. Nhưng luôn có một điều kiện, nếu mua món gì hơn 10.000 đồng phải có ý kiến của tôi. Muốn mua món 30.000 đồng thì tự nhịn ăn vặt 4 ngày để có đủ tiền. Mỗi khi đi du lịch, tôi cho phép xài thoải mái, nhưng là tiền heo đất của chúng.
Có lẽ tôi may mắn hay do bẩm sinh mà các con tôi xài tiền có kế hoạch, cũng có thể là phương pháp của tôi hiệu quả. Nghệ thuật dạy con cực kỳ khó, nó khó ở chỗ ko có một công thức nào là chuẩn mà tùy vào mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh mà dạy.
Ngày xưa đi học, tôi không có tiền, nhìn bạn bè ăn mà phát thèm. Giờ con lớp 4, tôi vẫn cho ngày 30.000 đồng ăn vặt dù trong cặp đầy bánh và sữa. Nhưng tôi dặn con kỹ rằng không mua đồ chơi. Bữa nào về tôi cũng hỏi con tiêu gì hôm nay? Hầu như bữa nào bé cũng trả lại 3-5 nghìn tiền lẻ do không tiêu hết. Và bé lại xin lại số tiền đó, bỏ ống heo để có tiền mua đồ chơi tặng em trai. Dạy con biết cách tiêu tiền cũng rất vất vả nhưng không phải không dạy được là cấm. Dạy con biết giá trị đồng tiền càng sớm càng tốt. Nếu không, sau ra đời ngơ ngơ càng dễ dính vào tệ nạn
Dâu Tây
Thực sự thì cho vừa phải không ảnh hưởng gì nhiều đến trẻ. Nó chỉ ảnh hưởng nhất là khi cha mẹ cho quá nhiều hoặc cắt hoàn toàn không cho. Thật ra, cả hai cách đều sẽ có hậu quả cực đoan. Còn cách tiêu tiền là do được dạy dỗ. Hồi đi học, tôi cũng ít được cho tiền, nhưng lúc nào cũng có 200.000 đồng trong túi do ba mẹ để, lỡ đi học hư xe hay có việc gấp. Nếu xài đến số tiền đó thì về giải trình lý do và đươc cho để bù vào. Được ba mẹ dạy rõ ràng là hoàn cảnh gia đình mình không có nhiều, và tiền mua ăn những cái gì không tốt. Có lẽ vậy mà đến hiện giờ tôi vẫn không có cảm tình với những thứ chế biến quá mức công nghiệp.
Hồi tôi học cấp một, mỗi ngày được cho 1.000 đồng. Lên cấp 2 là 20.000 đồng/ tuần. Muốn chi tiêu gì thì "liệu cơm gắp mắm". Nếu xét thấy hôm nay mình đã ăn uống hơi nhiều thì hôm sau tiết kiệm lại. Việc không cho con tiền không phải là cách dạy trẻ tốt, mà nhiều khi còn phản tác dụng, có thể khiến trẻ ăn cắp vặt hoặc ăn trộm tiền. Nhưng cho mà không kiểm soát cũng hại không kém. Cho nên, vấn đề không phải là cho ít hay cho nhiều mà là dạy con cách chi tiêu hợp lý trong ngân quỹ của mình.
Con gái mình học lớp 9, mỗi ngày cho bạn ấy 20.000 đồng để mua sữa bữa xế. Có hôm không có tiền lẻ, tôi bảo con lấy 50.000 đồng, mai mốt mẹ không phải đưa nữa. Nhưng con tôi dứt khoát không cầm mà nói để xin ba. Hồi con gái mình học tiểu học, mỗi ngày mình vẫn bỏ nước, sữa, bánh con gái thích vào cặp nhưng con vẫn xin thêm 5.0000 đồng. Thường thì con mua mấy cái tem dán trong mấy bộ phim hoạt hình thôi. Bây giờ con gái đã trở thành thiếu nữ nhưng tôi chưa bao bao thấy băn khoăn khi cho con mấy ngàn như vậy? Nói thật thì con cũng có bạn, nay bạn mời ly nước, mai mình phải mời lại chứ? Không lẽ ăn uống chùa của bạn mãi? Quan trọng là cách giáo dục từ gia đình thôi, chứ quan điểm của tôi cho con vài ngàn tiêu vặt không tới mức nghiêm trọng.
Vấn đề cốt lõi là bạn dạy con bạn tiêu tiền như thế nào? Tôi cũng có con đang trong độ tuổi tiểu học và cũng từng nghĩ không nên cho con tiền tiêu vặt. Nhưng khi các bạn của con mình có tiền mua món hàng mình thích, con mình thì không, cảm giác lúc đó nếu là bạn, bạn sẽ như thế nào? Chưa kể trẻ con bây giờ không ngây ngô như chúng ta thời xưa, con chúng ta có thể bị bạn chọc ghẹo khi không có tiền để mua cái gì đó.
Do vậy, vấn đề cốt lõi là bạn nên dạy con bạn sử dụng tiền như thế nào? Mẹ cho con tiền mang theo, nhưng con phải biết tác hại của những thứ đồ ăn bên ngoài, con phải biết đồ chơi nào là không có ích cho con. Và mẹ cũng đã chuẩn bị cho con ống heo, con có thể tiết kiệm số tiền đó để mua quà sinh nhật cho bạn, cho người thân.... hoặc đồ dùng học tập con thích... Vấn đề vẫn là mình dạy con cách sống, lối sống... chứ không phải là có nên cho tiền hay không?
>> Quan điểm của bạn về việc cho trẻ tiền tiêu vặt thế nào? Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.